Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đại hội Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR): Gợi mở điểm nóng chất vấn

(ĐTCK) Trong 5 phương hướng phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) năm 2020, có hai nội dung dự kiến trở thành điểm nóng chất vấn tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 12/6 tới. 

Phương hướng phát triển năm 2020

Theo tài liệu Ðại hội, năm 2020, GVR đặt mục tiêu đạt doanh thu 24.647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.029 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,8% và 5,1% so với năm 2019. Tỷ lệ cổ tức năm nay dự kiến là 6%, bằng mức năm ngoái (hiện chưa chia). GVR đưa ra 5 phương hướng phát triển, trong đó có hai nội dung đáng chú ý.

Đại hội Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR): Gợi mở điểm nóng chất vấn ảnh 1

Một là tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, lĩnh vực trồng, chăm sóc, chế biến mủ cao su hiện nay có lợi nhuận không cao do giá giảm, nên GVR sẽ không đầu tư mở rộng, mà chỉ duy trì quy mô hiện tại.

Lĩnh vực chế biến gỗ cao su có lợi nhuận khá tốt và có cơ hội phát triển, Tập đoàn sẽ đầu tư bổ sung, đồng thời sáp nhập một số doanh nghiệp gỗ trong ngành để nâng sức cạnh tranh, thương hiệu.

Sản phẩm công nghiệp cao su có lợi nhuận không cao, cạnh tranh lớn, Tập đoàn sẽ duy trì như hiện nay, chỉ đầu tư khi có cơ hội và đối tác tốt. Mảng khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su mang lại lợi nhuận cao, có tiềm năng, nhiều lợi thế, nên GVR sẽ tăng cường đầu tư.

Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ có lợi nhuận tốt, nhưng rủi ro, nên doanh nghiệp sẽ thận trọng khi đầu tư.

Về cơ bản, từ nay tới năm 2025, GVR sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực là sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển khu công nghiệp.

Hai là thoái vốn ngoài ngành. Ðến cuối năm 2019, GVR dự kiến thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành và thu về 2.342 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách là 1.391 tỷ đồng), ghi nhận lãi 952 tỷ đồng.

Tính tới nay, Tập đoàn còn phải thoái 2.061 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư của 5 công ty thủy điện chiếm hơn 50%, khoảng 1.079 tỷ đồng.

Ðược biết, tính đến 31/3/2020, GVR sở hữu 104 công ty con, 18 công ty liên kết, với quy mô tài sản 78.517 tỷ đồng, vốn hoá thị trường ước tính 52.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, báo cáo thường niên 2019 ghi nhận doanh nghiệp sở hữu 407.800 ha đất cao su, trong đó 201.083 ha diện tích kinh doanh; sở hữu 12 khu công nghiệp, tổng diện tích 6.000 ha, trong đó thương phẩm là 4.013 ha (tỷ lệ lấp đầy tính đến cuối năm 2018 là 85%).

Dự kiến các điểm nóng chất vấn

VGR có quy mô tài sản lớn cùng nhiều công ty con, đặt ra bài toán làm sao vận hành và quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

Thứ nhất, doanh nghiệp đang nắm giữ 100% Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Ðồng Nai, đơn vị sở hữu trực tiếp quỹ đất cao su nằm trong dự án sân bay Long Thành, Ðồng Nai.

Theo đề án đền bù, giai đoạn 1 sẽ đền bù 1.800 ha, trong đó 630 ha là đất của hơn 1.000 gia đình, phần còn lại của doanh nghiệp.

Vậy Tổng công ty Cao su Ðồng Nai sẽ bàn giao bao nhiêu, lộ trình đền bù và đơn giá như thế nào, GVR sẽ ghi nhận lợi nhuận khác là bao nhiêu cho năm tài chính 2020, cũng như các năm sau đó?

Thứ hai, đối với mảng khu công nghiệp, ngoài 12 khu công nghiệp đang vận hành, GVR dự tính đầu tư cũng như đưa vào vận hành thêm khu công nghiệp nào trong năm 2020?

Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp nước ngoài dự tính mở nhà máy sản xuất mới tại Việt Nam để đa dạng hoá nguồn cung, tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký, khu công nghiệp nào của GVR sẽ có khả năng đón nhận thêm khách hàng mới?

Thứ ba, theo đề án tái cơ cấu, Tập đoàn sẽ thoái vốn ngoài ngành, nhưng liệu có sắp xếp lại sở hữu các doanh nghiệp trong ngành? Ví dụ, GVR sở hữu 66,62% tại Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (PHR), trong khi cả GVR và PHR đều sở hữu lần lượt 20,42% và 32,85% tại Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC).

Tình trạng sở hữu như vậy khiến nhà đầu tư khó theo dõi và kiểm soát hoạt động, đặc biệt là tổ chức nước ngoài khi tham gia doanh nghiệp. Vậy GVR có kế hoạch cơ cấu, sắp xếp lại sở hữu các doanh nghiệp trong ngành hay không, cụ thể là những công ty nào?

Thứ tư, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại GVR hiện là 96,77%, Nhà nước có kế hoạch thoái vốn trong năm 2020 và các năm sau đó hay không?

GVR có quy mô tài sản và sở hữu quỹ đất có khả năng chuyển đổi sang khu công nghiệp lớn, nhưng hệ thống quá nhiều công ty con, công ty liên kết khiến nhà đầu tư khó theo dõi doanh nghiệp, cũng như hiệu quả vận hành công ty mẹ thấp hơn nhiều so với một số đơn vị thành viên như NTC, PHR, DPR…

Nhà đầu tư đang chờ đợi sự chuyển mình từ định hướng phát triển, cũng như tinh gọn bộ máy để có thể vận hành hiệu quả hơn.         

Tin bài liên quan