Một phần diện tích tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An đã được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Một phần diện tích tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An đã được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn “tiền trảm, hậu tấu”: Những góc khuất cần được làm rõ

Rất nhiều góc khuất cần tiếp tục được làm rõ trong việc Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn “tiền trảm, hậu tấu” tháo dỡ 3 nhánh đường sắt thuộc Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Hoàn trả nguyên trạng

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn hỏa tốc số 3743/BGTVT-KCHT gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam liên quan đến việc khắc phục việc tháo dỡ, di dời đường ray trong khu vực Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Dẫn chiếu khoản 2, Điều 5, Luật Đường sắt (năm 2005), Công văn số 3743/BGTVT-KCHT do ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT ký, khẳng định, Bộ GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt. Đoạn đường sắt số III (được nối từ đường số 2 ga Dĩ An vào Nhà máy Xe lửa Dĩ An) và nhánh đường sắt số 60, 61, 62 khu vực Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

“Việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt) cho phép Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn lập dự án đầu tư để tháo dỡ, dịch chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nêu trên, trong khi chưa được Bộ GTVT thống nhất chủ trương, là chưa phù hợp với quy định của pháp luật”, văn bản trên khẳng định.

Trong khi chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước mắt, Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục, lắp đặt nguyên trạng đoạn đường sắt số III, bao gồm cả 3 nhánh đường sắt số 60, 61, 62 trong khu vực Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An. Tiến độ hoàn thành việc hoàn trả này được Bộ GTVT ấn định là trong quý II/2019.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được thông tin phản ánh, dù chưa được cấp có thẩm quyền chính thức phê duyệt, nhưng nhiều nhánh đường sắt ở Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An đã bị Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn tháo dỡ và đất được phân lô, bán nền với tư cách là một dự án nhà ở thương mại.

Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An thuộc Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn nằm trên lô đất đẹp với tổng diện tích 117.332 m2 tại đường Lý Thường Kiệt (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Trạm này trước đây được Liên hiệp Đường sắt Việt Nam giao cho Xí nghiệp Vật tư đường sắt Gài Gòn (tiền thân của Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn) quản lý để tập kết phụ tùng, hàng hóa chuyên ngành đường sắt, xếp dỡ hàng hóa.

Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA163834 ngày 21/1/2011 được Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương cấp cho Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn (được cổ phần hóa năm 2005), trong 117.332 m2 đất tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An, đất để đầu tư thương mại, dịch vụ chiếm 63.080 m2; đất cho các hoạt động của Trạm có diện tích 54.252 m2.

Đối với diện tích đất 63.080 m2, tháng 12/2013, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn chấp thuận Dự án Phát triển nhà ở thương mại do Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn phối hợp Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư. Tại dự án này, Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê với diện tích 63.080 m2 tại Trạm Vật tư Dĩ An.

Tuy nhiên, trên diện tích đất này có đường sắt số III dài 640 m nối ga Dĩ An vào Nhà máy Xe lửa Dĩ An và 3 nhánh đường sắt số 60, 61 và 62 để phục vụ sản xuất chính của Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An là xếp dỡ vật tư, hàng hóa lên xuống toa xe.

Để thực hiện Dự án Phát triển nhà ở thương mại tại khu đất trên, Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn đã thực hiện Dự án Cải dịch 4 nhánh đường sắt này sang khu đất 54.252 m2, cùng đó, xây dựng hàng rào tole lượn sóng dọc hành lang tuyến đường sắt.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ năm 2015, đơn vị này đã thực hiện tháo dỡ các đường sắt nói trên, sau đó hoàn thành hạng mục cải dịch đường sắt số III nối ga Dĩ An vào Nhà máy Xe lửa Dĩ An và đã đưa vào khai thác. Tuy nhiên, đối với các hạng mục còn lại, Công ty vẫn chưa thực hiện cải dịch 3 nhánh đường sắt số 60, 61 và 62; hàng rào thì thi công dở dang.

Mặc dù không hề thi công các hạng mục hoàn trả còn lại, nhưng vào tháng 11/2016, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn lại có văn bản đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho phép tháo dỡ các đường sắt nhánh (thực tế chưa lắp đặt) trên đất thuộc Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An với lý do là không có nhu cầu sử dụng. Trên cơ sở này, ngày 11/1/2017, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có Văn bản số 57/ĐS-KHKD đề nghị Bộ GTVT cho phép tháo dỡ 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt số 60, 61, 62 tại Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An và thu hồi quản lý vật tư theo quy định.

