ĐHCĐ Gỗ Trường Thành (TTF): Năm 2019 lên kế hoạch lỗ gần 600 tỷ đồng sau 2 năm truy tìm số lỗ hơn 2.000 tỷ đồng

ĐHCĐ Gỗ Trường Thành (TTF): Năm 2019 lên kế hoạch lỗ gần 600 tỷ đồng sau 2 năm truy tìm số lỗ hơn 2.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Chiều 24/6, CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 với điểm đáng chú ý là địa điểm tổ chức ngay tại Hội trường Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh tại Cụm sản xuất Bình Chuẩn, Thị xã Thuận An, Bình Dương - công ty mà TTF mới hoán tất sáp nhập trong tháng 5 vừa qua.

Mở đầu Đại hội, ông Mai Hữu Tín, tân Chủ tịch HĐQT Công ty đã trải lòng với cổ đông: "Tôi biết cổ đông đã buồn về TTF trong 2 năm qua, nhưng chúng ta phải xử lý những vấn đề đang tồn đọng để có thể tiếp tục bước tiếp và tôi tin tưởng TTF có khả năng thực hiện điều đó". 

Năm 2019, TTF sẽ có lãi từ hoạt động kinh doanh

Nhận định về kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu 1.291 tỷ đồng; giá vốn hàng bán 1.377 tỷ đồng, lợi nhuận thuần trước thuế âm 588 tỷ đồng, đại diện TTF cho biết, nếu trừ đi phần trích lập thì năm nay, TTF sẽ có lãi từ hoạt động kinh doanh (638 tỷ đồng trích lập so với kế hoạch lỗ 588 tỷ đồng). Đồng thời nhấn mạnh thêm, nếu năm nay xử lý được hết các vấn đề này thì TTF sẽ không còn lỗ các năm sau nữa. 

Tuy nhiên, theo ông Tín: "Trong kế hoạch năm 2019, TTF có lãi thực vài chục tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, nhưng để xoá hết lỗ luỹ kế hơn 2.000 tỷ đồng thì chúng tôi cần thêm vài năm".

Tại Đại hội, ông Tín chia sẻ tham vọng của ông là đưa TTF trở thành Công ty tỷ USD vào năm 2030. Để thực hiện nhanh mục tiêu này, TTF sẽ còn phải sáp nhập, hợp tác với nhiều đối tác khác.

Cuối tháng 5 vừa qua, TTF đã chính thức hoàn tất thương vụ sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh. Sau sáp nhập, TTF và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình mẹ - con (TTF sở hữu 100% Sứ Thiên Thanh).

Ông Tín cho biết thêm, TTF sẽ cung cấp và bổ sung các nguồn lực để mở rộng hơn nữa thương hiệu này. Công ty dự kiến nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm trong thời gian sắp tới, trong đó tập trung hướng tới dòng sản phẩm cao cấp, đồng thời mở rộng tập khách hàng.

"Hiện Sứ Thiên Thanh cung cấp khoảng 450.000 sản phẩm mỗi năm và mục tiêu của TTF là đẩy năng suất lên 800.000 sản phẩm vào đầu năm 2020", ông Tín nói. 

Trong năm nay, TTF sẽ tiếp tục hợp tác cùng đối tác lớn trong và ngoài nước, như Vingroup (VIC), Tân Hoàng Minh, Sun Group… Đặc biệt, TTF cũng đã hợp tác cùng BOHO DÉCOR (một đơn vị lớn về năng lực thiết kế thi công) nhằm thúc đẩy lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất mang tính dự án tại Việt Nam. Ông Tín tiết lộ, BOHO DÉCOR và TTF đã ký một hợp đồng để TTF cung ứng sản phẩm cho tất cả các công trình của Unicons, Coteccons (CTD).

  TTF đẩy mạnh hàng xuất khẩu, dự kiến tăng doanh thu qua các thị trường khó tính (như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ý…) và thông qua các nhà bán lẻ uy tín (như IKEA, Ashley, At Home, Kosmo…).

