Cách quản lý tài chính của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 có nhiều "điểm lạ"

Cách quản lý tài chính của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 có nhiều "điểm lạ"

Dấu hỏi về khả năng TS4 hạch toán đầu tư trá hình

(ĐTCK) Những câu chuyện… thật như đùa trong cách quản lý tài chính của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (mã TS4).

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua việc đầu tư nhà máy tại Khu công nghiệp Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thông qua Công ty cổ phần Toàn Thắng, nhưng đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp lại phản ánh cổ đông là các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và tại doanh nghiệp, khoản này được hạch toán là khoản phải thu doanh nghiệp. 

Đó chỉ là một trong số những câu chuyện… thật như đùa trong cách quản lý tài chính của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (mã TS4).

Đầu tư cổ phần hay khoản phải thu?

Theo Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2017, đến hết 30/6/2017, Công ty cổ phần Thủy sản số 4 có gần 37,3 tỷ đồng khoản phải thu các bên liên quan, bao gồm 2 khoản phải thu là phải thu Công ty cổ phần Toàn Thắng trị giá hơn 34,3 tỷ đồng và phải thu ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty, trị giá gần 3 tỷ đồng (xem bảng).

Theo thuyết minh báo cáo, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2007 (tức 10 năm trước), Thủy sản số 4 đã thông qua kế hoạch đầu tư Nhà máy tại Khu công nghiệp Long Hậu, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, với giá trị đầu tư 26 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết ngày 28/3/2008, giá trị đầu tư tại Khu công nghiệp Long Hậu được phân phối bổ sung mỗi năm theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hàng năm. Như vậy, Toàn Thắng là khoản đầu tư của Thủy sản số 4, hay là khoản phải thu của Công ty?

Tại công văn giải trình kết quả kinh doanh năm 2016, Thủy sản số 4 cho biết, từ năm 2007, Công ty đã thông qua việc mua 98% vốn cổ phần của Toàn Thắng và cử ông Nguyễn Văn Lực đại diện 90% vốn và bà Võ Thị Thanh Trang đại diện 8% vốn.

Như vậy, nếu theo giải trình này, Toàn Thắng phải là công ty con của Thủy sản số 4 và về nguyên tắc kế toán phải được phản ánh hợp nhất trong Báo cáo tài chính của Công ty.

Tuy nhiên, theo phản ánh trên báo cáo tài chính của Thủy sản số 4 qua các thời kỳ từ năm 2012 đến nay, Công ty chỉ có khoản phải thu tại Toàn Thắng và khoản phải thu này là khoản phải thu của công ty có liên quan, do cổ đông là các Thành viên Hội đồng quản trị của Thủy sản số 4.

Trong khi đó, theo Nghị quyết cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Thủy sản số 4 chỉ thông qua việc chấp thuận cho ông Nguyễn Văn Lực và bà Võ Thị Thanh Trang, Phó tổng giám đốc Công ty tiếp tục làm đại diện phần vốn của Thủy sản số 4 tại Toàn Thắng, chứ không nhắc đến vấn đề hình thức pháp lý của khoản đầu tư này.

Khó hiểu xung quanh khoản đầu tư vào Toàn Thắng

Lần giở lại hành trình đầu tư của Công ty cổ phần Thủy sản số 4 liên quan đến Công ty cổ phần Toàn Thắng sẽ thấy còn phát sinh nhiều điều bất ngờ.

Năm 2008, Thủy sản số 4 bắt đầu giải ngân vào Nhà máy Toàn Thắng, với số dư tại ngày 31/12/2008 là gần 18,413 tỷ đồng. Khoản này được hạch toán ở hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản.

Đến hết năm 2009, số dư đầu tư xây dựng cơ bản nhà máy này là gần 18,668 tỷ đồng và tiếp tục tăng nhẹ lên mức 18,808 tỷ đồng tính đến hết năm 2010. Việc số dư giải ngân chỉ nhúc nhắc tăng cho thấy, về bản chất, dự án xây dựng Nhà máy Toàn Thắng suốt 2 năm 2009, 2010 đã gần như không tiến triển gì, hoặc có thể coi là "đắp chiếu".

