ĐHCĐ Vận tải Dầu khí (PVT): Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 36%

ĐHCĐ Vận tải Dầu khí (PVT): Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 36%

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ của Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) vừa diễn ra, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, trong 2019-2020 sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của tập đoàn tại PVT từ 51% hiện nay xuống 36% nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào PVT.

Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT cho biết, nhu cầu vốn đầu tư của PVT rất lớn nhằm phát triển, trẻ hóa đội tàu phục vụ nhu cầu vận tải. Trong khi bối cảnh năm 2019, việc thu xếp vốn rất khó khăn do Nhà nước đang hạn chế tăng trưởng tín dụng nên cho vay hạn chế.

Phương án giảm tỷ lệ sở hữu là phát hành thêm cổ phần mới thay vì chào bán cổ phiếu trên sàn. Đồng thời, PVT dự kiến phát hành cổ phiếu ở cả các công ty thành viên để giúp các đơn vị có thăng dư vốn đầu tư dài hạn, phát triển đội tàu.

Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV PVN, Tập đoàn vẫn hỗ trợ PVT tham gia vào các lĩnh vực có thế mạnh.

PVN có 3 nhà máy điện than đưa vào vận hành khai thác, mỗi nhà máy có khoảng 3 triệu than nhập khẩu hoặc nội địa đều sử dụng phương tiện vận tải. PVT đã đi trước đón đầu đang chuẩn bị đầu tư và xây dựng kế hoạch đầu tư đội tàu để vận tải cũng như làm việc với đối tác trong liên doanh lọc dầu Nghi Sơn để vận chuyển ít nhất 25,1% khối lượng dầu thô từ Trung Đông về, trong tổng khối lượng hơn 10 triệu tấn dầu thô  phục vụ liên doanh.

Bên cạnh đó, PVN cũng đang triển khai nhiều dự án LPG, triển khai thực hiện xây dựng hệ thống kho chưa nhiên liệu cũng cần sự tham gia đội tàu vận tải.

Trong năm 2019-2020, PVN triển khai dự án Cá Voi Xanh Lô B, Sao Vàng Đại Nguyệt cũng đang triển khai cố gắng đưa sớm vào khai thác. “Như thế ngoài công tác vận tải, công tác kinh doanh kho nội, dịch vụ đại lý cũng cần PVT tham gia”, ông Dũng nhấn mạnh.  

Năm 2018, PVT đạt kỷ lục về đầu tư đổi mới đội tàu, với 7 tàu được đầu tư nâng tổng số tàu lên 25 chiếc. Các tàu đầu tư đều có lãi ngay. Trong 7 tàu mới, có 5 tàu khai thác quốc tế và 2 tàu tham gia thị trường nội địa.

Cũng tại ĐHCĐ, PVT đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu hợp nhất đạt 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Doanh thu công ty mẹ là 2.250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 260 tỷ đồng. 

Kế hoạch này thấp hơn mức thực hiện của năm 2018 (doanh thu hợp nhất hơn 7.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là hơn 780 tỷ đồng).

Trả lời chất vấn của cổ đông về một kế hoạch nội bộ khác, ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc PVT chia sẻ: “Kỳ vọng của chúng tôi là cố gắng tăng trưởng. Năm 2019, sau hơn 2 tháng các chỉ tiêu đều hoàn thành vượt 20% so với kế hoạch hiện nay. Tổng quan kết quả kinh doanh có thể đạt bằng hoặc xấp xỉ năm trước nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sự cố gắng”.

Tin bài liên quan