Cienco4 khó bật mạnh từ dự án cao tốc Bắc - Nam

Cienco4 khó bật mạnh từ dự án cao tốc Bắc - Nam

(ĐTCK) Là cái tên vượt qua vòng sơ tuyển của 7/8 dự án thành phần của đại dự án cao tốc Bắc - Nam, nhưng có nhiều lý do để e ngại về khả năng tăng trưởng trở lại của CTCP Tập đoàn Cienco4.

Doanh thu, lợi nhuận tiếp tục đi xuống

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC cho thấy, năm qua, doanh thu của Công ty đạt 2.343 tỷ đồng, giảm 25,03% so với thực hiện 2018, đánh dấu năm sụt giảm doanh thu thứ 4 liên tiếp.

Cụ thể, từ mức doanh thu hợp nhất hơn 6.000 tỷ đồng năm 2015, đến năm 2016, doanh thu của C4G giảm xuống chỉ còn hơn 5.000 tỷ đồng, năm 2017 còn hơn 4.000 tỷ đồng, năm 2018 còn 3.125 tỷ đồng và với con số 2.343 tỷ đồng, doanh thu cả năm 2019 chưa bằng phân nửa giai đoạn 2015 - 2016.

Nguyên nhân của việc sụt giảm này chủ yếu là do doanh thu mảng xây dựng giảm mạnh, từ 3.600 - 3.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2016  - 2017 giảm xuống còn 2.525 tỷ đồng trong năm 2018 và đến năm 2019 chỉ còn ghi nhận 1.525 tỷ đồng, kéo theo doanh thu bán vật tư cũng có xu hướng giảm.

Cienco4 khó bật mạnh từ dự án cao tốc Bắc - Nam  ảnh 1

Lý giải điều này, C4G cho biết, năm 2019 tiếp tục là năm khó khăn về nguồn vốn cho các dự án có nguồn vốn trái phiếu, ngân sách trung ương và phần vốn đối ứng của các dự án ODA, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực đấu thầu, giá thầu giảm quá thấp.

Trong đó, có dự án như Cầu Hiếu 2 - Nghĩa Ðàn thủ tục kéo dài, dự án tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 chậm triển khai thu phí dịch vụ cũng làm ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của Công ty.

Doanh thu suy giảm mạnh khiến lợi nhuận không tránh khỏi lao dốc. Năm qua, Công ty chỉ báo lãi sau thuế hợp nhất 92,2 tỷ đồng, giảm 31,9% so với 2018 và giảm 46,6% so với 2016.

Bên cạnh doanh thu giảm, báo cáo tài chính của C4G cũng cho thấy gánh nặng chi phí tài chính đáng kể. Năm 2019, chi phí lãi vay của Công ty lên đến 232 tỷ đồng, tương đương 64,4% lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh thu được.

Ðiều này phần nào cho thấy bức tranh tài chính đang phụ thuộc lớn vào nợ vay. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn đến cuối năm 2019 là 3.737 tỷ đồng, chiếm 52,8% tổng tài sản.

Dù ngược lại, công ty cũng có 1.127,8 tỷ đồng các khoản cho vay ngắn hạn, chủ yếu là cho vay các đơn vị liên kết, tuy nhiên mức lãi vay thu được chỉ tương đương 30% chi phí lãi vay phải trả.

Trong khi đó, nguồn lực dự trữ của Công ty khá mỏng, với chỉ 112 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến cuối năm 2019, tương đương 1,6% tổng tài sản. Ðến cuối quý I/2020, số tiền gửi này đã tiếp tục giảm xuống chỉ còn hơn 71 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2020, trong khi bức tranh tài chính ít thay đổi thì tình hình kinh doanh của C4G tiếp tục xấu hơn đáng kể, với doanh thu giảm 55,8% so với cùng kỳ 2019.

Trong đó, doanh thu mảng xây lắp có tỷ trọng lớn nhất giảm đến 74%. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 15,8 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ 2019.

Cao tốc Bắc - Nam có đem lại cú huých như kỳ vọng?

Thông báo từ Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua cho biết, 7/8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được dự kiến đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội đã có tối thiểu 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, bao gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây.

