Cỗ xe tăng Masan đang tiếp tục sứ mệnh phụng sự hơn 93 triệu người tiêu dùng Việt Nam với việc mới đây nhất đã động thổ nhà máy chế biến thịt mát đầu tiên tại Việt Nam có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Cỗ xe tăng Masan đang tiếp tục sứ mệnh phụng sự hơn 93 triệu người tiêu dùng Việt Nam với việc mới đây nhất đã động thổ nhà máy chế biến thịt mát đầu tiên tại Việt Nam có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Chiến lược M&A của “ông vua” ngành hàng tiêu dùng Việt

Mỗi thương vụ M&A, với Masan, như một mảnh lego, từ từ lắp ghép, hình thành nên một “cỗ xe tăng” dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam…

Trong khoảng 20 năm, từ công ty xuất khẩu mì ăn liền và gia vị, Masan đã trở thành một “đế chế” ngành hàng tiêu dùng có doanh thu hơn 2 tỷ USD/năm.

Trong chặng đường đó, Masan đã thực hiện một chiến lược M&A khôn ngoan để phát triển và dẫn đầu thị trường. Mỗi thương vụ M&A được ví như một viên gạch, một mảnh ghép xây dựng nên một cỗ “xe tăng” của ngành hàng tiêu dùng Việt Nam.

Cỗ pháo của “xe tăng Masan”

Nếu như Masan là một cỗ xe tăng Armata của Nga, thì thương vụ M&A trị giá 1,1 tỷ USD với Singha (Thái Lan) đóng vai trò như một cỗ pháo giúp Masan “tấn công” vào thị trường ASEAN rộng lớn. 

Cuối tháng 12/2015, Masan đã công bố việc ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha. Giao dịch trị giá 1,1 tỷ USD cho phép Singha sở hữu 25% cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings và 33,3% cổ phần Công ty Masan Brewery. Đây là khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Nền tảng đối tác chiến lược này cho phép Masan và Singha ngay lập tức mở rộng thị trường kinh doanh thực phẩm và đồ uống ra khu vực, với trọng tâm là các nước “In-land ASEAN” (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào) với 250 triệu người tiêu dùng.

Sau 7 tháng hợp tác và nỗ lực cùng nhau, vào tháng 9/2016, Masan và Singha chính thức giới thiệu sản phẩm nước mắm Chin-Su Yod Thong cho thị trường Thái Lan, đặt bước chân nhỏ đầu tiên phụng sự 250 triệu người In-land ASEAN.

Sự kiện này không chỉ là minh chứng cho sự hợp tác toàn diện của hai tập đoàn hàng đầu Việt Nam và Thái Lan để thiết lập nền tảng chung quy mô tầm cỡ khu vực trên thị trường In-land ASEAN, mà còn là bước chân nhỏ đầu tiên của hành trình truyền bá văn hóa ẩm thực phương Đông ra thế giới, với hương vị nước mắm là cốt lõi.

Động cơ xe tăng 2.200 mã lực mang tên KKR

Trong cỗ xe tăng Armata, Quỹ KKR đóng vai trò như một động cơ cỡ lớn 2.200 mã lực, giúp Masan có thêm nguồn động lực mở rộng ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

KKR đã hai lần đầu tư vào Masan Group và các công ty con. Năm 2011, KKR đã đầu tư 159 triệu USD vào Masan Consumer (MSC) và vào năm 2013, KKR đã đầu tư thêm 200 triệu USD, đều hướng vào ngành hàng tiêu dùng.

Vào tháng 4/2017, KKR tiếp tục đặt niềm tin vào một lĩnh vực khác để nối tiếp câu chuyện hàng tiêu dùng, vốn có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam.

Đó chính là chuỗi giá trị 3F - “từ trang trại đến bàn ăn”. KKR đã thỏa thuận đầu tư tổng cộng 250 triệu USD vào Masan và Masan Nutri-Science (MNS), đặt trọng tâm chiến lược vào xây dựng chuỗi cung ứng thịt và các sản phẩm từ thịt.

Theo đó, thỏa thuận đầu tư của KKR bao gồm 150 triệu USD đầu tư vào MNS để sở hữu 7,5% cổ phần và 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners (Đan Mạch).

“Vốn đầu tư của KKR giúp Masan tăng cường nền tảng tài chính vững chắc, từ đó thực hiện cam kết 3F với người tiêu dùng Việt Nam”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan nói.

Theo Masan, thị trường thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo có giá trị 9 tỷ USD, nhưng năng suất chăn nuôi rất thấp và chuỗi cung ứng còn manh mún (công ty dẫn đầu thị trường hiện nay chỉ chiếm 1% thị phần). Do vậy, người tiêu dùng đang phải chi trả cao hơn cho sản phẩm mình mua.

Masan tin tưởng, các chuyển đổi chiến lược này, cùng với việc áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật sẽ mang đến hiệu suất cao hơn trong chuỗi sản xuất, giúp người tiêu dùng có thể mua thịt heo sạch, an toàn, có thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc với giá cả hợp lý.

“Ống phóng lựu” PENM Partners

Nếu như Singha là “trọng pháo” tầm bắn ASEAN, thì thương vụ PENM đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng của Masan như những “ống phóng lựu” trên chiếc xe tăng.

Năm 2008, PENM đã đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng vào Masan. Năm 2016, do Quỹ PENM II hết thời hạn hoạt động nên đã thoái hết vốn tại Masan. Tuy nhiên, khoản đầu tư của PENM tại Masan là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của họ tại Việt Nam.

Tháng 12/2017, PENM Partners thông báo việc sẽ mua trên thị trường thứ cấp khoảng 2% số cổ phiếu MSN đã phát hành và niêm yết tại HOSE. Đồng thời, PENM cũng sẽ đầu tư 16 triệu USD để mua lại 0,8% vốn điều lệ của MNS từ Masan Group, với mức định giá MNS là 2 tỷ USD. PENM đồng thời sẽ bán lại số lượng cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết tại Masan Resources cho Masan Horizon (thuộc Masan), với trị giá 22,9 triệu USD.

Chiến lược M&A của “ông vua” ngành hàng tiêu dùng Việt ảnh 1

Ông Hans Christian Jacobsen, Tổng giám đốc của PENM cho biết: “Chúng tôi đặt niềm tin lớn vào chiến lược và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Masan trong ngành hàng tiêu dùng.

10 năm trước, chúng tôi đầu tư vào Masan và đã chứng kiến cách Công ty hợp nhất và nâng giá trị thị trường nước mắm và hôm nay, chúng tôi tin vào năng lực của Masan để làm điều tương tự với thị trường thịt, quy mô 9 tỷ USD, lớn hơn 30 lần so với thị trường nước mắm”.

Những mắt xích xe tăng - đồ uống

Cỗ xe tăng Masan lăn bánh, mở rộng chiến trường đã lắp ghép, tích nạp thêm các bộ phận lego mới. Điển hình như mảnh lego Vinacafé Biên Hòa.

Tháng 10/2011, MSC đã thâm nhập thị trường đồ uống thông qua thương vụ mua lại 50,3% cổ phần của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF), nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất tại Việt Nam.

Sau đó, Masan đã tăng dần cổ phần tại VCF lên 68,5%, nhằm duy trì và phát triển một thương hiệu cà phê có truyền thống lâu đời tại Việt Nam.   

Khi mua cổ phần tại các công ty, Masan xác định không đi mua doanh thu, hay lợi nhuận, mà mua nền tảng phục vụ chiến lược chung của mình.
Ngày 5/12/2017, Masan thông qua công ty con là Masan Beverage chính thức chào mua công khai toàn bộ cổ phần của VCF, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu hiện có từ 68,5% lên 100%.

Dưới sự quản lý của Masan, doanh thu của VCF từ 2.115 tỷ đồng vào năm 2012 tăng lên 3.308 tỷ đồng vào năm 2016 (với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép đạt 11,8%), biên lợi nhuận gộp cũng tăng tương ứng từ 27,6% lên 36,2%.

Việc tăng sở hữu tại VCF có ý nghĩa quan trọng, vì Masan tin rằng, cà phê và các sản phẩm từ cà phê sẽ là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển ngành hàng đồ uống và tạo ra “giá trị gia tăng” cao cho ngành cà phê của Việt Nam.

Thay vì chỉ sản xuất và xuất khẩu cà phê vốn có giá trị gia tăng thấp, VCF có cơ hội tạo dựng những thương hiệu mạnh trong ngành đồ uống, qua đó tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm cà phê Việt Nam. 

Trong khi đó, các “mắt xích” đồ uống khác như thương vụ M&A với Vĩnh Hảo và Quang Hanh cũng làm cho hệ thống đồ uống của Masan thêm vững chắc.

“Hộp tiếp đạn” - VISSAN

Trong cỗ xe tăng Masan, mảng sản phẩm thịt như những khẩu phóng lựu thì thương vụ với Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) sẽ là “hộp tiếp đạn”, chuyên sản xuất các sản phẩm từ chuỗi chăn nuôi cho Masan.

Tháng 3/2016, bằng việc giành được quyền mua 14% cổ phần của VISSAN với giá 126.000 đồng/cổ phiếu, MNS sở hữu thương hiệu thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất Việt Nam, và với việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty này thông qua công ty con ANCO, MNS đang nắm trong tay những mảnh ghép để hoàn thiện nền tảng 3F (Feed - Farm - Food). Hiện tỷ lệ sở hữu gián tiếp tại VISSAN của MNS là 24,9%.

Cũng như thế, việc đấu giá thành công quyền mua cổ phần từ Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) mới đây là bước đi vô cùng quan trọng. Sau phiên đấu giá cân não, Masan đã giữ được một thương hiệu Việt được yêu mến cho người Việt Nam, thay vì để nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.

M&A - công cụ thực hiện chiến lược của Masan

Trong quá trình “lắp ráp” những mảnh lego để trở thành một cỗ xe tăng Masan mạnh và sáng (tên viết tắt của Masan có ý nghĩa “Mạnh và Sáng trên dải đất hình chữ S”), còn nhiều mảnh ghép khác nữa mà khuôn khổ bài viết này không thể kể ra hết được.

Mỗi mảnh ghép lego là một phần hình thành nên Masan hôm nay. Và trong hành trình đó, M&A chỉ là một phương thức phát triển, chứ không phải là mục tiêu.

Bởi vậy, M&A chỉ là công cụ để thực hiện tầm nhìn của Masan trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu, hay lợi nhuận cho mục đích ngắn hạn, mà mua nền tảng phục vụ chiến lược chung của Masan.

“Chúng tôi không mua một công ty, một nhà máy, mà mua một nền tảng tốt theo tầm nhìn để cộng hưởng với lợi thế có sẵn của Masan tạo ra nhiều giá trị hơn cho người tiêu dùng, từ đó tạo thêm sự tăng trưởng tốt hơn của chính công ty mình mua về”, ông Danny Lê, Giám đốc cao cấp Phát triển và Chiến lược của Masan cho biết.

Cỗ xe tăng Masan đang tiếp tục sứ mệnh phụng sự hơn 93 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Trong hành trình đó, chắc chắn rằng, M&A tiếp tục là những mảnh ghép quan trọng giúp Masan thực hiện sứ mệnh, mục tiêu của mình.

Tin bài liên quan