ĐHCĐ Nhơn Trạch 2 (NT2): 6 tháng hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận, nửa đầu năm 2021 sẽ trả hết nợ quốc tế

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), lãnh đạo Công ty cho biết, ước tính 6 tháng đầu năm, sản lượng điện đạt gần 2,44 tỷ kWh, thực hiện 54% kế hoạch năm. Lợi nhuân trước thuế là 421 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, thực hiện 65% kế hoạch năm.
ĐHCĐ Nhơn Trạch 2 (NT2): 6 tháng hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận, nửa đầu năm 2021 sẽ trả hết nợ quốc tế

ĐHCĐ diễn ra hôm nay (17/6) đã thông qua toàn bộ tờ trình, trong đó, kế hoạch năm 2020 với doanh thu hơn 7.177,42 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 652,7 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 20%. Các chỉ tiêu này giảm so với thực hiện năm 2019. 

Bên cạnh đó, NT2 đặt kế hoạch sản lượng điện 4.500 triệu kWh và dự báo tình hình kinh tế năm 2020 tiếp tục phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, khả năng thiếu khí do suy giảm khả năng cấp khí, phân bổ Qc năm 2020 là 3.725 triệu kWh thấp hơn Qc các năm trước. Đồng thời, Công ty cũng sẽ dừng các tổ máy để thực hiện công tác trùng tu hơn 32 ngày trong năm 2020. 

Với các yếu tố trên, NT2 lên kế hoạch sẽ phải đẩy mạnh hơn thị trường điện cạnh tranh, chủ động chào giá hợp lý trong thị trường điện đảm bảo tối ưu công tác vận hành. Và chủ động nguồn khí thông qua việc tìm kiếm, phối hợp Tổng Công ty và PV Power. NT nghiên cứu phương án sử dụng các nguồn cung cấp khí bổ sung, hiện đã tiếp xúc một số nhà cung cấp để lập kế hoạch. 

Công ty cũng đề ra kế hoạch hạn chế tố đa khi vận hành nhà máy bằng nhiên liệu dầu khi EVN chưa ký kết hợp đồng dịch vụ phụ trợ để thanh toán đầy đủ các chi phí khi vận hành dầu. Năm 2019, sản lượng điện chạy dầu do thiếu khí của NT2 là 5,91 triệu kWh nhưng chỉ được thanh toán chi phí nhiên liệu nên không có phần lợi nhuận sản xuất kinh doanh và việc vận hành bằng nhiên liệu dầu DO cũng làm tăng rủi ro về độ tin cậy vận hành của nhà máy. 

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trong năm 2020 của NT2 là hoàn thiện, ký kết để thanh toán đồng bộ các Hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA, GSA (bao gồm phương án giá điện chạy dầu bao gồm phí công suất).  

Tính đến cuối năm 2019, NT2 đã đạt mốc sản lượng 40,61 tỷ kWh sau hơn 8 năm vận thành thương mại. Tổng doanh thu 7.740,8 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 754 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, NT2 muốn chia cổ tức cho năm 2019 là 25% bằng tiền, tương đương số tiền 720 tỷ đồng. Trong đó công ty đã tạm ứng 10% (tương ứng 288 tỷ đồng) và sẽ chia thêm 15% thời gian tới.

Năm 2019, NT2 đã trả nợ vay nước ngoài hơn 25 triệu USD và hơn 22 triệu EUR, tương ứng trả hơn 1.172 tỷ đồng. Theo lãnh đạo NT2, dự kiến hết tháng 6/2021 sẽ trả hết khoản nợ quốc tế. 

Phần thảo luận, lãnh đạo NT2 đã trả lời câu hỏi và quan tâm của cổ đông. Cụ thể theo các chủ điểm sau:

Dự kiến kết quả kinh doanh 6 tháng?

Sản lượng điện ước đạt gần 2,44 tỷ kWh, thực hiện 54% kế hoạch năm. Lợi nhuân trước thuế 421 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, thực hiện 65% kế hoạch năm.

