Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) đang cần vốn lớn  cho dự án Cảng Phước An

Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) đang cần vốn lớn cho dự án Cảng Phước An

(ĐTCK) Ngày 25/11/2019, Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) dự kiến tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường nhằm thông qua phương án tăng vốn điều lệ, quy chế lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án và thay đổi một số thành viên HĐQT, Ban kiểm soát…

PAP đã lên phương án phát hành cổ phần, tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng, nhằm bổ sung nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng Dự án Cảng Phước An.

Nếu tăng vốn thành công, đây sẽ là lần tăng vốn điều lệ lần thứ ba của Công ty trong gần 4 năm qua.

Tính đến ngày 30/6/2019, PAP còn lỗ lũy kế nên không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Do vậy, để tăng vốn, Công ty chỉ có thể thực hiện dưới hình thức chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp).

Theo PAP, Hội đồng quản trị sẽ căn cứ tình hình đàm phán với nhà đầu tư để quyết định mức giá chào bán cụ thể, không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần, tức số tiền tối thiểu thu được từ đợt chào bán là 400 tỷ đồng.

Dự kiến, sau đợt phát hành, cơ cấu cổ đông của PAP sẽ bao gồm Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sở hữu 44%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 23,33%, các cổ đông khác sở hữu 33,67%.

Hiện tại, Hoành Sơn là cổ đông lớn nhất của PAP, sở hữu 60% vốn, tiếp theo là PVN (31,82%) và Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi, sở hữu 6,82%).

Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư Dự án Cảng Phước An là 17.571 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện dự án là 2.635 tỷ đồng, chiếm 15%.

Hiện tại, PAP đang thực hiện phân kỳ đầu tư 1 (2017 - 2020), với tổng vốn đầu tư 1.588 tỷ đồng.

PAP cho biết, đối với khu dịch vụ hậu cần cảng có diện tích trên 550 ha, Công ty đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng hơn 57 ha.

Diện tích phần còn lại khoảng 490 ha, tương ứng số tiền cần bồi thường khoảng 1.385 tỷ đồng, Công ty đang cùng với các cơ quan chuyên môn của địa phương triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý III/2019, PAP không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính (các lĩnh vực kinh doanh hiện nay của Công ty gồm đầu tư, vận hành, khai thác cảng biển, logistics và các dịch vụ liên quan).

Toàn bộ nguồn thu trong kỳ đến từ hoạt động tài chính (lãi tiền gửi) với con số 12,2 tỷ đồng, gấp 6,8 lần cùng kỳ năm ngoái.

Về chi phí, PAP ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 4 tỷ đồng, ngoài ra không còn chi phí nào khác.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động tài chính của PAP đạt 30,6 tỷ đồng, gấp 4,1 lần cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế 17,1 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 9,1 tỷ đồng). Theo đó, lỗ lũy kế của Công ty đến cuối quý III giảm còn hơn 10 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2019, PAP có tổng tài sản 1.121,4 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm.

Tuy nhiên, cơ cấu tài sản có sự dịch chuyển. Cụ thể, giá trị tài sản ngắn hạn hơn 880,9 tỷ đồng, tăng 78,6%, giá trị tài sản dài hạn là 240,4 tỷ đồng, giảm 60,7% so với đầu năm.         

Tin bài liên quan