ĐHCĐ Licogi 16: Quyết liệt thoái vốn các dự án bất động sản

ĐHCĐ Licogi 16: Quyết liệt thoái vốn các dự án bất động sản

(ĐTCK) ĐHCĐ CTCP Licogi 16 (LCG) diễn ra ngày 24/4 đã thông qua toàn bộ nội dung tờ trình, trong đó có nội dung quan trọng là tái cấu trúc công ty giai đoạn năm 2016-2020 với định hướng tập trung mảng xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghiệp.

Đến năm 2020, doanh thu ước đạt 3.700 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 35%/năm, trong đó đóng góp chính là mảng hạ tầng, chiếm tỷ trọng 74% tổng doanh thu; lợi nhuận 222 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 40%/năm.

Riêng năm 2016, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.100 tỷ đồng, lãi ròng hơn 50 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm 2015. Cổ tức dự kiến 5%.

Theo ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT LCG, kế hoạch này được xây dựng trên nguyên tắc thận trọng. Chẳng hạn, với dự án Hạ Long-Vân Đồn, chủ đầu tư đang làm việc với cơ quan quản lý để xây dựng đơn giá cho từng gói thầu. Với dự toán hiện tại, LCG có khoán cho ban điều hành công trình mức thu lại là 5,6%. Phần dự toán sau khi có thực hiện thi công thì sẽ điều chỉnh lại theo giá thị trường, phần còn lại chính là lợi nhuận Công ty. Do vậy, trước mắt công ty vẫn ghi nhận theo dự toán của đơn vị tư vấn hồ sơ thầu được duyệt.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về dự án mang lại nguồn thu trong năm 2016, ông Hùng cho biết, kế hoạch 2016, trình cổ đông đều là những công trình đã và đang thực hiện của LCG. Hiện tại, đang có 4 dự án Công ty đánh giá sẽ mang lại doanh thu lớn nhất, gồm cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, giá trị hợp đồng trong 6 tháng khoảng 140 tỷ đồng; BOT 38 đã thi công trong năm 2015, đến 2016 còn ghi nhận doanh thu khoảng 145,7 tỷ đồng, dự án này sẽ kết thúc thi công vào tháng 5; Dự án Hạ Long - Vân Đồn tổng giá trị dự toán ghi nhận để thi công đến thời điểm này khoảng 230 tỷ đồng, ghi nhận doanh thu trong 2016 là khoảng 150 tỷ đồng; Và các dự án xây dựng điện khoảng 297 tỷ đồng.

Đối với mảng bất động sản, công ty định hướng thu gọn, không tiếp tục rót vốn vào các dự án, quyết liệt thoái vốn, với những dự án thanh khoản cao sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án. Trong năm 2016, Công ty dự kiến đóng góp từ bất động sản khoảng 237 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án Hiệp THành, quận 12, TP.HCM.

Đối với kế hoạch nguồn vốn, LCG đưa ra kế hoạch huy động 100 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược sau khi thu hồi được ít nhất 150 tỷ đồng từ các dự án BĐS và tài sản có tính thanh khoản cao. Ngoài ra, Công ty chủ động tìm kiếm đối tác chiến lược trong và ngoài nước để huy động 200-300 tỷ đồng sau khi đã hoàn tất cơ bản việc thoái vốn BĐS và phát hành được cho cổ đông hiện hữu.

Tại đại hội, cổ đông thắc mắc vì sao LCG không phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu huy động cho dự án Khu dân cư Điền Phước. Ông Hùng lý giải, năm 2015, thị trường vốn không thuận lợi, điều kiện pháp lý để phát hành trái phiếu còn vướng mắc. Việc huy động vốn nhằm mục đích giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất để đón đầu kết nối hạ tầng từ tuyến đường Tân Vạn Nhơn Trạch và Thủ Đức – Nhơn Trạch, kết nối 2 cao tốc Bến Lức-Long Thành và Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng hạ tầng bị chậm, dự kiến đến cuối năm 2016 mới khởi công dự án hạ tầng này. Ban lãnh đạo LCG cho rằng, nếu đền bù sớm và nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước thì giá sẽ thấp nhưng ngược lại, rủi ro cũng rất cao về mặt chính sách nếu như kết nối hạ tầng chậm. Do vậy, Công ty đã quyết định dừng phát hành trái phiếu cho dự án này.

ĐHCĐ LCG cũng đã tiến hành bầu HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ 2016-2020. Kết quả bầu cử, 5 thành viên trúng cử vào HĐQT gồm ông Bùi Dương Hùng, ông Budiman SatrioSudono, bà Đinh Thị Hiền, ông Phan Ngọc Hiếu, ông Lê Vũ Nam; và 3 thành viên trúng cử vào BKS gồm bà Vũ Thị Thu Trang, ông Trần Nam Trung, bà Nguyễn Thị Thủy.

Tin bài liên quan