Chi phí về khí chiếm 70% giá thành, do đó giá khí giảm xuống đã giúp giảm giá thành và ghi nhận kết quả tích cực. Dự kiến trong quý III là mùa mưa bão khiến giá thị trường thấp và đến tháng 9 sẽ mất 30 ngày để trùng tu nên thực hiện 6 tháng đầu năm cao.

Nửa đầu năm 2020, Công ty cũng đã trả thêm được 551 tỷ đồng nợ nước ngoài và đủ nguồn tiền để thực hiện chi trả cổ tức cho năm 2019. 

Tình hình thiếu hụt khí, nếu tính trên toàn hệ thống nguồn cung cấp và tiêu thụ là bao nhiêu?

Mức huy động tối đa trên hệ thống Đông Nam Bộ là 22,5 triệu m3/ngày, do thiếu khí của lô 06.1 và mỏ Sao Vàng Đại Việt (SVDV), cũng như Phong Lan Dạ chưa vào kịp, nên hiện tại lượng khí cung cấp vào bờ dao động 16,5-18 triệu m3/ngày. Trong đó, 2 nhà máy BOT 1.500MW Phú Mỹ được bao tiêu khí khoảng hơn 6 triệu m3/ngày, phần còn lại là giao cho các tổ khác. 

Hợp đồng của Nhơn Trạch 2 được bao tiêu 784 triệu m3/năm, với mức cao nhất 3,1 triệum3/ngày, thấp nhất 2,2 triệum3/ngày. Hiện NT2 đang thực hiện tốt bao tiêu này nên PVGas cam kết ký với Nhơn Trạch 2 mỗi ngày 2,79 triệu m3. Trên cơ sở đó, cục điều tiết điện lực phân bổ Qc cho Nhơn Trạch 2 là 3.788 triệu kWh.

Nếu không có bao tiêu khí đó, Nhơn Trạch 2 sẽ bị mất Qc vì không có khí để phân bổ Qc. Đó là lợi thế của NT2, và hợp đồng này có giá trị 25 năm suốt vòng đời dự án. 

PVgas phải cung cấp khí cho Nhơn Trạch 2 theo bao tiêu bằng tất cả các nguồn khí. Có nghĩa, nếu 1 năm mà NT2 không dùng hết 784 triệu m3 khí thì vẫn phải trả tiền đủ cho lượng khí này và năm sau sẽ được quyền lấy phần mà không phải trả tiền. Còn chạy hơn 784 triệu m3 thì phải trả tiền hoàn thổ và Pvgas có thể trả bằng nguồn khí của mình để cung cấp tiếp hoặc trừ vào nhu cầu khí năm sau của Công ty. 

Từ 2014-2017, NT2 chạy một năm hơn 1 tỷ m3/khí, trả tiền sòng phẳng nhưng nghĩa vụ bao tiêu khí Pvgas thì chúng ta đã âm của PVGas. Tuy nhiên, may mắn là chúng ta đã đàm phán nhanh chóng Qc, làm việc với bên đầu mua khí và đầu bán điện thông nhau nên có được một ngày trung bình 2,79 triệu m3 khí để chạy. Và nếu trong trường hợp khí đủ, huy động thị trường cao thì chúng ta sẽ chạy được 3,1 triệu m3 khí/ngày. 

Do vậy, 3,1 triệu m3 khí/ngày không phải nhu cầu bình thường mà là mức cao nhất PVGas có thể cấp trong 1 ngày. 

Hiện tại thiếu khí bởi vì khí cung cấp vào bị thiếu nguồn, một số nhà máy phải dừng, nhưng NT2 một ngày trung bình vẫn chạy 3,14 triệu m3.

Còn đến cuối quý IV, mỏ SVDV và Phong Lan Dạ sẽ vào, cung cấp thêm cho hệ thống khoảng 4 triệu m3/ngày. Sẽ có thể, trong trường hợp suy giảm của lô 06.1 và 11.2 ở Bạch Hổ thì với lượng bổ sung này, hệ thống sẽ có đủ khí để chạy. 