Đến năm 2011, khoản đầu tư vào Nhà máy Toàn Thắng bất ngờ được tăng giải ngân, với số dư tăng mạnh từ mức 18,808 tỷ đồng lên 27,225 tỷ đồng. Và đây cũng là báo cáo tài chính năm cuối cùng khoản đầu tư vào Nhà máy Toàn Thắng được hạch toán là khoản xây dựng cơ bản dở dang.

Tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012, Thủy sản số 4 bất ngờ đưa chi phí xây dựng cơ bản dở dang Nhà máy Toàn Thắng về bằng 0 và hạch toán 33,38 tỷ đồng khoản phải thu dài hạn Công ty cổ phần Toàn Thắng.

Con số 33,38 tỷ đồng, theo thuyết minh, bao gồm gần 7,306 tỷ đồng khoản chi hộ Công ty cổ phần Toàn Thắng.

Hiện trạng tài chính này đi theo Thủy sản số 4 đến hiện nay, với số dư khoản phải thu nhích dần lên theo thời gian, lên mức hơn 34,3 tỷ đồng đến 30/6/2017. Vậy vì sao Thủy sản số 4 lại hạch toán khoản đầu tư xây dựng Nhà máy Toàn Thắng thành khoản phải thu?

Điểm lưu ý là, việc xây dựng Nhà máy Toàn Thắng có từ năm 2008, nhưng theo đăng ký kinh doanh của Toàn Thắng, thì từ 11/9/2009, danh sách các cổ đông Công ty cổ phần Toàn Thắng không có tên Công ty cổ phần Thủy sản số 4, mà chỉ thể hiện tên các cá nhân thành viên Hội đồng quản trị của Công ty.

Báo cáo kiểm toán có khoản lưu ý này được ký bởi Công ty TNHH Kiểm toán KSI Việt Nam, năm 2014 cho Báo cáo tài chính năm 2013. Báo cáo kiểm toán các năm trước đó được ký bởi Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM không có bất kỳ điểm ngoại trừ, lưu ý nào.

Đến tận năm 2012, thời điểm xảy ra sự thay đổi hình thức hạch toán khoản đầu tư vào Nhà máy Toàn Thắng, Thủy sản số 4 chỉ hạch toán 1 giao dịch với bên có liên quan là khoản chi hộ Toàn Thắng, trong khi về đăng ký kinh doanh, Toàn Thắng có cổ đông là Thành viên Hội đồng quản trị của Thủy sản số 4.

Những câu chuyện khác

Tại Báo cáo tài chính quý IV/2016 của Thủy sản số 4, Công ty công bố kết quả kinh doanh với lũy kế lợi nhuận cả năm là gần 7,4 tỷ đồng. Với kết quả này, ngày 8/2/2017, Thủy sản số 4 có Nghị quyết Hội đồng quản trị số 02/NQ-HĐQT/2017 về việc tạm ứng cổ tức năm 2016 và tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2017, với tỷ lệ tạm ứng cổ tức là 5%, ngày đăng ký cuối cùng là 20/3/2017, ngày chi trả cổ tức là 29/9/2019.

Ngày 7/4/2017, Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 được ký bởi Công ty Kiểm toán DFK Việt Nam cho thấy, Thủy sản số 4 bị lỗ 6,644 tỷ đồng năm 2016, với quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là -4,457 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Công ty vẫn xin cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức tỷ lệ 5% vốn điều lệ, với ngày chi trả 29/9/2017 (đã chốt danh sách trước họp), đồng thời thêm nội dung: “Trong trường hợp không thể sắp xếp nguồn tài chính để chi trả, Hội đồng quản trị sẽ có văn bản xin gia hạn thời gian trả cổ tức gửi các cơ quan chức năng và đăng trên website của Công ty”.

Trên báo cáo tài chính bán niên có soát xét của Thủy sản số 4, Quỹ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính riêng Công ty mẹ đến hết 30/6/2017 là 4,8 tỷ đồng, hợp nhất là -1,4 tỷ đồng, nhỏ hơn mức cần thiết để chi cổ tức là hơn 8 tỷ đồng.

Mặc dù số dư tiền lớn (Thủy sản số 4 đang có trên 100 tỷ đồng gửi tiết kiệm), nhưng về mặt quỹ lợi nhuận thì không đạt yêu cầu chia cổ tức. Vậy cổ đông sẽ phải xử lý như thế nào khi đã bị điều chỉnh giảm giá ở ngày chốt quyền và có nguy cơ không được nhận chia cổ tức sắp tới?

Tin bài liên quan