Ảnh Internet

Ảnh Internet

Con trai ông chủ muốn “thâu tóm” doanh nghiệp, điều gì đang xảy ra ở Sao Mai (ASM)?

(ĐTCK) CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) vừa công bố nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua việc ông Lê Tuấn Anh và những người có liên quan được nhận chuyển nhượng cổ phiếu ASM dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu trên 51% đến mức tối đa có thể trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của ASM mà không phải thực hiện chào mua công khai. 

Việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhóm này sẽ được mua trực tiếp theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận. 

Nội dung này được 58,14% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý thông qua. Đáng chú ý, trong tổng số 6.198 thư được gửi cho cổ đông lấy ý kiến, chỉ có 207 thư đáp trả hợp lệ, 1 thư không hợp lệ và 5.990 thư cổ đông không đáp trả. 

5.990 cổ đông không đáp trả đại diện cho 60,3 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 41,65% số cổ phần biểu quyết của công ty. 

Về phía xin mua không qua công khai, ông Lê Tuấn Anh là con trai ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ASM. Ngoài ra, hiện ông Lê Tuấn Anh còn giữ vị trí Tổng giám đốc tại Công ty TNHH Sao Mai Super Feed, là công ty con 100% vốn của ASM. 

Hiện có 2 vấn đề được đặt ra tại ASM

Đó là, vì sao lợi nhuận Công ty tăng cao đột biến trong năm 2018 nhưng giá cổ phiếu vẫn không có sự tăng trưởng tương ứng, thậm chí còn giảm về mốc mệnh giá?

Thứ hai là mục đích của việc tăng sở hữu của nhóm người nhà ban lãnh đạo Công ty đến mức tối đa có thể không qua chào mua công khai là gì? 

Trong 3 quý đầu năm 2018, ASM đạt 5.149 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.111 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp và đã vượt xa kế hoach năm đề ra (890 tỷ đồng).

Thế nhưng hiện cổ phiếu ASM mãi vẫn đang "là đà" quanh mức mệnh giá, giảm mạnh so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 5/2018 (15.500 đồng/cổ phiếu). Nhiều cổ đông tỏ ra “khó hiểu” với tình trạng giá của ASM. Với kết quả kinh doanh và những thông tin tích cực liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2018, nhiều cổ đông đặt câu hỏi, nếu như không bị “đè giá” thì lý do gì để cổ phiếu này cứ mãi xập xình như hiện tại?

Diễn biến giao dịch của ASM trong 3 tháng vừa qua. Nguồn: VnDirect 

Được biết, hiện danh sách người có liên quan đến ông Thuấn đang sở hữu cổ phiếu ASM khá dài. Trong đó, ông Lê Tuấn Anh, người được lấy tên để thực hiện nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm người liên quan đang nắm giữ hơn 7,9 triệu cổ phiếu ASM, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,27%. Tổng người liên quan trực tiếp tới ông Thuấn đang sở hữu tới 40,1% ASM. 

Bên cạnh đó, các vị trí nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp cũng chủ yếu nằm trong tay của cá nhân ông Thuấn và người nhà.

Cụ thể, trong thành viên HĐQT có em trai Lê Văn Thủy và Lê Văn Chung, cùng vợ chồng em vợ ông Thuấn là ông Lê Xuân Quế và bà Võ Thị Hồng Tâm. Ngoài ra, em trai Lê Văn Thành và con gái Lê Thị Nguyệt Thu cũng đang giữ 2 ghế Phó tổng giám đốc tại ASM.

Tất cả cổ đông lớn của ASM đều là các cá nhân có liên quan, không có bóng dáng của quỹ đầu tư hay quỹ ngoại nào. 

Việc tăng tỷ lệ sở hữu trên 51% đến mức tối đa có thể sẽ khiến tỷ lệ free float của ASM ngày càng giảm. Tỷ lệ này ở một mã chứng khoán càng nhỏ càng cho thấy khả năng thao túng cao trong thanh khoản hoặc giá cổ phiếu. 

Tin bài liên quan