ĐHCĐ Licogi16: Có nhà đầu tư sẵn sàng "tạm ứng" 600 tỷ đồng để LCG thực hiện dự án BT Bình Tiên

ĐHCĐ Licogi16: Có nhà đầu tư sẵn sàng "tạm ứng" 600 tỷ đồng để LCG thực hiện dự án BT Bình Tiên

(ĐTCK) Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Licogi16 (LCG) cho biết, theo hoạch định trong giai đoạn 2016-2020, có thể năm 2018 LCG sẽ phải phát hành trái phiếu nhưng đến nay, khẳng định LCG tự chủ được nguồn lực tài chính phục vụ dự án nên không cần huy động vốn trái phiếu. Trong kịch bản xấu nhất, LCG chỉ cần tăng thêm vốn vay ngân hàng 300 tỷ đồng.

Theo tờ trình ĐHCĐ đang diễn ra sáng nay, năm 2018, LCG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.501 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu tài chính và doanh thu khác), lợi nhuận hợp nhất cổ đông công ty mẹ 123 tỷ đồng, tăng lần lượt 65% và 58% so với thực hiện năm 2017. Cổ tức dự kiến 10%.

Đối với công ty mẹ, kế hoạch doanh thu 1.957 tỷ đồng, lợi nhuận 73 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2017.

Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động cốt lõi là xây lắp tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn 2.005 tỷ đồng, tương ứng 80%, mảng bất động sản 495 tỷ đồng.

Cổ đông chất vấn ban chủ tọa về cơ sở để thực hiện kế hoạch tăng trưởng cao so với năm 2017. Ông Tăng Quốc Thuộc, Tổng Giám độc LCG cho biết, giá trị các hợp đồng xây lắp mà LCG đã ký hiện nay khoảng 4.900 tỷ đồng, trong đó năm 2018 dự kiến thực hiện được khoảng 2.000 tỷ đồng.

"Cộng thêm với doanh thu từ bất động sản gần 500 tỷ đồng đến từ các dự án như KDC Hiệp Thành; KDC Nam Phương City; dự án 27 hecta và 50 hecta Long Tân. Ngoài ra, LCG cũng mới ký kết hợp đồng thực hiện dự án Nhà máy nước Sông Đà, giá trị 650 tỷ đồng và nhà máy nước Sài Gòn – Cần Thơ, giá trị hợp đồng riêng phần xây lắp là 187 tỷ đồng".

Theo đó, ông Thuộc tự tin LCG có thể đạt được kế hoạch đề ra.

Trong mảng hoạt động xây lắp, cổ đông đặc biệt quan tâm tới dự án BT Bình Tiên liệu có khởi công kịp trong tháng 6 năm 2018. Ông Bùi Dương Hùng chia sẻ, dự án BT Bình Tien là 1 trong 2 dự án thành phần của dự án Cầu đường Bình Tiên.

"Đây có lẽ là dự án BT cuối cùng ở TP.Hồ Chí Minh  theo hình thức chỉ định thầu. Tổng vốn đầu tư dự án (gồm cả chi phí lãi vay, giải phóng mặt bằng) trên 1.000 tỷ đồng. Hiện việc đàm phán ký kết hợp đồng, các nội dung chủ yếu đã thông qua. Còn một số ý kiến của Sở Tài chính thì chờ Sở đàm phán trực tiếp với chủ đầu tư. Dự kiến hoàn tất cuối tháng 5".

Ông Hùng cho biết, dự án hợp phần đường Bình Tiên của LCG có lợi thế hơn so với hợp phần cầu, nhất là ở khâu giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, đối tác liên doanh là BCCI (nay là công ty TNHH MTV Khang Phúc)- hiện đã trở thành công ty 100% vốn của KDH, đã thay đổi chiến lược kinh doanh nên đã quyết định giao lại 5% vốn tại công ty liên doanh cho LCG. Tức hiện nay, dự án này 100% vốn của LCG. Thứ hai, toàn bộ quỹ đất trong sự quản lý của Khang Phúc mà dự án đi qua thì đồng ý cho LCG mượn đất trước để thi công.

Về nguồn vốn, ông Hùng cho biết, vốn đối ứng đã sẵn sàng. Và việc thanh toán bằng quỹ đất đã có nhà đầu tư “đứng sẵn bên cạnh”,  tạm ứng trước 600 tỷ đồng cho LCG thực hiện dự án.

“Dự án BT Bình Tiên sẽ thành công lớn và khẳng định tên tuổi của LCG”, ông Hùng nói.

Đối với mảng năng lượng tái tạo, LCG đang tham gia 2 dự án điện mặt trời, tổng công suất 75MW. Trong đó, dự án Chư Ngọc – Gia Lai, công suất 40 MW chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là 15 MW và dự án Nhơn Hải, Ninh Thuận công suất là 35 MW. Các thủ tục đã xong và đang chuẩn bị trình Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành quyết định.

Ông Hùng cho biết, dự án này không thể chậm, nếu không LCG sẽ gặp rủi ro lớn. Hiện giá bán điện EVN là 9,35 cent áp dụng trước 30/6/2019, sau đó giá điện điều chỉnh, lên hay xuống không chủ động được. Theo tiến độ, dự kiến tháng 8 sẽ khởi công.

ĐHCĐ cũng thông qua tở trình phân phối lợi nhuận năm 2017, trong đó cổ tức 7% và dự kiến thực hiện chia cổ tức trong tháng 8 năm 2018.

Tại đại hội, đại diện LCG cũng chia sẻ kế hoạch bán niên 2018 ước đạt doanh thu 870 tỷ đồng, lợi nhuận 56 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu và 45,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.

Tin bài liên quan