Nhóm cổ đông  yêu cầu công ty mua lại 163.991 cổ phần, với giá 80.000 đồng/cổ phiếu

Nhóm cổ đông yêu cầu công ty mua lại 163.991 cổ phần, với giá 80.000 đồng/cổ phiếu

Cổ đông giăng biểu ngữ phản đối, Prosimex nói gì?

(ĐTCK) Liên tiếp các ngày 31/5 và 1/6, nhóm cổ đông nắm giữ gần 10% vốn của CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex giăng biểu ngữ trước trụ sở công ty (nay là Dự án Riverside, địa chỉ ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) yêu cầu đòi quyền lợi.

Cổ đông bức xúc do nhiều lần tìm cách liên lạc, gửi văn bản về việc chào bán cổ phần nhưng ban lãnh đạo đổ thừa trách nhiệm cho nhau, đồng thời không gặp gỡ, tiếp xúc cổ đông để tìm hướng tháo gỡ. Trước đó, nhóm cổ đông yêu cầu công ty mua lại 163.991 cổ phần với giá 80.000 đồng/cổ phần.

Trong cơ cấu cổ đông của Prosimex hiện nay có 4 cá nhân sở hữu trên 80% cổ phần, trong đó có Chủ tịch Công ty Lữ Văn Sơn và Tổng giám đốc Trần Quốc Phương.

Chiều 1/6, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lữ Văn Sơn cho biết, việc cổ đông gửi đơn chào bán cổ phần nhưng là đơn chung, không rõ người đại diện, ủy quyền. Việc đòi giá bán gấp 8 lần mệnh giá cũng không có cơ sở pháp lý.

Ông Sơn cũng cho hay, trong điều kiện hiện nay, Công ty không được phép mua lại vì sẽ trái luật. Còn quyền chào bán của cổ đông là đương nhiên. Ông Sơn nói thêm, dự kiến vào cuối tháng 6, Prosimex sẽ tiến hành ĐHĐCĐ và khi đó, cổ đông có quyền đưa ra yêu cầu trong đại hội.

Mâu thuẫn xảy ra tại Prosimex đã được Đầu tư Chứng khoán phản ánh trong loạt bài viết hồi tháng 5. Trong đơn thư gửi đến báo, nhóm cổ đông này cho rằng, ban lãnh đạo công ty có nhiều sai phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Cổ đông phản ánh, sau khi cổ phần hóa từ năm 2006, Công ty thường xuyên làm ăn thua lỗ, tồn tại nhiều công nợ. Ngoài khoản nợ khó đòi 120 tỷ đồng, cổ đông bức xúc về cách hành vi của Ban lãnh đạo công ty liên quan đến việc khai thác 2 lô đất công ty trả tiền thuê đất hàng năm. Đó là lô đất và văn phòng làm việc (diện tích 8.900 m2 tại địa chỉ phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) và lô đất 15.000m2 tại đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.

Theo đơn thư, năm 2014, Ban lãnh đạo Công ty đã ký bán thanh lý khối tài sản trên với tổng số tiền thu về là 75 tỷ đồng và 1.000m2 sàn văn phòng làm việc. Tuy nhiên, tại các cuộc họp ĐHCĐ, HĐQT, Ban lãnh đạo không đề cập việc bán thanh lý, chỉ trình chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh liên kết để xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê và xây căn hộ để bán.

Sau khi tìm hiểu, đại diện Prosimex cung cấp Nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua việc lựa chọn đối tác chiến lược là CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (VIDEC). Trong tờ trình trên, HĐQT Prosimex có nêu thông tin chi tiết về dự án chuyển đổi đất tại Thanh Xuân, phương án góp vốn và phân chia lợi nhuận. Cụ thể, Prosimex được nhận khoản lợi nhuận tối thiểu là 75 tỷ đồng và 500-1.000 m2 văn phòng.

Căn cứ vào nghị quyết ĐHCĐ này, HĐQT Prosimex sau đó đã ra nghị quyết ủy quyền cho Tổng giám đốc đàm phán triển khai ký kết hợp đồng liên kết đầu tư với Videc. Hiện hợp tác giữa hai bên đang thực hiện theo hình thức liên danh.

Điều 129. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông

1. Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.

2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.

Tin bài liên quan