ĐHĐCĐ HAGL Agrico (HNG): Dòng tiền đã thông, ngân hàng đã cho vay trở lại

(ĐTCK) Khả năng có lãi trong năm nay và dòng tiền trả nợ là chủ đề được cổ đông chất vấn nhiều nhất trong phiên thảo luận của ĐHĐCĐ Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán HNG) diễn ra sáng nay (26/6).
ĐHĐCĐ HAGL Agrico (HNG): Dòng tiền đã thông, ngân hàng đã cho vay trở lại

Năm 2020, HNG đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.307 tỷ đồng, trong đó chuối dự kiến mang lại 3.708 tỷ đồng doanh thu, chiếm 86,09%, mít dự kiến đóng góp 239 tỷ đồng, thanh long 215 tỷ đồng, cao su và một số loại cây khác mang lại 145 tỷ đồng doanh thu.

 Trọng tâm năm 2020 của HNG là chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái hiện có và tuỳ vào nguồn đất dôi dư, cũng như tình hình tài chinh sẽ trồng thêm chuối để đạt mục tiêu quy mô 15.000 ha chuối trong tương lai, từ con số 7.930 ha hiện nay. 

Theo ông Đỗ Xuân Diện, Phó chủ tịch HĐQT HNG, nếu trồng 15.000 ha chuối thì sản lượng chỉ đáp ứng 7% thị trường Trung Quốc. Tuy nhiê, sản phẩm chuối của HNG cạnh tranh trực tiếp với chuối Nam Phi và Philipines tại thị trường Trung Quốc, nhưng phân tích giá vận chuyển thì giá vận chuyển của HNG có lợi thế hơn.

Ngoài Trung Quốc, HNG cũng phát triển các thị trường khác cho sản phẩm chuối là Nhật Bản, Hàn Quốc để giảm tỷ trọng thị trường Trung Quốc.

Hiện HNG đã trồng 18.304 ha cây ăn trái, trong đó có 5.736 ha đã đi vào khai thác với các sản phẩm chủ lực là chuối, xoài, mít, bưởi và thanh long. Đây là loại cây ăn trái ngắn ngày phù hợp với khí hậu nhiệt đới và mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, HNG đã trồng được 2.000 ha dứa, là sản phẩm chính tiếp theo, còn các trái cây khác chưa đáng kể.

ĐHĐCĐ HAGL Agrico (HNG): Dòng tiền đã thông, ngân hàng đã cho vay trở lại ảnh 1

Năm 2019, HNG lỗ 2.440 tỷ đồng do đánh giá lại các tài sản không hiệu quả, điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây do chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái và do chi phí lãi vay quá lớn.

Về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020, ông Diện cho biết, lợi nhuận của HNG trong 6 tháng đầu năm chưa cao, nhưng sẽ tập trung vào tháng 10 trở đi. 

Bổ sung thêm, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HNG cho biết, tháng 3 và tháng 6, Trung Quốc vào mùa ấm, cộng với ảnh hưởng Covid-19, chuối từ Nam Phi không xuất được đi châu Âu, nên đổ qua Trung Quốc, khiến giá giám sâu chỉ còn 5 USD/tấn. Sang quý cuối năm, khi Trung Quốc vào mùa lạnh thì giá sẽ tốt hơn. Đây là đặc thù mang tính thời vụ của thị trường trái cây Trung Quốc. 

Theo đó, doanh thu quý IV dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần quý II và đây là cơ sở để Công ty xây dựng kế hoạch doanh thu 4.300 tỷ đồng.

Theo ông Diện, HNG lúc đầu định đặt doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng tính toán các yếu tố đặt kế hoạch doanh thu rất thận trọng là 4.300 tỷ đồng. 

“Thực hiện kế hoạch doanh thu rất quan trọng, vì còn liên quan đến yếu tố dòng tiền. Năm nay, HNG đã thông được được dòng tiền, các ngân hàng đã cho vay lại”, ông Diện nói. 

Về khoản trái phiếu mới phát hành, ông Diện cho biết, 800 tỷ đồng trái phiếu phát hành với lãi suất rất hợp lý và tính toán của ban lãnh đạo cho thấy, dòng tiền HNG năm 2021 đủ để trả khoản vay ngân hàng đến hạn và trái phiếu vừa phát hành.

Với phần nợ 2.000 tỷ đồng HNG cho Chính phủ Lào vay để đầu tư xây sân bay, ông Diện cho biết, hiện nay Chính phủ Lào đã đồng ý cấp diện tích đất lớn để Việt Nam làm điện mặt trời. Một phần doanh thu từ dự án sẽ dùng để trả nợ cho cho Hoàng Anh Gia Lai.

Một cổ đông đặt câu hỏi về diện tích cao su hiện tại? Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HNG cho biết, HNG còn 31.000 ha cao su hiện nay vẫn khai thác nhưng không hiệu quả, do giá thấp nên khai thác càng nhiều thì càng lỗ. Khi nào giá cao su 1.500 USD/tấn trở lên thì mới khai thác mạnh. Trong tương lai, nếu cây ăn trái phát triển tốt thì có thể chuyển đổi dần diện tích, nhưng đó là chuyện tương lai. 

Tin bài liên quan