Từ nay đến cuối năm, chúng ta vận hành trên cơ sở lượng khí bình quân 2,79 triêu m3 khí/ngày. Sang năm, bổ sung được SVDV (đã ký được phụ lục hợp đồng, chưa sử dụng) thì thiếu hụt khí sẽ đỡ hơn. Tất nhiên, về lâu dài, Công ty đã lập tổ công tác nghiên cứu khai thác nguồn khí, làm việc với các nhà cung cấp khí LNG. Bộ Công thương đã cho phép đấu giá khí LNG tại nhà máy. Trong ngắn hạn, NT2 đang đủ chạy theo Qc.

Tình hình giá dầu giảm như thế này, có ảnh hưởng không?

Khi phát triển mỏ thì các nhà phát triển đều đưa ra một giá sàn nhất định đủ để bù đắp chi phí phát triển mỏ. Và khi bán khí cho Pvgas thì bán từ ngang giá đó trở lên. Dầu giảm thì giá khí giảm nhưng không thấp hơn giá khí tự nhiên.

Dầu DO dự kiến năm 2020 của Công ty hơn 700Sm3, tăng mạnh, vì sao?

Theo quy định phải dự trữ dầu đủ cho 3 ngày vận hành, tương đương tối thiểu 4.200 m3 dầu, nhưng để đảm bảo được mức này thì chi phí dự phòng sẽ tăng cao làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. 

Vì vậy, 2 năm liền, NT2 dự trữ ở mức 2.400 m3, thấp hơn quy định, dù có sự cảnh báo của A0 nhưng NT2 chủ động kiểm soát vấn đề giá khí và giá dầu để dự trự ở mức thấp nhất. 

Để làm điều này, NT2 đã ký hợp đồng khung với dầu, khi A0 huy động dầu thì có hợp đồng khung, lấy 3 báo giá và trong vòng 24h có thể bốc dầu lên được nhà máy, vì vậy NT2 chỉ dự trữ cho khoảng hơn 1 ngày.

Vừa qua, A0 có văn bản yêu cầu NT2 chạy, đề nghị NT2 phải nhập dầu và chúng tôi đã nhập dầu nhưng ở mức độ hạn chế nhất, tiệm cận ở mức an toàn dự trữ, sao cho để vận hành dầu chỉ 19h thôi, còn lại chạy bằng khí để có hiệu suất cao hơn, chi phí thấp hơn. 

Trong năm 2019, việc hạn chế chạy dầu, chuyển sang chạy khí, NT2 lãi thêm 32 tỷ đồng.

Hiện tại, hợp đồng dịch vụ phụ trợ dầu đã đàm phán xong, nhưng vẫn còn một vài bước nữa mới hoàn tất, khi đó giá dầu sẽ được bù đắp. Tuy nhiên, NT2 vẫn ưu tiên chạy khí. 

NT2 có các khoản phải thu đáng chú ý, có dòng tiền đầu tư âm, đề nghị Công ty giải thích thêm. Ngoài ra, Công ty có lãi chênh lệch tỷ giá hơn 600 tỷ đồng, và dự kiến trả xong nợ trong 2021, vậy ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh Công ty? 

Kế toán trưởng NT2 cho biết: Khoản phải thu tiền điện tháng 11-12/2019 là 1.286 tỷ đồng, tại thời điểm 31/12 là khoản nợ chưa đến hạn, nhưng sau khi đến hạn thì NT2 đã hoàn thành việc thu công nợ.

Âm dòng tiền đầu tư, tức Công ty chi ra 187 tỷ đồng để đầu tư tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng, còn tiền điện tháng 11-12/2019 là tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về chênh lệch tỷ giá, các khoản nợ vay gồm chênh lệch tỷ giá thực hiện và chưa thực hiện. Dư nợ 100 triệu, trả nợ 5 triệu thì tại thời điểm trả nợ 5 triệu đã thực hiện rồi, còn dư nợ 95 triệu chưa thực hiện. Lãi lỗ từ chênh lệch thì phải hạch toán trên báo cáo lãi lỗ, trừ giai đoạn đầu tư (treo trên tài khoản trung gian), sau đó hết giai đoạn đầu tư, nếu lời hạch toán vào lợi nhuận dự án, lỗ thì phân bổ chi phí không quá 3 năm. 

Còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì hạch toán trên báo cáo lãi lỗ.

Hiện nay, NT2 có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện - là khoản phi tiền tệ. Theo các quy định trước, khi doanh nghiệp chi trả cổ tức thì cân nhắc “chưa thực hiện việc chi trả cổ tức đối với khoản phi lợi nhuận” này. Sau tháng 6/2021 sẽ thực hiện trong công tác trả nợ, Công ty sẽ báo cáo HĐQT, cổ đông có phương án xử lý đối với khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện nằm trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Công ty có kế hoạch vay mới để đầu tư mới không?

Sau trả nợ, Công ty sẽ dư tiền và sẽ tăng lợi nhuận. Do vậy, sau khi hết nợ, hết khấu hao, thì có thể Công ty sẽ đầu tư nâng công suất, nâng hiệu suất và phát triển mở rộng để có lợi nhuận tốt hơn. 

Nếu 2021 trả nợ xong, Công ty sẽ bổ sung vào dòng tiền cả ngàn tỷ đồng, nếu đầu tư mở rộng như Nhơn Trạch 2 mở rộng trước đây, thì phải nằm trong các quy hoạch điện quốc gia và khoản đầu tư rất lâu. 

Theo đó, với khoản trăm tỷ, ngàn tỷ thì chúng tôi sẽ đầu tư nâng công suất, ví dụ nhà máy công suất hiện là 750MW, đầu tư một hệ thống để giảm nhiệt độ đầu vào khi đốt nhiều O2 hơn. Như vậy, 1 m3 khí sẽ tạo được 115 KW thay vì 100 KW - tăng hiệu quả sản xuất. Và đầu tư sản xuất lớn, khoảng 15-20 triệu USD. 

Thứ 2 là hạ công suất min, hiện tại công suất min của một tổ máy là 110MW, tức dưới mức này thì dừng máy. Ở những lúc thị trường thấp hoặc huy động ít, chúng ta muốn đảm bảo lợi nhuận thì phải lựa chọn giữa 2 vấn đề, đó là dừng máy, nhưng phải chấp nhận khi khởi động lạnh mất khoảng 3,5 tỷ đồng. Còn huy động trên hệ thống điện quốc gia là theo giờ, nên lựa chọn dừng máy hay chạy tiếp là cả vấn đề. 

Còn nếu tiếp tục chạy, với những lúc giá hợp đồng 2 đồng, 5 đồng, 7 đồng thì lãng phí. Vì vậy, chúng ta đầu tư để giảm công suất min xuống còn khoảng 80 MW. Tức không mất 30 MW chạy không và để làm điều này cần khoảng 200.000-250.000 USD. 

Đây là những thứ mà NT2 dự kiến sẽ thực hiện. Còn đầu tư mở rộng thì cần vốn lớn, như Nhơn Trạch 3-4, tổng vốn 1,5 tỷ USD, cần 20% vốn đối ứng cũng khoảng 300 triệu USD. 

Cũng có thể, NT2 sử dụng dòng tiền đó để tham gia đầu tư vào các công ty cổ phần, đầu tư tài chính. 

Tiến độ thương lượng lại hợp đồng PPA như thế nào?

Các chỉ tiêu về tổng mức quyết toán, chi phí liên quan đã được thống nhất. Còn mỗi IRR thì hiện EVN muốn duy trì mức chung các Nhà máy điện đang thực hiện và với NT2 là 10,66%, NT2 muốn nâng từ 11% trở lên để có hiệu quả hơn.

Đàm phán theo thông tư 56 là đàm phán theo hướng giảm giá. Trước đây, ta có mức đầu tư xây dựng 13.700 tỷ đồng, nhưng vì NT2 làm tốt, đúng tiến độ, tiết kiệm được 100 triệu USD nên bây giờ lấy giá trị quyết toán công trình giảm đi 24 tỷ đồng, đúng bằng lượng tiết kiệm được. 

Ngân sách trùng tu và hạng mục trong năm nay?

Gồm 2 phần của nhà thầu trong nước, trong đó PVPS xong về khối lượng và phương án thi công đang thống nhất nhân sự thực hiện.

