ĐHĐCĐ VietinBank 2015: Thông qua nội dung sáp nhập PGBank

ĐHĐCĐ VietinBank 2015: Thông qua nội dung sáp nhập PGBank

(ĐTCK) Sáng ngày 14/4/2015 tại Hà Nội, VietinBank tổ chức Đại hội Đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2015. Đại hội thông qua các nội dung chính bao gồm việc sáp nhập PG Bank vào VietinBank; niêm yết cổ phiếu của cổ đông Nhà nước tại VietinBank…

Các chỉ tiêu kế hoạch tài chính trong năm 2015 được ĐHĐCĐ của VietinBank đặt ra như sau: Tổng tài sản phấn đấu đạt 746.000 tỷ đồng, tăng 13% so với 2014; dư nợ tín dụng tăng 13% so với 2014; nguồn vốn huy động tăng 14%; vốn chủ sở hữu tăng 7%; vốn điều lệ tăng 32%; lợi nhuận trước thuế 7.300 tỷ đồng; ROAA từ 1,0 - 1,2%; ROAE từ 10% - 11%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 3%; tỷ lệ chia cổ tức 7% - 9%; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) > 9%.

ĐHĐCĐ VietinBank đã phê duyệt thông qua việc niêm yết 2.400.204.956 cổ phiếu của cổ đông Nhà nước tại VietinBank trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

Theo lãnh đạo VietinBank, việc niêm yết toàn bộ số cổ phần của cổ đông Nhà nước sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của cổ phiếu CTG trong chỉ số VN-Index, từ đó tác động tích cực tới thanh khoản của cổ phiếu CTG nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung, làm gia tăng sức thu hút của cổ phiếu CTG đối với thị trường.

Với kết quả hoạt động kinh doanh tích cực, dẫn đầu trong khối các NHTM Việt Nam, cùng với chiến lược phát triển mạnh mẽ, rõ ràng, tiềm năng và triển vọng phát triển tốt, giá cổ phiếu CTG sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới, khẳng định vị thế không chỉ là ngân hàng hàng đầu của Việt Nam mà cổ phiếu CTG còn là một trong những cổ phiếu dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, với định hướng xây dựng trở thành tập đoàn tài chính - ngân hàng hiện đại, giữ vị trí trụ cột trong Ngành Ngân hàng Việt Nam, có quy mô và năng lực xứng tầm khu vực, từng bước chinh phục các thị trường quốc tế, đem lại lợi ích lâu dài cho cổ đông, VietinBank đã tích cực tìm kiếm và lựa chọn các tổ chức tín dụng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank.

Sau một thời gian nghiên cứu, VietinBank nhận thấy Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) là tổ chức tín dụng tiềm năng để sáp nhập vào VietinBank.

Việc sáp nhập PG Bank được đánh giá sẽ mở rộng quy mô vốn và nâng cao năng lực tài chính của VietinBank trên phương diện tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, tiến gần tới mục tiêu trở thành NHTM có quy mô và năng lực cạnh tranh tương đương với các ngân hàng trong khu vực; mở rộng mạng lưới chi nhánh của VietinBank nhằm tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong nước, vươn tầm hoạt động đến tận tuyến xã, thôn thông qua việc tận dụng các trạm xăng của Petrolimex và nhiều đại lý để cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính - ngân hàng…

Đồng thời, VietinBank sẽ mở ra cho VietinBank các cơ hội phát triển mới, hướng đến mối quan hệ hợp tác chiến lược, hữu cơ lâu dài giữa VietinBank và Petrolimex, qua đó mang lại lợi ích tổng thể cho các cổ đông, khách hàng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, giao dịch sáp nhập và tái cơ cấu PG Bank còn thể hiện quyết tâm cao của VietinBank trong việc triển khai thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, NHNN về tái cơ cấu ngành ngân hàng, khẳng định vai trò ngân hàng đầu ngành, luôn đi tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương đúng đắn của Chính phủ để ổn định và phát triển nền kinh tế. 

Trước câu hỏi của cổ đông về thông tin VietinBank sẽ sáp nhập OceanBank về, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Vietinbank khẳng định, hiện tại VietinBank chỉ sáp nhập PGBank, chưa có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác.

Đến hết năm tài chính 2014, VietinBank đạt được nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng:

- Quy mô tổng tài sản tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt 661.000 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2013 và đạt 103,3% kế hoạch ĐHĐCĐ năm 2014. VietinBank tiếp tục là một trong những ngân hàng TMCP có quy mô tài sản dẫn đầu thị trường;

- Dư nợ cho vay và đầu tư tăng trưởng mạnh, đi đôi với kiểm soát chất lượng tài sản, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Hoạt động cấp tín dụng đến 31/12/2014 đạt 543.000 tỷ đồng, tăng 18% so đầu năm, đạt 104,5% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/12/2014 là 0,9%/dư nợ tín dụng, thấp hơn mức bình quân toàn ngành. Hoạt động đầu tư đến 31/12/2014 đạt số dư 177.000 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản.

- VietinBank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, cơ cấu vốn được đa dạng hóa. Nguồn vốn huy động đến 31/12/2014 là 595.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,3% so với năm 2013 và đạt 104% kế hoạch ĐHĐCĐ. Nguồn vốn Khách hàng Doanh nghiệp (KHDN) tăng 11,3%, nguồn vốn Khách hàng Cá nhân (KHCN) tăng 13,5%; nguồn vốn huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước tăng trưởng tích cực 22,7% so với cuối năm 2013. Điều này đã khẳng định uy tín và thương hiệu mạnh của VietinBank trên thị trường trong bối cảnh áp lực cạnh tranh gia tăng.

- Tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về năng lực tài chính và hiệu quả lợi nhuận trong hệ thống NHTM Việt Nam: Hết năm 2014, vốn chủ sở hữu của VietinBank đạt 55.013 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 37.234 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng TMCP có vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ cao nhất Ngành Ngân hàng Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 7.302 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch ĐHĐCĐ. Trong đó, thu dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, tăng 15% so với năm 2013 và tỷ trọng trên tổng thu nhập hoạt động là 11,4%. Tỷ suất sinh lời ROAE và ROAA lần lượt đạt 10,5% và 1,2%, đạt kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra.

PG Bank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập ngày 13/11/1993. Đến 31/12/2014, PG Bank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 25.779 tỷ đồng, tín dụng đạt 14.507 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 168 tỷ đồng, cùng với hệ thống mạng lưới gồm 16 chi nhánh, 63 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm. Với cổ đông chiến lược là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sở hữu 40% vốn điều lệ, PG Bank có lợi thế cạnh tranh lớn dựa trên: (i) Cơ sở khách hàng bền vững của hệ thống Petrolimex và các đơn vị thành viên, đối tác; (ii) dịch vụ tài chính cung cấp tại hệ thống cây xăng của Petrolimex và đại lý trải dài trên toàn quốc, vươn tới tận tuyến xã thôn; (iii) thế mạnh về dịch vụ ngoại hối và phái sinh do nhu cầu lớn từ Petrolimex và các đơn vị thành viên, đối tác.

Tin bài liên quan