Một số cổ đông DCS thắc mắc về việc Công ty chuyển nhượng Dự án Tây Hồ Riverview. Ảnh: Dũng Minh

Một số cổ đông DCS thắc mắc về việc Công ty chuyển nhượng Dự án Tây Hồ Riverview. Ảnh: Dũng Minh

DCS lấy vốn cổ đông cho lãnh đạo vay?

(ĐTCK) Dù đánh giá Dự án DCS Tower (sau đổi tên thành Tây Hồ Riverview) rất tiềm năng và huy động hàng trăm tỷ đồng để triển khai, nhưng cuối cùng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Châu (DCS) lại buông dự án này. Không chỉ vậy, nhiều cổ đông cho rằng, số tiền hàng trăm tỷ đồng huy động của họ cũng đang bị sử dụng thiếu minh bạch.

Huy động hàng trăm tỷ đồng, nhưng không triển khai dự án

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Dự án DCS Tower còn có tên là dự án công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở căn hộ tại phường Phú Thượng do Công ty cổ phần Phú Thượng, công ty liên kết của DCS (DCS sở hữu 50% vốn điều lệ Công ty Phú Thượng) làm chủ đầu tư. Trước đó, năm 2010, DCS sở hữu 50% cổ phần của Công ty Phú Thượng thông qua việc nhận chuyển nhượng với giá trị tương ứng 50 tỷ đồng.

Để có tiền triển khai dự án này, đầu năm 2011, DCS phát hành hơn 17,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên để tăng vốn từ 163,75 tỷ đồng lên 335 tỷ đồng (thời gian chốt danh sách cổ đông 28/12/2010).

Tại thời điểm đó, DCS cho biết, nguồn vốn thu được từ đợt phát hành này sẽ bổ sung vốn lưu động 71 tỷ đồng và góp vốn đầu tư vào dự án công trình tổ hợp toà nhà văn phòng làm việc và nhà ở để bán.

Sau khi sở hữu 50% vốn điều lệ Công ty Phú Thượng, năm 2010, DCS đã chi ra 15,987 tỷ đồng tạm ứng chi vào Dự án DCS Tower. Đến cuối năm 2011, khoản tạm ứng đầu tư vào Dự án DCS Tower tăng thêm 117,1 tỷ đồng, lên 132,34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo quy định hạch toán thời điểm đó, khoản tạm ứng này được hạch toán dưới dạng tài sản ngắn hạn, không nêu rõ tạm ứng làm gì và dưới hình thức nào. Các khoản này chỉ được giải thích rõ trong bản thuyết minh tài chính năm 2012 với nội dung: "Là các khoản tạm ứng để thực hiện Dự án công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở căn hộ tại phường Phú Thượng" và tăng lên thành 152,82 tỷ đồng. Sau đó, trong báo cáo tài chính năm 2013, khoản tạm ứng này giảm xuống 146,5 tỷ đồng.

Ngày 3/12/2014, DCS tiếp tục phát hành thêm 22 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 383,1 tỷ đồng lên hơn 603,1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền 220 tỷ đồng thu được, theo phương án phát hành, được sử dụng để đầu tư khởi công xây dựng dự án Phú Thượng với tổng giá trị đầu tư 597,2 tỷ đồng.

Trong báo cáo kiểm toán hợp nhất 2014, Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt lưu ý, đến ngày 31/12/2014, toàn bộ số tiền này đã được sử dụng vào dự án Công trình hỗn hợp văn phòng và nhà ở, căn hộ để bán tại tổ 2 cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Trong đó, tạm ứng cho một số cán bộ chủ chốt của Công ty là 100 tỷ đồng; ứng trước 50% cho Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Đại Châu theo hợp đồng giao nhận thầu số 0111/2014/HĐGNT ngày 29/11/2014, số tiền là 90 tỷ đồng; ứng trước 50% cho Chi nhánh Công ty TNHH Dương Thái Quang tại Hà Nội theo hợp đồng số 0112/2014/HĐGNT ngày 2/12/2014, số tiền là 30 tỷ đồng.

Theo ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014, tính đến thời điểm cuối năm 2014, DCS đã đổ vào Dự án DCS Tower tới 353,3 tỷ đồng.

Điều kỳ lạ là, dù Công ty rót rất nhiều tiền vào Dự án DCS Tower, nhưng dự án này không hề được triển khai. Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2015, Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt lưu ý, đến thời điểm 31/12/2015, dự án trên chưa được triển khai, chỉ mới có khoản tiền ứng cho Chi nhánh Công ty TNHH Dương Thái Quang tại Hà Nội đã được thu lại bằng tiền gửi ngân hàng.

