Cổ đông Khóa Minh Khai 10 năm không được trả cổ tức

Cổ đông Khóa Minh Khai 10 năm không được trả cổ tức

Công ty cổ phần Khóa Minh Khai đã cổ phần hóa đến nay đã được gần 12 năm, nhưng suốt từ đó đến nay, tất cả các cổ đông của công ty đều chưa nhận được một đồng cổ tức nào, do suốt 10 năm (2006 - 2015) công ty liên tục thông báo lỗ.

Hoạt động kém minh bạch

Dù đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng những thông tin về hoạt động kinh doanh, thua lỗ, nợ nần, nhân sự… của Công ty cổ phần Khoá Minh Khai không được công bố công khai trên website công ty.

Trang chủ công ty cũng không có mục dành cho nhà đầu tư, cổ đông để tìm kiếm thông tin chính thức về doanh nghiệp này.

Theo phản ánh của các cổ đông, Công ty cổ phần Khoá Minh Khai đã thiếu minh bạch thông tin tài chính khi không công bố báo cáo tài chính đầy đủ do Công ty Kiểm toán ACC thực hiện kiểm toán, mà chỉ công bố nội dung tóm tắt.

Do đó, các cổ đông không thể nắm rõ về thực trạng tài chính, "sức khoẻ" của công ty.

Bà Vũ Thúy Liên, đại diện cho các cổ đông nhỏ lẻ của Công ty cổ phần Khóa Minh Khai, gửi đơn kiến nghị tới Bộ Xây dựng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng cho biết, công ty này cổ phần hóa đến nay đã được 12 năm, nhưng từ khi cổ phần hóa đến nay, cổ đông chưa nhận được một đồng cổ tức vì liên tục thua lỗ; chỉ đến cuối năm 2015 mới có lãi (là do được chia lãi từ dự án bất động sản Sky Light), tuy nhiên công ty vẫn không chia cổ tức.

Điều này là hết sức vô lý vì công ty sở hữu thương hiệu Khóa Minh Khai, một thương hiệu mạnh và nổi tiếng. Bên cạnh đó, công ty còn có những lợi thế khác như có gần 13.000m2 đất ở số nhà 125D phố Minh Khai, Hà Nội.

“Hàng năm, công ty không công bố tài liệu họp đại hội cổ đông, không công bố nghị quyết đại hội. Không những vậy, công ty đưa ra quy định vi phạm luật, rằng cổ đông sở hữu tối thiểu 660 cổ phần mới được dự đại hội cổ đông.

Lô đất vàng tại 125D Minh Khai, công ty hợp tác trong dự án bất động sản Sky Light hiệu quả ra sao cũng không được công bố cho cổ đông mà hoàn toàn giữ bí mật.

Tình trạng bê bối của Công ty cổ phần Khóa Minh Khai khiến cho tất cả các cổ đông đều bị thiệt hại” - bà Nguyễn Thị Hoa, cổ đông của công ty cho hay.

Thiếu chế tài

Cổ đông kiến nghị Bộ Xây dựng và Tổng công ty Cơ khí xây dựng tiến hành thanh tra làm rõ nguyên nhân yếu kém tại Công ty cổ phần Khóa Minh Khai; xem xét kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) và tổng giám đốc công ty trong việc để xảy ra thua lỗ kéo dài; từ đó đề ra giải pháp giúp công ty phục hồi và đạt kết quả kinh doanh tốt hơn, mang lại lợi ích chung cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước.

Cổ đông cũng kiến nghị Tổng công ty Cơ khí xây dựng thay thế người đại diện vốn tại Công ty cổ phần Khóa Minh Khai bằng người khác có đủ năng lực…

Theo luật sư Nguyễn Thị Thủy - Công ty Luật Khánh Trường An, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, về cơ chế chi trả cổ tức, hiện nay pháp luật chưa có quy định nào, việc này do các cổ đông quyết định tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ). Bởi đây là việc của nội bộ mỗi doanh nghiệp (DN), pháp luật không can thiệp quá sâu.

Tại ĐHCĐ, các cổ đông sẽ tự quyết định mức trả cổ tức, hình thức trả cổ tức bằng cách thông qua nghị quyết trên cơ sở đề nghị của HĐQT. Còn về mặt thời gian, thời hạn chi trả cổ tức thường không nói đến hoặc ủy quyền cho tổng giám đốc hoặc HĐQT quyết định.

“Tôi cho rằng, rất nên đưa ra các chế tài và quy định cụ thể về thời gian trả cổ tức. Có thể xây dựng các quy định về thời gian, hạn trả cổ tức sau mỗi năm tài chính như các quy định về tiến hành họp ĐHCĐ.

Ví dụ: Trong kỳ họp HĐCĐ có nội dung ấn định thời gian chi trả cổ tức, hoặc quy định chậm nhất trong vòng 2  tháng sau khi tiến hành ĐHCĐ. Nếu vi phạm thời hạn đó sẽ phải chịu thêm những khoản phạt vi phạm, lãi chậm trả,…” - luật sư Thủy cho biết.

Thêm nữa, theo bà Thủy, cũng phải quy định việc chi trả cổ tức đúng thời hạn là trách nhiệm, nghĩa vụ của tổng giám đốc, giám đốc hoặc chủ tịch HĐQT.

Nếu không thực hiện đúng, những người này phải chịu trách nhiệm cá nhân tương tự như việc trách nhiệm về công bố thông tin. Bởi, nếu chỉ bắt DN trả thêm lãi suất hay phạt DN thì vẫn là tiền của cổ đông. 

Trường hợp DN vi phạm, bất cứ cổ đông nào cũng có quyền khởi kiện yêu cầu DN thực hiện đúng hoặc bồi thường cho những thiệt hại mà DN gây ra cho mình.

Tin bài liên quan