Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chứng khoán Đại Dương, còn gì sau đại án?

(ĐTCK) Gần 3 năm kể từ khi xảy ra “đại án” tại Tập đoàn Đại Dương, Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Dương (OCS) vẫn chưa vơi gánh nặng quá khứ.

Thua lỗ trăm tỷ bởi trích lập dự phòng

OCS được thành lập tháng 12/2006, từng là tên tuổi lớn trong khối các công ty chứng khoán. Trong những năm thị trường chứng khoán khó khăn, Công ty không những duy trì doanh thu, lợi nhuận khả quan, mà còn vươn lên trở thành công ty có thị phần môi giới cổ phiếu, trái phiếu đứng thứ 4 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong quý II/2014, sau HSC, VNDS và SSI.

Sự hồi phục của thị trường sau giai đoạn khủng hoảng, trầm lắng kéo dài, sự hỗ trợ của cổ đông lớn là Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và Tập đoàn Đại Dương (OGC), khiến OCS được kỳ vọng sẽ sớm “cất cánh”. Tuy  nhiên, cuối tháng 10/2014, Chủ tịch Hội đồng quản trị OGC, ông Hà Văn Thắm bị khởi tố và sau đó, Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại. Từ đây, OCS bước vào một giai đoạn “tăm tối” nhất kể từ khi thành lập.

Cụ thể, các báo cáo kết quả kinh doanh của OCS cho thấy, sau “sự biến” năm 2014, doanh thu hoạt động của Công ty giảm mạnh từ 218 tỷ đồng trong năm 2014 xuống 71,8 tỷ đồng năm 2015 và 58,8 tỷ đồng năm 2016. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng cao, chủ yếu do trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi về giao dịch ký quỹ, khiến lợi nhuận trước thuế năm 2015 âm 89,4 tỷ đồng, năm 2016 âm 179,2 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2017, tổng giá trị các khoản cho vay của OCS là 556,13 tỷ đồng, trong đó 91,9% là cho vay giao dịch ký quỹ (margin), nhưng giá trị còn lại chỉ là 270 tỷ đồng, do phải trích lập dự phòng 286,7 tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm.

Ngoài dư nợ, 2 khoản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của OCS là tiền và tương đương tiền trị giá 81,7 tỷ đồng; tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) trị giá 33,8 tỷ đồng, hầu hết là cổ phiếu OCH. Giá trị vốn chủ sở hữu là 396,7 tỷ đồng, giảm 1/3 so với vốn điều lệ thực góp, do lỗ lũy kế lên đến 211 tỷ đồng.

OCS không thuyết minh chi tiết về thời gian của các khoản vay nên không thể xác định được rủi ro trích lập dự phòng mà Công ty còn phải đối mặt.

Tuy nhiên, một số phân tích cho rằng, áp lực trích lập dự phòng đối với OCS vẫn lớn và mục tiêu kinh doanh “thu đủ bù đắp chi phí” năm nay là thách thức lớn, dù tạm thời thoát khỏi tình trạng thua lỗ, với lợi nhuận trước thuế 2,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Bài toán tái cấu trúc chưa có lời giải

Thị trường dịch vụ chứng khoán cạnh tranh khốc liệt, tình trạng đào thải các công ty chứng khoán yếu kém diễn ra mạnh mẽ, nhưng OCS gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động, đầu tư, cũng như triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng, chủ yếu do điều kiện tài chính không cho phép.

Hệ quả, quy mô tài sản, nguồn vốn và doanh thu suy giảm, hoạt động thu hẹp, gánh nặng trích lập dự phòng bào mòn lợi nhuận, số lượng nhà đầu tư đến mở tài khoản giảm dần.

Thông tin từ OCS cho biết, tính đến 31/12/2016, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tại Công ty là 7.050 tài khoản. Lượng tài khoản mở mới trong năm 2016 là 378, bình quân mỗi ngày có 1,03 tài khoản mở mới, giảm mạnh so với mức 5,23 tài khoản/ngày trong năm 2014 và 1,57 tài khoản/ngày năm 2015. Đội ngũ nhân sự của Công ty giảm từ 111 người cuối năm 2014 xuống 91 người cuối năm 2015 và 65 người vào cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, thiếu vốn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính khi tỷ lệ an toàn vốn khả dụng cuối tháng 6/2017 của OCS là 188,2%, gần chạm mức báo động 180%. Nếu tỷ lệ này giảm xuống dưới 180%, Công ty sẽ không được cung cấp dịch vụ margin cho khách hàng theo quy định tại Nghị định 86/2016/NĐ-CP về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ margin đi kèm với giao dịch của nhà đầu tư là rất lớn, mang lại  nguồn thu chính cho OCS. 6 tháng đầu năm 2017, lãi từ các khoản cho vay, phải thu và môi giới chiếm tỷ trọng 38,8% và 34,7% trong cơ cấu doanh thu của Công ty; thu nhập từ hoạt động lưu ký và tư vấn doanh nghiệp chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Không lâu sau “sự biến” tại OGC và Ocean Bank, ngày 29/12/2014, OCS đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, thống nhất chủ trương tìm kiếm công ty chứng khoán tiềm năng để “hợp nhất, sáp nhập nhằm mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực tài chính của Công ty”. Tuy nhiên, sau gần 3 năm kể từ khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua, phương án hợp nhất, sáp nhập OCS vẫn để ngỏ, dù nội dung  này nhiều lần được nhắc lại và đưa vào nghị quyết Đại hội đồng cổ đông các năm sau đó.

Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán sôi động, nhiều công ty chứng khoán hồ hởi mở rộng hoạt động, tăng nhân sự, kết quả kinh doanh gia tăng…, thì OCS vẫn loay hoay với bài toán tiết giảm chi phí để duy trì hoạt động, thậm chí Chủ tịch và một số thành viên Hội đồng quản trị còn không nhận thù lao.

Bài toán huy động vốn của OCS xem ra cũng chưa có lời giải trong bối cảnh cổ đông lớn nhất là OGC đang loay hoay tái cơ cấu, huy động vốn từ nội bộ gặp khó khăn, cổ phiếu OCS lại chưa lên sàn để có thể gọi vốn qua thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan