ĐHCĐ Masan Resources (MSR): Đổi tên và công bố chiến lược Vươn ra toàn cầu

ĐHCĐ Masan Resources (MSR): Đổi tên và công bố chiến lược Vươn ra toàn cầu

(ĐTCK) Chiều nay (29/6), CTCP Tài nguyên Masan (HNX, mã: MSR) mở đầu “chùm đại hội” của Tập đoàn Masan và các thành viên trong 2 ngày liên tiếp gồm Tập đoàn Masan (MSN), Masan Consumer (UpCom, mã MCH) và MeatDeli (UpCom, mã: MML).

Nếu tính đúng thì còn có một thành viên khác của Masan là Vinacafe Biên Hòa (Hose, mã: VCF) tổ chức trước đó ngày 16/6.

MSR - Masan Resources, là thành viên “đặc biệt” của Tập đoàn Masan bởi lĩnh vực hoạt động là khai khoáng, lĩnh vực khá khá biệt với các thành viên khác trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và phân phối.

Nhưng dù khác biệt về lĩnh vực kinh doanh thì đại hội của MSR vẫn như “truyền thống” của Tập đoàn Masan, đó là một sân khấu trình diễn thực sự, với những kế hoạch lớn được các lãnh đạo cao cấp trình bày.

Năm nay, MSR xin ý kiến cổ đông và chính thức đổi tên thành Masan High-Tech Material, với chiến lược Vươn ra toàn cầu (Go Global).

Điểm nhấn thực hiện kế hoạch này được giới thiệu với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của MSR năm nay chính là thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của Tập đoàn H.C Starck được công bố vào ngày 10/6. Đây là thương vụ sẽ mang lại cho MSR các trung tâm sản xuất tiên tiến ở mỗi khu vực thị trường trọng yếu như NAFTA, EU, APAC với các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc.

Đây cũng là nền tảng công nghệ tái chế đẳng cấp thế giới, vừa có thể mở rộng và nhân rộng ra mọi địa điểm cơ sở kinh doanh, giúp MSR có thể tạo vị thế vững vàng do có lợi nhuận kinh doanh từ nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai với các dòng sản phẩm của mình như các vật liệu công nghệ cao dung để hỗ trợ những tiến bộ công nghệ, đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng công nghiệp về sự đô thị hóa nhanh tại nhiều nước phát triển…

Thương vụ mở ra những kế hoạch mới để MSR cải thiện tình hình kinh doanh sau một năm 2019 đầy sóng gió.

Theo lãnh đạo của MSR, năm 2019 là một năm môi trường kinh doanh của ngành khoáng sản đầy khó khăn, thử  thách, phản ánh vào số liệu doanh thu thuần của MSR chỉ đạt 4.706 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018.

Nhu cầu toàn cầu suy yếu, khối lượng sản xuất sụt giảm cùng với ảnh hưởng lớn của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến giá các hang hóa của MSR giám xuống trong suốt năm. Sản phẩm Vonfram và Bismut còn chịu tác động bởi việc bán một lượng lớn hang dự trữ của sàn giao dịch Fanya tại Trung Quốc trong tháng  9/2019.

Giá trung bình trong năm của các sản phẩm Vonfram, Florit, Đồng và Bismut bị giảm xuống lần lượt là 22%, 3%, 8%, và 32%.

Để khắc phục khó khăn từ thị trường chung, trong năm 2019, MSR duy trì sản xuất ổn định với mức chi thấp nhất. Công ty duy trì lượng cấp liệu đầu vào Nhà máy chế biến Núi Pháo ở mức 3,78 triệu tấn, giảm 2,8% so với kỷ lục đạt được năm 2018 là 3,89 triệu tấn. Để bù đắp lại một phần tác động của việc giá thành và sản lượng sụt giảm, Công ty đã tập trung vào việc kiểm soát chi phí, nên đã cắt giảm được 12% chi phí tiền mặt, tương đương khoảng 14 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2019, MSR đã dàn xếp xong vụ kiện kéo dài với Jacobs E&C Australia Pty Ltd.

Theo báo cáo tài chính của MSR, năm 2019, Công ty có lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 1.881 tỷ đồng, giảm 44% so với mức 3.331 tỷ đồng năm 2018. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông là 352 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Danny Le, Chủ tịch HĐQT của MSR: “Năm 2020, chúng tôi nhận thấy đây có thể là một năm có nhiều khó khăn phía trước. Vào thời điểm diễn ra đại hội này, thế giới vừa trải qua đại dịch Covid-19, đây sẽ là giai đoạn đầy thách thức với chính phủ các nước, doanh nghiệp, cộng đồng người dân”.

“Tại Masan High-Tech Material, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn và ban hành các kế hoạch về tính liên tục kinh doanh, từ đó giúp củng cố năng lực để dẫn dắt công ty vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu này”.

Về kế hoạch 2020, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính hiện tại của Công ty và đà phục hồi hình chữ V của các thị trường toàn cầu trong nửa sau năm 2020, MSR ước lợi nhuận hợp lý về dự báo như sau: Về doanh thu thuần sẽ đạt 8.000 tỷ đồng (kịch bản thấp), 9.000 tỷ đồng (kịch bản cao); tương ứng với lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông đạt là 200 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.

Tại đại hội, cổ đông đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ, với tổng số cổ phần phát hành không qua 9,99% tổng số cổ phần đang lưu hành của MSR cho không quá 5 nhà đầu tư. Thời điểm phát hành trong năm 2020 hoặc trước ĐHCĐ 2021 với giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách đã được kiểm toán gần nhất.

Đồng thời, cổ đông cũng thông qua tờ trình phân chia lợi nhuận 2019 theo phương án không chia cổ tức. Như vậy, lợi nhuận chưa phân phối của MSR hiện vẫn ở mức hơn 2.700 tỷ đồng.

Cũng tại đại hội, cổ đông của MSR đã chấp thuận việc từ nhiệm của TS. Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan) khỏi Hội đồng quản trị của MSR. 

Tin bài liên quan