Những sơ hở trong việc kiểm soát hoạt động tại Vietracimex sau cổ phần hóa không được xử lý kịp thời.

Những sơ hở trong việc kiểm soát hoạt động tại Vietracimex sau cổ phần hóa không được xử lý kịp thời.

Cổ phần hóa Vietracimex và câu chuyện doanh nghiệp nhà nước dễ dàng rơi vào tay cá nhân

Nhiều kiến nghị của Thanh tra Chính phủ liên quan đến công tác cổ phần hóa Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex vẫn chưa được các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, dù Chính phủ đã 2 lần nhắc nhở.     

Hai khoản “nợ”

Cho đến thời điểm này, sau 15 tháng kể từ khi Kết luận thanh tra số 3792/KL - TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng – Vietracimex được công bố (18/12/2015), ít nhất, có 2 nhóm kiến nghị của Thanh tra Chính phủ liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn chưa được hoàn tất.

Được biết, xen giữa quãng thời gian nói trên, Văn phòng Chính phủ đã có 2 văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh (tháng 1/2016) và Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình (tháng 10/2016) yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến 31/3/2017, mới chỉ có Bộ Giao thông - Vận tải là thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Thanh tra, bao gồm cả việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót trong quá trình cổ phần hóa Vietracimex.

Trong số các khoản “nợ” hậu thanh tra Vietracimex, SCIC được cho mới thực hiện một nửa công việc được yêu cầu, chủ yếu là liên quan đến việc xác lập và cơ cấu lại giá trị vốn đầu tư của SCIC tại Vietracimex.

Cụ thể, vào tháng 10/2016, Vietracimex đã phối hợp với đơn vị được giao quản lý phần vốn Nhà nước tổ chức họp Đại hội cổ đông bất thường và thông qua việc Vietracimex thực hiện quyền cổ đông tại 8 công ty cổ phần được hình thành từ việc cổ phần hóa Vietracimex. Trên cơ sở đó, SCIC đã phối hợp với các công ty cổ phần để bàn giao lại sổ chứng nhận cổ phần trước đây đã cấp cho SCIC sang Vietracimex theo đúng quy định.

Cho tới ngày 2/11/2016, Vietracimex đã cấp lại cho SCIC Sổ chứng nhận cổ đông. Theo đó, SCIC là cổ đông sở hữu 2.662.442 cổ phần, tương ứng với giá trị phần vốn đầu tư tại Vietracimex là 26,624 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, theo Kết luận số 3792, Thanh tra Chính phủ yêu cầu SCIC hủy bỏ các văn bản do chính đơn vị này phát hành cũng như các chỉ đạo không đúng đối với 9 công ty cổ phần từ khi nhận bàn giao đến nay; khẩn trương khắc phục những sai phạm khi nhận bàn giao vốn, để nhận bàn giao vốn nhà nước và cử người đại diện phần vốn nhà nước theo đúng quy định.

SCIC cũng được Thanh tra Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá công tác quản lý và hiệu quả vốn tại Vietracimex; cơ cấu lại khoản đầu tư này theo quy định của pháp luật để phát huy hiệu quả đầu tư. Nếu xác định có sự thất thoát vốn nhà nước tại Vietracimex thì kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 3/2017, đối với kiến nghị quan trọng này, SCIC vẫn chưa hoàn thành.

Một cơ quan được Thanh tra Chính phủ cho là vẫn còn nợ tồn đọng xử lý kiến nghị thanh tra Vietracimex là Bộ Tài chính, với yêu cầu là phải chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân tại SCIC đã để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm theo thẩm quyền quản lý của bộ này đối với SCIC.

Hiện Bộ Tài chính mới xác nhận: với nội dung Kết luận thanh tra chưa đủ cơ sở để xác định cụ thể việc thất thoát vốn trong việc tăng vốn điều lệ tại Vietracimex. Tuy nhiên, yêu cầu đánh giá, rà soát lại việc tăng vốn điều lệ của Vietracimex, Thanh tra Chính phủ xác nhận, Bộ Tài chính chưa triển khai thực hiện.