Đến tháng 8/2018, Bộ GTVT có Văn bản số 8512/BGTVT-KCHT thống nhất chủ trương tháo dỡ 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt số 60, 61, 62 trong khu vực Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An trên nguyên tắc: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải xây dựng phương án tháo dỡ, thu hồi vật tư 3 bộ ghi và các nhánh đường sắt này; xây dựng phương án sử dụng đất dành cho đường sắt sau khi tháo dỡ.

Quan trọng hơn, Văn bản số 8512/BGTVT-KCHT nêu rõ phương án tháo dỡ, phương án sử dụng đất phải được Bộ GTVT xem xét, chấp thuận.

Vượt rào?

Trong Văn bản số 17/CĐSVN-KHĐT ngày 17/4/2019 của Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt khẳng định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tự phê duyệt phương án quy hoạch cơ cấu sử dụng đất Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An khi chưa có ý kiến của Bộ GTVT.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng cho rằng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT không đúng với thực tế hiện trường tại Văn bản số 57/ĐS-KHKD.

Cho đến thời điểm này, việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có thực sự “vượt rào” trong việc phê duyệt phương án quy hoạch cơ cấu sử dụng đất Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An hay không vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng ít nhất, lãnh đạo đơn vị này đã báo cáo chưa chính xác hiện trạng hạ tầng đường sắt tại khu vực này.

Trên thực tế, khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phát Văn bản số 8512/BGTVT-KCHT xin chủ trương tháo dỡ, các nhánh đường sắt số 60, 61, 62 đã không còn tồn tại trên thực địa, bởi nó đã được tháo dỡ từ 2 năm trước.

Ngay trong tháng 3/2018, trong công văn trả lời đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngoài việc yêu cầu báo cáo rõ hiện trạng Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An, Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, với hồ sơ, tài liệu như vậy là chưa đủ cơ sở để tham gia ý kiến về việc tháo dỡ đường nhánh xếp dỡ hàng hóa trên khu đất Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An.

Cục Đường sắt Việt Nam khẳng định, các nhánh đường sắt số 60, 61, 62 và 3 bộ ghi nối từ ga Dĩ An là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư đang được giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng, khai thác, không thuộc tài sản nhà nước giao vốn cho doanh nghiệp.

Tại thời điểm này, việc hoàn trả nguyên trạng đoạn đường sắt số III, bao gồm cả 3 nhánh đường sắt số 60, 61, 62 trong khu vực Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An như yêu cầu của Bộ GTVT là vấn đề không dễ thực hiện, do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không còn “quyền năng” với Công ty CP Vật tư Đường sắt Sài Gòn. Sau khi tiến hành thoái thành công 73,79% cổ phần vào năm 2015 với giá 23.700 đồng/cổ phần, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã không còn bất cứ đồng vốn nào tại Công ty CP Vật tư Đường sắt Sài Gòn.

Trong khi đó, tại Văn bản số 28/VT-ĐSSG gửi Bộ GTVT vào ngày 26/4/2019, Công ty CP Vật tư Đường sắt Sài Gòn cho biết, Công ty không có nhu cầu sử dụng các đoạn nhánh đường sắt trong khu vực Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An, đồng thời vẫn kiến nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ GTVT phương án thu hồi tài sản 3 bộ ghi và vật tư, phụ kiện đường sắt đối với các đoạn đường sắt số 60, 61, 62.

“Công ty sẽ xây dựng hàng rào tole dọc đoạn từ Km1+357 đến Km1+892 chạy qua đất Trạm Vật tư Dĩ An nối từ ga Dĩ An với Nhà máy Xe lửa Dĩ An; hệ thống cọc tiêu biển báo, đường ngang để tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho đường sắt để đảm bảo an toàn chạy tàu. Ngoài ra, Công ty vẫn đang trả tiền thuê đất hàng năm cho diện tích chiếm đất của tuyến đường sắt nói trên”, bà Trương Thị Giàu, Tổng giám đốc Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn đề xuất.

Công ty Vật tư đường sắt Sài Gòn được cổ phần hóa năm 2005 với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đại diện phần vốn Nhà nước, nắm 73,79% vốn điều lệ.

Năm 2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thoái toàn bộ phần vốn trên với số tiền thu về là 34.974 tỷ đồng.

Tại thời điểm này, Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn có hợp đồng thuê đất tại Trạm Vật tư Dĩ An từ năm 1993 đến năm 2043; hợp đồng thuê trụ sở tại số 86 - Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM).

Tin bài liên quan