Đạm Hà Bắc trong vòng xoáy nợ nần.

Đạm Hà Bắc trong vòng xoáy nợ nần.

Đạm Hà Bắc trong vòng xoáy nợ nần

Không chỉ liên tục thua lỗ trong nhiều năm qua, Đạm Hà Bắc đang phải đối diện với áp lực về vay nợ, trả lãi, khiến kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng hoạt động của Công ty.

Những khoản lỗ “bền vững”

Điểm đáng chú ý trong Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã DHB - UPCoM) được công bố mới đây là lỗ lũy kế 6 tháng lên tới 220,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý II/2019, Công ty lỗ tới 167 tỷ đồng, gấp đôi quý II/2018.

Nếu như lỗ 6 tháng năm 2018 là 169,4 tỷ đồng, giảm đến 46% so với cùng kỳ năm 2017 và được Bộ Công thương đánh giá tại thời điểm tháng 7/2018 là một trong 4 dự án đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất - kinh doanh dần ổn định (trong nhóm 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương), thì kết quả 6 tháng năm 2019 cho thấy, Đạm Hà Bắc đang quay trở lại tình trạng khó khăn.

Trên bảng cân đối kế toán thể hiện, lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 30/6/2019 là 2.876 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu là 2.722 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, phần vốn góp của chủ sở hữu tại Đạm Hà Bắc không còn gì để “bào mòn” khi vốn chủ sở hữu âm tới 108,6 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc này là do Đạm Hà Bắc đã lỗ liên tiếp suốt từ năm 2016 đến nay.

Theo giải trình từ Đạm Hà Bắc, giá bán các sản phẩm nửa đầu năm 2019 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng do giá than cám, giá điện đều tăng, chi phí tài chính lớn…

Một điểm đáng chú ý khác là năm 2019, Đạm Hà Bắc vẫn thực hiện trích khấu hao 50% mức phải trích hàng năm theo Thông báo 647/HCVN của Tập đoàn Hóa chất - công ty mẹ đang nắm giữ xấp xỉ 98% vốn tại Đạm Hà Bắc. Tức là, nếu thực hiện trích khấu hao đầy đủ, con số lỗ sẽ còn cao hơn.

Mặc dù các chỉ số kinh doanh khá bi quan, nhưng dòng tiền của Đạm Hà Bắc lại là điểm sáng khi duy trì được lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư vẫn ghi nhận số dương.

Tình trạng lỗ bền vững của Đạm Hà Bắc được dự báo còn tiếp diễn khi công ty này đặt mục tiêu lỗ năm 2019 là 530 tỷ đồng.

Áp lực vay nợ, trả lãi

Từng được kỳ vọng trở thành một thế lực của ngành phân bón, nhưng Đạm Hà Bắc bị rơi vào tình trạng khó khăn kể từ khi công ty này thực hiện dự án cải tạo, mở rộng nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 568,6 triệu USD (tương đương 10.122 tỷ đồng). Trong số này, vốn vay các ngân hàng trong nước là hơn 8.000 tỷ đồng, vốn tự có là 1.800 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó tổng giám đốc Đạm Hà Bắc, sau khi Dự án Cải tạo mở rộng Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đi vào khai thác tháng 4/2015, Công ty đã từng bước tiếp cận và làm chủ được công nghệ sản xuất, công suất chạy máy toàn dây chuyền đạt trên 90%, sản lượng nâng dần qua các năm, định mức tiêu hao luôn thấp hơn định mức bảo đảm của Dự án.

“Tuy nhiên, Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, giá bán thu về chưa đủ bù đắp chi phí do các chi phí cố định tăng cao, như khấu hao, lỗ tỷ giá và lãi vay đầu tư”, ông Nguyễn Đức Ninh cho hay.

Trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng thua lỗ được Đạm Hà Bắc chỉ ra, đáng chú ý nhất là chi phí lãi vay đang chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng 30%) trong tổng doanh thu hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Theo Đạm Hà Bắc, khoản lãi vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho Dự án Cải tạo mở rộng rất cao, bình quân 10,78%/năm, có khoản vay với lãi suất lên tới 12%/năm. Do chưa cơ cấu được các khoản nợ vay của VDB, nên Công ty không cân đối được dòng tiền để trả đúng hạn gốc, lãi, dẫn tới phải chịu lãi phạt số tiền chậm trả.

Báo cáo tài chính các năm qua của Đạm Hà Bắc cho thấy, chi phí lãi vay năm 2015 là 441,1 tỷ đồng, năm 2016 là 665,1 tỷ đồng, năm 2017 là 711,2 tỷ đồng, năm 2018 là 735,1 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 là 385,8 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2019, tổng tài sản của Đạm Hà Bắc là 9.362 tỷ đồng, giảm 2% so với cuối năm 2018; nợ phải trả là 9.471 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.332 tỷ đồng (tăng 183 tỷ đồng so với đầu năm), dư vay nợ thuê tài chính dài hạn là 6.108 tỷ đồng (giảm được 448 tỷ đồng).

Như vậy, các hệ số thanh toán nhanh, thanh toán ngắn hạn của Đạm Hà Bắc đang ở mức báo động. Đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đặt nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Tin bài liên quan