Với Siemen, về vật tư thì ngày 30/7 về đến công trường, còn nhân sự, do ở Đức đang có dịch, Việt Nam cũng chưa nhận các chuyến bay quốc tế, nên chiều mai (18/6) sẽ đàm phán với Siemen về việc sử dụng lực lượng chuyên gia như thế nào để đảm bảo đủ nhân sự thực hiện.

NT2 có khả năng trả cổ tức 25% năm nay không?

Tôi cũng muốn con số này vì đây là truyền thống của Công ty. Tuy nhiên, năm nay vì khó khăn nên xây dựng kế hoạch thận trọng là 20%, và cố gắng hơn. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa có cơ sở dữ liệu để trả lời chắc chắn với cổ đông sẽ trả được 25% trong năm 2020 hay không?

Nhà nước phát triển năng lượng tái tạo, có ảnh hưởng NT2?

Năng lượng tái tạo là năng lượng cho tương lai, còn trong hiện tại, với mức tăng trưởng điện 9-10%/năm và các dự án lớn về điện không đưa vào kịp tiến độ thì việc thiếu điện có thể xảy ra trong vài năm tới. 

Các dự án điện tái tạo, đa phần là lẻ tẻ, ảnh hưởng chủ yếu ở giờ cao điểm. Đặc biệt, từ năm 2021 sẽ phát điện cạnh tranh, khoảng 65% thị trường tham gia phát điện cạnh tranh – đây là lợi thế cuả NT2 có thể cung cấp lượng điện công suất lớn cho khu công nghiệp, đang có nhiều hợp đồng mua bán điện song song.

Hiện nhà máy Nhơn Trạch 2 có máy tốt, chạy trong dải công suất rộng, và lên máy nhanh nên có nhiều lợi thế, được ưu tiên lựa chọn. Hoặc các nhà máy điện có dải như NT2 thì có giá cao hơn, trong khi NT2 dự kiến năm 2021 trả xong nợ, 2025 hết khấu hao. 

Việt Nam đón dòng vốn FDI lớn, NT2 có xem là cơ hội không?

Cơ hội lớn vì Nhà máy NT2 công suất 750 MW, nằm ở tam giác trọng điểm kinh tế phía Nam. Nhiều nhà máy mở tại Việt Nam thì nhu cầu tiêu thụ điện cũng tăng lên, họ yêu cầu công suất cao, lên đến 100 MW và sự ổn định – cái này NT2 có.  

Thứ 2, NT2 tham gia thị trường điện cạnh tranh thành công, với giá thấp nhất, và sắp tới tham gia thị trường điện bán buôn hoàn chỉnh, khi đó không chỉ có EVN là bên mua duy nhẩt, mà còn có 5 tổng công ty điện lực sẽ cùng chào mua. Khi đó, Công ty sẽ chào giá bán như trên sàn chứng khoán, có thể chào trực tiếp các doanh nghiệp FDI. 

Vòng đời của một tuabin Siemen là bao nhiêu năm? Sau khi hết vòng đời, nhà máy Nhơn Trạch 2 sẽ như thế nào?

NT2 xây dựng Nhà máy dựa trên cơ sở 25 năm cho 1 vòng đời dự án, để đảm bảo cho đầu tư, thu hồi vốn, lợi nhuận, nguồn nguyên liệu cung cấp đầu vào, sản phẩm bán điện đầu ra…

Đối với máy Siemen hết 25 năm còn chạy không? Câu trả lời là có, vẫn chạy tiếp, chủ yếu quản trị ra sao. 

Hợp đồng PPA, quý III nếu đàm phán xong thì giá điện quý I-II có hồi tố hay quy đổi ra sao?

Thông tư 56 có nội dung, giá trị của phụ lục bổ sung hợp đồng được tính kể từ ngày ký kết và không hồi tố tiền điện cảu thời gian trước đó. Tuy nhiên, giá trị bình quân của vòng đời dự án thì có điều chỉnh. Còn tiền điện đã bán và thu về thì đến ngày ký phụ lục về trước thì không hồi tốt. Từ ngày ký sẽ tính giá điện mới trên cơ sở giá trung bình của phụ lục hợp đồng điều chỉnh. 

Tin bài liên quan