Đến 2016, theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2016, khoản tạm ứng 220 tỷ đồng tiếp tục được thu hồi một phần. Cụ thể, theo lưu ý của Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt, trong 90 tỷ đồng tạm ứng cho Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Đại Châu, đã thu lại được 50 tỷ đồng trong năm 2016 và thu hồi nốt 40 tỷ đồng trong tháng 1/2017. Còn khoản tạm ứng 100 tỷ đồng cho một số cán bộ chủ chốt của Công ty, mới chỉ thu lại được gần 48,5 tỷ đồng trong năm 2016 và ngày 20/3/2017 thu hồi thêm được 3,8 tỷ đồng (còn thiếu khoảng gần 48 tỷ đồng).

Hơn 434 tỷ đồng cho vay và tạm ứng

Việc sử dụng dòng vốn bất thường như trên khiến nhiều cổ đông nhỏ của DCS liên tục thắc mắc. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 tổ chức ngày 14/4/2017, cổ đông một lần nữa chất vấn Ban lãnh đạo DCS về việc này, tuy nhiên, lãnh đạo DCS đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Cũng tại đại hội lần này, cổ đông đã thông qua báo cáo của HĐQT, trong đó có nội dung: "Từ quý IV/2016, đã khởi công xây dựng dự án Phú Thượng, đến hết tháng 3/2017, đã xây dựng xong phần cọc, móng. Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Châu quyết định chào bán toàn bộ cho nhà thứ cấp để thu hồi vốn nhanh…".

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017, dự án này đã được DCS chuyển nhượng từ ngày 7/4/2017 cho 2 đơn vị là Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng và Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý Bất động sản G5 (G5 Invest) thông qua việc thoái toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Công ty Phú Thượng, tổng giá trị hơn 58,1 tỷ đồng.

Cụ thể, DCS chuyên nhượng 450.000 cổ phần cho Lạc Hồng với giá 52,3 tỷ đồng, chuyển nhượng 50.000 cổ phần còn lại cho G5 Invest với giá trị chuyển nhượng hơn 5,8 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng này theo ghi nhận từ báo cáo tài chính bán niên 2017, bao gồm cả dư nợ hơn 16 tỷ đồng gốc và 1,752 tỷ đồng lãi mà Công ty cổ phần Đầu tư Phú Thượng vay trước đó từ DCS.

Trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017, Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt cho biết, khoản tạm ứng 100 tỷ đồng từ đợt phát hành 3/12/2014 cho cán bộ chủ chốt đã thu 48,48 tỷ đồng trong năm 2016 và tính đến ngày 30/6/2017 đã thu hết số còn lại 51,52 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo lưu ý của kiểm toán, toàn bộ số tiền thu được từ chuyển nhượng dự án và thu hồi tạm ứng, Công ty này lại thực hiện cho các cá nhân vay ngắn hạn với lãi suất cho vay dao động từ 7-10%/năm, số dư các khoản vay lên đến 251,43 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản tạm ứng khác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được thu hồi tại ngày 30/6/2017 lên đến 183,2 tỷ đồng, trong đó tạm ứng cho thành viên HĐQT, Ban kiểm soát là 117,5 tỷ đồng, các đối tượng khác là 65,6 tỷ đồng. 

Tổng số tiền cho vay các cá nhân và các khoản tạm ứng chưa thu hồi này (434,63 tỷ đồng), chiếm tới 64,7% tổng nguồn vốn của DCS tính tới ngày 30/6/2017. Điều này, khiến cổ đông và thị trường không khỏi nghi ngờ về sự minh bạch trong việc sử dụng dòng vốn của DCS. 

Dự án vay nợ khủng

Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, từ ngày 7/3/2016, Công ty cổ phần Đầu tư Phú Thượng đã tiến hành làm thủ tục thế chấp 1 khoản vay nợ trị giá 203,528 tỷ tại ngân hàng với tài sản đảm bảo thế chấp là Quyền tài sản của Công ty cổ phần Đầu tư Phú Thượng phát sinh từ Dự án DCS Tower (sau đổi tên thành Tây Hồ Riverview), bao gồm nhưng không giới hạn bởi các quyền sau là quyền đối với chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án, chi phí tiền sử dụng đất; quyền đòi nợ, các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà Công ty cổ phần Đầu tư Phú Thượng thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án và các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất (ợi tức của thửa đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất) của dự án. Tổng giá trị tài sản bảo đảm hơn 267,8 tỷ đồng.

Ngày 24/1/2017, Phú Thượng tiếp tục thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo cho khoản vay nợ trị giá 300 tỷ đồng tại ngân hàng với tài sản đảm bảo thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng thuê đất số 176/HĐTĐ-STNMT-PC ký ngày 24/3/2016 giữa bên cho thuê đất là Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội và bên thuê đất là Công ty cổ phần Đầu tư Phú Thượng, thuộc dự án “Xây dựng Công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và căn hộ để bán” tại tổ 2, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan