Cổ đông Sonadezi lo ngại việc thoái vốn

Cổ đông Sonadezi lo ngại việc thoái vốn

(ĐTCK) Lộ trình thoái vốn Nhà nước ở Tổng công ty cổ phần (CTCP) Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi đã được trình Chính phủ và đang chờ ý kiến trả lời.

Tại Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) thường niên vừa qua, nhiều cổ đông của Sonadezi quan tâm đến lộ trình thoái vốn và làm sao để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho việc thoái vốn.

Sonadezi là doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, có vốn điều lệ 3.765 tỷ đồng, Nhà nước sở hữu hơn 99%, do UBND tỉnh Ðồng Nai nắm giữ. Tính đến hết năm 2018, 10 khu công nghiệp do Tổng CTCP Sonadezi quản lý đã thu hút 761 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký gần 9,73 tỷ USD và 15.426 tỷ đồng. Cổ phiếu của Sonadezi được giao dịch trên thị trường UPCoM từ cuối năm 2017 với mã SNZ.

Năm 2018, doanh thu hợp nhất của Sonadezi đạt 4.559 tỷ đồng (vượt 15% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế hợp nhất 794 tỷ đồng (vượt 20% kế hoạch), trả cổ tức bằng tiền mặt 8%. Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 4.434 tỷ đồng (giảm 3% so với năm 2018) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 829 tỷ đồng (tăng 4,5% so với 2018).

Theo Quyết định 1232/QÐ-TTg, Sonadezi nằm trong danh sách thoái một phần vốn nhà nước trong năm 2017 (34,54%) và 2019 (29%). Tuy nhiên, năm 2017, Sonadezi chưa thực hiện thoái vốn theo kế hoạch.

Tại ÐHCÐ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai yêu cầu Sonadezi tập trung thoái vốn nhà nước theo kế hoạch trong năm 2019; công tác thoái vốn tại các công ty thành viên lưu ý phải đảm bảo số lượng cổ đông để niêm yết trên sàn, đảm bảo công khai, minh bạch và cổ tức của Công ty mẹ đảm bảo ít nhất phải bằng lãi suất ngân hàng.

Chủ tịch HÐQT Sonadezi Ðỗ Thị Thu Hằng cho biết, kế hoạch thoái vốn tại Công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 1232/QÐ-TTg. Theo kế hoạch này, việc thoái vốn được thực hiện thành 2 đợt. Năm 2017, Công ty chưa kịp thực hiện thoái phần vốn theo kế hoạch.

Ðến nay, Sonadezi có kế hoạch thoái vốn một lần xuống còn 36%, nhưng việc thay đổi lộ trình phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhóm người đại diện phần vốn nhà nước đã có báo cáo xin thay đổi lộ trình gửi UBND tỉnh. Cơ quan này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và đang chờ văn bản trả lời.

Bà Hằng cho biết, hiện nay, Sonadezi đang đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Sau khi nhà nước thoái vốn, nếu đủ điều kiện về số lượng cổ đông và tỷ lệ nắm giữ cụ thể sẽ lập hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Cổ đông cho rằng, để việc thoái vốn hiệu quả, Công ty cần quan tâm hơn nữa đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty thành viên, nhất là khi trong hệ thống của Sonadezi vẫn có đơn vị kết quả đi xuống. Cổ đông nêu dẫn chứng, CTCP Cấp nước Nhơn Trạch, năm 2014 đạt lợi nhuận sau thuế hơn 42 tỷ đồng, nhưng gần đây lợi nhuận giảm mạnh, năm 2018 chỉ còn 16 tỷ đồng.

Cổ đông kiến nghị Tổng công ty Sonadezi rà soát toàn bộ hoạt động của các đơn vị thành viên, tìm ra giải pháp giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn để đạt kết quả kinh doanh tốt hơn, đóng góp vào lợi nhuận chung của Tổng công ty.

Bà Hằng cho biết, Sonadezi là công ty mẹ của CTCP Cấp nước Ðồng Nai (sở hữu hơn 63% vốn điều lệ), CTCP Cấp nước Ðồng Nai mới là công ty mẹ của CTCP Cấp nước Nhơn Trạch (hơn 52% vốn điều lệ). Do đó, Sonadezi không thể can thiệp trực tiếp đến hoạt động của CTCP Cấp nước Nhơn Trạch mà chỉ có thể chỉ đạo người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại công ty con là CTCP Cấp nước Ðồng Nai để có định hướng, giải pháp đối với người đại diện phần vốn của CTCP Cấp nước Ðồng Nai tại CTCP Cấp nước Nhơn Trạch.

Ðược biết, mùa đại hội 2018, cổ đông của CTCP Cấp nước Nhơn Trạch đã nhiều lần đơn thư phản ánh kiến nghị tới cơ quan quản lý cho rằng, điều lệ của Công ty trái điều lệ mẫu và hoạt động kinh doanh sa sút. Cổ đông phản ứng một số vấn đề trong điều lệ như tỷ lệ đề cử/ứng cử là 10% thay vì 5% như quy định tại điều lệ mẫu, thời hạn gửi thư mời, gửi tài liệu...

Ngoài ra, cổ đông Sonadezi lo ngại việc thoái vốn tại các công ty thành viên, chẳng hạn Sonadezi Long Bình không thu hút được sự chú ý của công chúng, có khả năng không tối đa hóa lợi ích.

Bà Hằng cho biết, năm 2019, Sonadezi thoái vốn tại 3 công ty con là CTCP Kinh doanh Nhà Ðồng Nai, CTCP Sonadezi Long Bình, CTCP Bến xe và dịch vụ vận tải Ðồng Nai. Sonadezi đảm bảo thoái vốn thực hiện đúng quy định Nhà nước, công khai minh bạch, mục tiêu sau khi thoái vốn, các công ty thành viên đủ điều kiện đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tin bài liên quan