ĐHCĐ Hanel: Điểm nhấn câu chuyện thoái vốn nhà nước

ĐHCĐ Hanel: Điểm nhấn câu chuyện thoái vốn nhà nước

(ĐTCK) Sáng ngày 25/6, CTCP Hanel (HNE) đã tổ chức ĐHCĐ tại Hà Nội. Các tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2020, kết quả kinh doanh và phương án phân phối lợi nhuận 2019 đều được cổ đông thông qua.

Kết quả kinh doanh 2019

Năm 2019, Hanel thu về 476 tỷ đồng doanh thu, giảm 36,5% so với năm 2018 và chỉ đạt 60,4% so với kế hoạch năm 2019. 

Giải trình nguyên nhân tổng doanh thu của công ty không đạt chỉ tiêu, ban lãnh đạo Hanel cho biết, doanh thu xuất khẩu sang đối tác Cuba không đạt được như kỳ vọng, chỉ đạt 25,7% so với kế hoạch, tương đương 20 tỷ đồng. Tình hình kinh tế Cuba gặp nhiều khó khăn, phía Cuba chậm chuyển trả thanh toán cho công ty.

Bên cạnh đó, phía đối tác Grupo De La Electronica chậm thanh toán kỳ tháng 8/2018 đến hết năm 2019 tổng số tiền 23,6 triệu USD, tương đương 545 tỷ đồng.

Một số dự án công nghệ thông tin của Công ty cũng không được triển khai theo đúng kế hoạch đặt ra trong năm qua.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là do tình hình khó khăn chung trên thị trường Việt Nam cũng như quốc tế, do vậy doanh thu bán hàng hoá của công ty trong năm sụt giảm.

ĐHCĐ Hanel: Điểm nhấn câu chuyện thoái vốn nhà nước ảnh 1

Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Hanel đạt 58 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt kế hoạch là do doanh thu tài chính từ các khoản đầu tư dài hạn thu về tăng so với kế hoạch, đủ bù đắp so với phần lợi nhuận giảm đi.

Thêm vào đó, trong năm, Hanel không phát sinh thuế TNDN phải nộp theo quy định của luật thuế TNDN nên lợi nhuận trước thuế và sau thuế bằng nhau.

Kế hoạch kinh doanh 2020

Năm 2020, HĐQT Hanel đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 490,5 tỷ đồng,  lợi nhuận sau thuế (không bao gồm lợi nhuận khoản thu từ Cuba) là 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và giảm 65,6% so với thực hiện năm 2019. 

Theo Hanel, trong năm 2020, công ty dự kiến nộp bổ sung tiền thuê đất và chậm nộp tại Khu công nghiệp Sài Đồng B cho các năm 2018, 2019, 2020 khoảng 30 tỷ đồng, tương ứng làm giảm lợi nhuận so với kế hoạch trong trường hợp sản xuất kinh doanh bình thường như mọi năm.

Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực khách sạn, sản xuất, dịch vụ cho thuê văn phòng, phát triển các dự án bất động sản…. Đây là những lĩnh vực hoạt động chính và mang lại nguồn thu cho Hanel nên sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận năm 2020. Dự kiến giảm lợi nhuận ít nhất 10 tỷ đồng do ảnh hưởng cuả dịch bệnh.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Hanel, chia sẻ, hiện nay các công ty thành viên và bản thân công ty mẹ chưa dự đoán được thiệt hại sẽ lớn đến đâu nếu tình hình dịch bệnh kéo dài. Dịch bệnh làm doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí trong những tháng đầu năm các doanh nghiệp liên doanh, các công ty con và công ty ty liên kết đều lỗ do hầu như chỉ phát sinh chi phí duy trì bộ máy và trả lương cho người lao động.

Trong thời gian tới, Hanel sẽ tiếp tục triển khai thực ghiện một số dự án lớn, cụ thể: Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm; Dự án đầu tư xây dựng toà nhà thương mại điện tử và văn phòng Hanel (E9, Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội); Dự án 60 Nguyễn Đức Cảnh; Dự án 409 Lĩnh Nam.

Chi trả cổ tức 2019

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2019, theo văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội ngày 12/6/2020, HĐQT Hanel đề xuất thực hiện trích 100% lợi nhuận sau khi phân phối các quỹ theo quy định tại ngày 31/12/2019 để chi trả cổ tức năm 2019 cho các cổ đông hiện hữu.

Theo đó, Hanel sẽ phân bổ 20,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vào các quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, phúc lợi và quỹ khen thưởng người quản lý. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối là 38 tỷ đồng.

Thoái vốn nhà nước vẫn còn nhiều vướng mắc, vẫn chưa xác định được thời điểm

Năm 2019, công tác thoái vốn nhà nước tại Hanel vẫn tiếp tục gặp một số vướng mắc, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết xong. 

Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT, việc chưa thoái vốn nhà nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án của Công ty. Đặc biệt, việc triển khai các chủ trương lớn của Hanel vẫn phải thông qua phê duyệt của UBND TP. Hà Nội (trước khi người đại diện vốn nhà nước biểu quyết tại cuộc họp HĐQT, ĐHĐCĐ) khiến tiến độ triển khai các dự án cũng như hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp bị hạn chế.

Trong năm 2020, Hanel sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác thoái vốn Nhà nước, báo cáo UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để việc triển khai thoái vốn được hiệu quả.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về đối tác chiến lược mua lại phần vốn của UBND TP. Hà Nội, Chủ tich HĐQT Hanel cho biết, công ty cũng đã có một số cổ đông chiến lược, song công tác thoái vốn vẫn chưa thực hiện được. 

Theo lộ trình, UBND TP. Hà Nội đáng lẽ đã thoái vốn từ 2018. Mặc dù đã rất cố gắng tuy nhiên Công ty vẫn đang gặp nhiều vướng mắc do các quy định của Nhà nước. Điều này nằm ngoài khả năng kiểm soát của công ty nên công ty chưa xác định được thời điểm thoái vốn thành công.

Theo đó, do còn nhiều bất cập trong quy định Pháp luật về chuyển nhượng cổ phần nhà nước và quy định về phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà đất nên việc thoái vốn bị kéo dài, đặc biệt là xác định giá khởi điểm cổ phần. Khi xác định được giá khởi điểm cổ phần, Hanel sẽ thực hiện chào bán cổ phần công khai để các nhà đầu tư trong và ngoài nước căn cứ vào đó để đầu tư vào Hanel.

Tin bài liên quan