ĐHCĐ HBC: Không tăng vốn sẽ mất an toàn tài chính

ĐHCĐ HBC: Không tăng vốn sẽ mất an toàn tài chính

(ĐTCK) Tờ trình tăng vốn là chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất tại ĐHCĐ của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) diễn ra chiều này 28/4.

Năm 2018 HBC đặt kế hoạch doanh thu 20.680 tỷ đồng và lợi nhuận là 861 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 2017.

Ông Lê Quốc Duy, Phó tổng giám đốc HBC cho biết, đưa ra kế hoạch này HĐQT HBC đã có 2 cuộc họp cân nhắc rất kỹ và mục tiêu đặt ra cũng rất táo bạo. Để thực hiện mục tiêu này phải có nhiều giải pháp kèm theo.

Ông Lê Viết Hải Chủ tịch HĐQT HBC phân tích, tổng lợi nhuận của HBC trong 2 năm qua bằng 1,23 lần vốn chủ sở hữu đầu kỳ. Tất cả các dự án của HBC đều được triển khai đúng hạn, đạt chất lượng, đảm bảo về an toàn lao động môi trường xã hội. Tuy nhiên, về tài chính, HBC luôn chịu áp lực cao về lãi suất, thời hạn trả nợ cho ngân hàng khi thời hạn đảo nợ là 6 tháng. Tổng hạn mức vay tín chấp lên đến hơn 5.000 tỷ và các ngân hàng đánh giá định mức tín nhiệm của HBC ở mức cao và dành cho lãi suất rất cạnh tranh.

“Nhưng nếu không nâng vốn chủ sở hữu thì với kế hoạch doanh thu năm nay HBC sẽ mất cân đối về vốn. Nếu không tăng vốn chủ sở hữu mà đạt lợi nhuận hơn 800 tỷ đồng thì sau 3 năm HBC làm ra lợi nhuận bằng 3,32 lần so với vốn chủ sở hữu đầu kỳ là điều không tưởng”.

Đại diện cổ đông PYN Elite Fund  sở hữu hơn 17% vốn điều lệ của HBC chất vấn việc phát hành có khả thi khi giá phát hành không thấp hơn 3 lần giá trị sổ sách (BV) tức vào khoảng 60.000 đồng, cao hơn giá trên sàn nhiều.

Ông Phan Ngọc Thạnh, Giám đốc Tài chính HBC giải trình, HĐQT đã điều chỉnh tờ trình xin phát hành cho nhà đầu tư chiến lược giá không thấp hơn 2,5 lần giá trị sổ sách. BV tại thời điểm hết quý 1 là hơn 18.000 đồng thì thị giá trên BV (P/B) là 2,2 lần.

“Sau khi HBC chia cổ tức 50% và trả cổ tức thì BV còn 17.827 đồng thì giá phát hành không thấp hơn 30.000 đồng tương ứng giá trước pha loãng là 45.000 đồng/cổ phần không cao hơn giá thị trường hiện nay nhiều lắm nên chúng tôi dự tính phát hành khả thi”, ông Thạnh nói.

Một cổ đông cá nhân, nguyên là lãnh đạo cũ của ngân hàng ACB góp ý, HBC nên cân nhắc giữa sử dụng vốn ngân hàng với chi phí chỉ khoảng 6% thay vì dùng vốn cổ đông trả cổ tức vài chục phần trăm.

Ông Thạnh phân tích, nếu đi vay ngân hàng thì chi phí vốn chỉ 6-7%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tới 44% chứng tỏ HBC sử dụng rất hiệu quả đòn cân nợ.

Nhưng đòn bảy nợ quá cao thì khi thị trường biến động rất nguy hiểm, không đảm bảo thanh toán. Riêng HBC đưa ra giới hạn đòn cân nợ chỉ tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu. Đây cũng là yêu cầu của các ngân hàng để cung cấp tín dụng cho HBC. HBC bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu này để duy trì đòn cân nợ. Trước mắt nếu tăng vốn thành công thì HBC giảm được chi phí tài chính.

HĐQT đã tính toán, vốn điều lệ tại thời điểm phát hành 1.947 tỷ đồng, phát hành tối đa 25% là 48,694 triệu cổ phiếu. Nếu phát hành tối đa với giá tối thiểu thu về 1.600 tỷ đồng, nếu phát hành 30 triệu cổ phiếu thì thu về 900 tỷ đồng. HBC sẽ dành phần lớn vốn bổ sung cho vốn lưu động lĩnh vực xây dựng, còn lại đầu tư cho máy móc thiết bị và một phần cho Tiến Phát.

Ông Thạnh cho biết, lần phát hành gần đây nhất HBC phát hành 10 triệu cổ phiếu thu về hơn 200 tỷ đồng thì doanh thu gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Còn hiện nay doanh thu đã gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu.

“Đây là chỉ số mất an toàn buộc HBC phải phải phát hành”, ông Thạnh nhấn mạnh.

Cổ đông tiếp tục chất vấn: “Nếu đòi được nợ chủ đầu tư thì không bao giờ mất khả năng thanh toán, HBC phải nâng cao công tác thẩm định chủ đầu tư”.

Ông Lê Quốc Duy trả lời: “HBC thẩm định năng lực chủ đầu tư qua nhiều kênh nhưng vẫn có những chủ đầu tư mà họ đầu tư dàn trải nhiều quá sẽ gặp khó khăn nhất định. Nhưng đa số đều là chủ đầu tư có thực lực nên HBC đều thu hồi được nợ, không bị mất”.

Thuyết phục cổ đông về phương án tăng vốn, ông Hải thừa nhận, các chỉ số tài chính của HBC không đẹp nên dù làm rất hiệu quả nhưng giá cổ phiếu rất thấp, P/E chỉ 6 lần.

“Vì thế chỉ những cổ đông hiểu rõ giá trị của HBC chúng ta mới phát hành, tăng vốn chủ sở hữu lên 3.400 , 4.000 thậm chí có thể 4,500 tỷ đồng nếu thành công. Cứ1.000 vốn chủ sở hữu tăng lên có thể dùng vốn vay thêm 2000 tỷ đồng là tiềm lực tài chính sẽ tăng lên. Khi các chỉ số tài chính được cải thiện thì giá cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng”, ông Hải khẳng định.

Về giải pháp là thu nợ khách hàng, ông Hải cho biết, không bao giờ thu nợ hết được khi tiếp tục phải triển vì khách hàng bao giờ cũng giữ lại 10% giá trị hợp đồng, khối lượng công việc thực hiện xong phải chờ xác nhận, chờ thanh toán… trong khi phải bỏ tiền ra mua vật tư đầu tư máy móc, thuê nhân công để tạo ra sản lượng. Với hệ thống quản lý hiện nay thì khoản phải thu của HBC là bắt buộc. Nên việc tăng vốn là để đảm bảo an toàn cho cổ đông khi đầu tư cổ phiếu HBC.  

Về chiến lược phát triển bất động sản, ông Duy cho biết, HBC không tập trung phát triển bất động sản bằng mọi giá mà đầu tư dự án quy mô vừa và nhỏ, đồng thời mỗi dự án đều hợp tác 50% của đối tác nước ngoài để thu về lợi nhuận ngay và chia sẻ bớt rủi ro cho dự án.

Tin bài liên quan