Sai phạm kinh điển

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, ông Võ Nhật Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn nhà nước) đã tự ý sử dụng quyền chi phối của cổ đông lớn để chỉ đạo Vietracimex hoạt động không theo đúng chủ trương, phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, huy động thêm vốn góp… đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hóa Vietracimex, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính và Vietracimex đã nỗ lực để chuyển thành mô hình hoạt động công ty mẹ con từ ngày 1/1/2006. Mặc dù vậy, trong quá trình chuyển đổi, đã có nhiều vi phạm tại Vietracimex làm đảo ngược mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ đề án thí điểm cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt.

Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan liên quan đã thực hiện không đúng yêu cầu của đề án trong việc chuyển tất cả các công ty thành viên thành công ty con của Vietracimex; thiếu tránh nhiệm trong việc thực hiện đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, để người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietracimex (ông Võ Nhật Thăng) làm trái quy định, nghĩa vụ người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trái quy định trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường ngày 3/6/2006, chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ DNNN thành công ty cổ phần mà ông Võ Nhật Thăng có vốn góp chiếm tới  93,37% vốn điều lệ.

Được thành lập cách đây hơn 50 năm, Vietracimex hiện có số vốn đăng ký theo giấy phép kinh doanh lên tới 5.510 tỷ đồng, dù xuất thân là xây dựng giao thông, nhưng được biết đến nhiều hơn với một loạt Dự án đình đám trong lĩnh vực bất động sản, thủy điện, sân golf, bột đá, bột giấy.    

Theo đánh giá của các chuyên gia, những sơ hở khó hiểu của cơ quan quản lý vốn trong việc kiểm soát hoạt động tại Vietracimex giai đoạn hậu cổ phần hóa diễn ra trong suốt nhiều năm, song không được xử lý kịp thời đã khiến doanh nghiệp lớn bậc nhất ngành giao thông - vận tải dễ dàng rơi vào tay cá nhân dù nhà nước từng nắm giữ tới 74,35% vốn điều lệ. 

Cụ thể, ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT Vietracimex và là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty mẹ đã cố ý làm trái quy định trong việc tổ chức ĐHCĐ bất thường ngày 3/6/2006, chuyển công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ DNNN thành CTCP mà ông Võ Nhật Thăng có vốn góp chiếm 93,37% vốn điều lệ. Đây là sai phạm có tính bước ngoặt, làm cho tiến trình cổ phần hóa tại Vietracimex bị đảo ngược, trái mục đích, yêu cầu của đề án được Thủ tướng phê duyệt.

Hiện nay, sau 5 lần tăng vốn điều lệ trái với quy định, chưa được sự chấp thuận cơ quan có thẩm quyền, phần vốn nhà nước tại Vietracimex hiện chỉ còn 0,06% vốn điều lệ, trong khi vốn góp của cá nhân ông Võ Nhật Thăng nhảy vọt lên tận… 93,37%.

Trách nhiệm này được Thanh tra Chính phủ quy trách nhiệm cho lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, cán bộ cơ quan liên quan thời kỳ 2005 - 2006.

Đối với SCIC, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đơn vị này đã có khuyết điểm trong việc tiếp nhận phần vốn Nhà nước không đúng thực tế từ Bộ Giao thông - Vận tải, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Vietracimex từ khi nhận bàn giao.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong quá trình thực hiện, SCIC không giám sát để phát hiện kịp thời thiếu sót, yếu kém của người đại diện để ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời; cũng do thiếu trách nhiệm trong quản lý nên SCIC không phát hiện được những sai phạm của mình sau khi nhận bàn giao.

Nổi cộm trong số này là việc SCIC chỉ nhận 3,25 tỷ đồng/26,624 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Vietracimex, số vốn còn lại bị bỏ quên cho đến khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra (năm 2013). Tại thời đểm nhận bàn giao (tháng 8/2006), tỷ lệ vốn nhà nước tại Vietracimex đã bị giảm xuống còn 12,4%, nhưng SCIC không kiểm tra, không phát hiện được những việc làm sai trái của ông Võ Nhật Thăng

Được biết, trách nhiệm đối với sai sót lớn này được Thanh tra Chính phủ khẳng định là thuộc về lãnh đạo SICI chủ yếu là thời kỳ 2006 - 2009. Tuy nhiên, trong báo cáo thực hiện kết luận thanh tra, SCIC chỉ nhận là “đã có sơ suất trong quá trình tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và xin rút kinh nghiệm sâu sắc”.

“Đối với các vấn đề tồn tại giai đoạn hậu Thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 3792 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh cho biết.

Tin bài liên quan