Mất 2 năm để truy tìm con số lỗ khủng

Tiếp tục chia sẻ với cổ đông, ông Tín nói: "Từ khi tiếp nhận Công ty, TTF đã thực hiện tăng vốn thêm 700 tỷ đồng, sau đó tăng vốn lần thứ hai để sáp nhập Sứ Thiên Thanh thu về tổng hơn 900 tỷ đồng. Qua đó, vốn TTF tăng lên khoảng 3.012 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu thực hiện được đúng các kế hoạch đề ra trong năm 2019, thì đến cuối năm, vốn của TTF chỉ còn khoảng 242 tỷ đồng. Như vậy số chênh lệch rất lớn đó đi đâu, dĩ nhiên là lỗ".

Ông Tín cho biết, Công ty đã mất 2 năm để tìm ra con số lỗ này, đồng thời thừa nhận đây là số lỗ không tưởng đối với một doanh nghiệp ngành gỗ. 

“Nếu nói giấu là người khác giấu chúng tôi, chúng tôi không giấu ai, chỉ là chưa biết thì chưa thể trả lời. Đến nay biết được rồi nên chúng tôi có câu trả lời cho cổ đông, và để có được câu trả lời này TTF đã cùng với đơn vị kiểm toán để truy được tất cả những con số lỗ đã giấu trong rất nhiều năm", ông Tín nói.

Đồng thời, ông Tín nhấn mạnh: "Là cổ đông lớn nhất, tôi là người thiệt hại nhiều nhất, nhưng chúng ta phải chấp nhận con số này. Đi tận cùng con số, mất mát bao nhiêu thì mới có cơ sở lật lại bài toán và đi lên". 

Một trong những nội dung đáng chú ý, được các cổ đông TTF chất vấn nhiều nhất và liên tục trong mấy mùa ĐHCĐ Công ty những năm gần đây là về trích lập dự phòng, hàng tồn kho, công nợ. 

Theo ông Lê Văn Minh, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính TTF, báo cáo kiểm toán đã nêu rõ, trong trường hợp giảm giá dự phòng công nợ khó đòi 2018 đã trích 224 tỷ đồng, tổng dự phòng luỹ kế đã trích cho đến cuối 2018 là 405 tỷ đồng. Có nhiều khoản nợ rất lâu, không còn khả năng đòi được cũng đã được đưa vào năm 2018. 

Với hàng tồn kho, năm 2018, khoản chậm hoặc ít lưu chuyển, kiểm toán kiểm tra và xác định cái này phải trích dự phòng. Năm 2018, cho 2 khoản mục này đã trích lập khá nhiều. 

Theo tính toán của bộ phận tài chính TTF, các khoản trích lập dự kiến trên BCTC riêng là 848 tỷ đồng, lên hợp nhất cấn trừ các công ty con còn khoảng 638,7 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải thu khó đòi khách hàng 93 tỷ đồng, trả trước người bán tồn đọng 5 tỷ, các khoản phải thu công ty con 35 tỷ đồng. Nếu trích hết, dự kiến 2019 đưa các vấn đề còn tồn đọng xử lý hết, riêng hàng tồn kho (nguyên liệu, thành phẩm...) dự kiến trích 429 tỷ đồng. Với tài sản cố định, một số tài sản lâu rồi và không sử dụng nhiều cũng sẽ được thanh lý trong 2019 và đưa vào trích lập dự phòng khoảng 50 tỷ đồng. 

Các vấn đề khác như nợ thuế tại các công ty con, TTF sẽ thực hiện theo tiến độ như quy định, nhưng theo kế hoạch là đưa mức tối đa cho hoạt động này khoảng 21 tỷ đồng. 

ĐHCĐ cũng đã tiến hành biểu quyết việc ông Mai Hữu Tín thôi chức Tổng giám đốc, và thay thế ông Hồ Anh Dũng, để giữ chức Chủ tịch HĐQT TTF. Tổng Giám đốc mới của TTF là ông Nguyễn Trọng Hiếu, đang là thành viên HĐQT Công ty. Đồng thời, con trai ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm cũng được bầu vào HĐQT TTF. 

Tin bài liên quan