Ðáng chú ý, trong số 18 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển, Cienco4 là cái tên có mặt trong liên danh vượt qua sơ tuyển tại cả 7 dự án thành phần.

Việc liên danh của Cienco4 vượt qua vòng sơ tuyển được đánh giá không quá bất ngờ, bởi đây từng là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất trong số các tổng công ty công trình giao thông khi còn trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Ngay cả sau khi cổ phần hóa và Nhà nước thoái hoàn toàn vốn, Cienco4 vẫn được đánh giá là nhà thầu trong nhóm dẫn đầu, thường xuyên tham gia các dự án xây dựng giao thông lớn như Ðại lộ Thăng Long, Cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi, Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, các dự án BOT cầu Yên Lệnh, tuyến tránh TP. Vinh, Thái Nguyên - Chợ Mới… do đó có khả năng đáp ứng năng lực kỹ thuật đủ để tham gia các dự án này.

Việc tham gia đấu thầu hàng loạt dự án thành phần của đại dự án cao tốc Bắc - Nam cũng cho thấy quyết tâm lớn của Ban lãnh đạo Cienco4 trong việc tìm kiếm khối lượng công việc mới bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu do mảng xây lắp bị thu hẹp thời gian qua. Ðược biết, tổng giá trị các dự án lên tới 100.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với việc đa số các dự án sẽ tiếp tục thực hiện theo hình thức PPP, dạng hợp đồng BOT, liên danh của C4G dự kiến sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Trước tiên là vượt qua các đối thủ vốn là những doanh nghiệp có tên tuổi trong mảng hạ tầng giao thông trong vòng đấu thầu để trở thành nhà đầu tư chính thức, tiếp đó là giải quyết bài toán nguồn vốn cho dự án.

Theo quy định hiện hành, khi tham gia hợp đồng PPP, nhà đầu tư sẽ phải đối ứng 20% vốn của dự án và tìm kiếm các hợp đồng tín dụng cho phần còn lại.

Ðây là thách thức không nhỏ với C4G trong bối cảnh nguồn dự trữ mỏng, riêng nợ vay gấp gần 3,4 lần vốn chủ sở hữu, còn việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đang gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng bị siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Thực tế thời gian qua, nhiều dự án cao tốc đã khó khăn để tìm ngân hàng tài trợ tín dụng.

Giả định nguồn vốn tín dụng được giải quyết, việc tăng cường vay nợ sẽ khiến áp lực nợ vay và chi phí lãi vay gia tăng đáng kể và biến động lãi suất sẽ trở thành rủi ro lớn với Công ty, bên cạnh những rủi ro khác trong thời gian dài hạn của hợp đồng BOT với thời gian thu phí kéo dài 15 - 20 năm.

Ðăng ký giao dịch trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) từ ngày 10/12/2018 với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 14.000 đồng/cổ phiếu, thị giá C4G đã nhanh chóng rơi về dưới mệnh giá.

Sau một đợt hồi phục đầu năm 2019, đà lao dốc quay trở lại và vào thời điểm thị trường tạo đáy do ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 vào cuối tháng 3/2020, thị giá C4G chỉ còn 3.600 đồng/cổ phiếu.

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu này có sự phục hồi tốt. Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/6/2020 tại 7.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng hơn 100% so với mức đáy hồi tháng 3.

Thị giá C4G tăng mạnh phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng Công ty sẽ hưởng lợi khi các dự án đầu tư công, cụ thể là các tuyến cao tốc Bắc Nam.

Tuy vậy, từ kỳ vọng đến thực tiễn sẽ còn khoảng cách rất xa với nhiều rủi ro khó đoán định, trong khi bức tranh kinh doanh hiện hữu có gam màu tối nhiều hơn sáng. Ðây là điều nhà đầu tư sẽ cần lưu ý khi đua sóng cổ phiếu này.

Tại Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có đề cập tới việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ hình thức đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công. 

Tuy nhiên, trong phiên họp chiều 1/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý phương án chuyển đổi cả 8 dự án mà chỉ nghiêng về phương án chuyển đổi 3 dự án để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc hủy kết quả sơ tuyển, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi “số ít dự án” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dù vậy, dự án nào được chuyển đổi vẫn chưa được quyết định.

Tin bài liên quan