Chỉ còn 57% doanh nghiệp hoạt động, phần còn lại đang làm sao?

Chỉ còn 57% doanh nghiệp hoạt động, phần còn lại đang làm sao?

(ĐTCK) Quyền lợi cổ đông, hậu kiểm và danh mục ngành nghề hạn chế kinh doanh, cấm kinh doanh là những vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, yêu cầu làm rõ trong Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Có những con số ấn tượng đến mức "không hề muốn" để chứng minh cho những kiến nghị.
Về quyền lợi cổ đông, đại biểu La Ngọc Thoáng (Lạng Sơn) cho rằng, với quy định hiện tại thì bất lợi vẫn rơi vào nhà đầu tư nhỏ. Để khuyến khích mọi người yêu tâm bỏ vốn đầu tư, đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung.

Thứ nhất là thống nhất quy định về nguyên tắc bầu dồn phiếu, bỏ quy định cho phép điều lệ công ty có thể quy định nguyên tắc bầu bán khác. “Nên quy định Điều lệ phải ghi rõ là bầu theo số đông hoặc là bầu dồn phiếu lựa chọn phương án do ĐHCĐ quyết định” - đại biểu La Ngọc Thoáng nói.

Hình thức bầu dồn phiếu tuy cách tính phức tạp nhưng là cách tính duy nhất để cổ đông nhỏ có đại diện trong HĐQT, BKS.

Thứ hai là phải có quy định cụ thể về minh bạch thông tin trong nội bộ và từ bên ngoài. Thực tế, nhiều DN công bố báo cáo chuẩn mực và được kiểm toán từ kiểm toán độc lập uy tín nhưng vẫn gặp khủng hoảng và sụp đổ.

Dự thảo luật bổ sung nhiều quy định minh bạch thông tin, từ đó xác định trách nhiệm của những người quản lý DN, nhưng quy định như vậy chưa đủ sức ngăn chặn các giao dịch tư lợi liên quan đến thiểu số quản lý công ty. Cần có quy định xác định cụ thể đối tượng thuộc diện các bên có liên quan, cơ chế quản lý, cách thức tập hợp lưu trữ quản lý hồ sơ về các bên có liên quan... Quy định điều kiện cụ thể tránh giao dịch tư liệu.

Về cơ bản, ý kiến các đại biểu đồng tình với các quy định sửa đổi, bổ sung của Luật Doanh nghiệp, đặc biệt là sự thay đổi không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy đăng ký kinh doanh trừ ngành nghề có điều kiện.

Quy định này được các đại biểu đánh giá là đảm bảo quyền kinh doanh trong Hiến pháp: “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần phải có hướng, giải pháp tránh cho nguyên tắc bị vô hiệu hóa trong các văn bản hướng dẫn, trong luật chuyên ngành.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch VCCI nhận xét, cách đây 10 năm, khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành đã ghi nhận nguyên tắc tự do kinh doanh, nhưng thực tế thi hành thì sao? Các luật chuyên ngành, các văn bản hướng dẫn đã hạn chế quyền tự do này khi quy định rất nhiều điều kiện, hạn chế với ngành nghề kinh doanh.

Do đó, đại biểu cho rằng, nếu dẫn chiếu thực hiện các luật chuyên ngành khi luật chuyên ngành có quy định khác với Luật DN thì có thể vô hiệu hóa nguyên tắc tự do kinh doanh.

“Nếu luật chuyên ngành quy định hạn chế hơn Luật DN thì sao? Cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh trong các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn” – đại biểu Lộc nêu ý kiến.

Cũng liên quan quyền tự do kinh doanh, với ngành nghề bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để đảm bảo danh mục ngành nghề bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, không nên để cấp Chính phủ, bởi sửa đổi không dễ mà chỉ nên để cấp Bộ, giao cho Bộ Kế hoạch và đầu tư để có thể cập nhật thường xuyên.

Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị, về ngành nghề kinh doanh bị cấm hoặc có điều kiện nên cụ thể hóa ngay trong dự thảo luật. Nếu giao cho Chính phủ để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với thực tiễn thì cần phải có nguyên tắc xác định ngành nghề hạn chế hoặc cấm.

Một nội dung khác được nhiều đại biểu góp ý là hậu kiểm. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) chỉ ra số liệu của Tổng cục Thống kê vào năm 2005, khi ban hành Luật Doanh nghiệp cho thấy, chúng ta có gần 200.000 doanh nghiệp. Đến 2013 có 600.000 doanh nghiệp.Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hơn 356.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tương đương với 57%. Phần còn lại đang ra sao, như thế nào? Có một số ngừng hoạt động, chờ giải thể, chờ phá sản, chờ cơ hội hoặc đang hoạt động mà Nhà nước không kiểm soát được.

Do đó, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân tham gia thị trường, thì cũng cần tăng cường kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký. Làm rõ quy định về khâu hậu kiểm, phối hợp ban ngành liên quan, hậu kiểm không chỉ nâng cao quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, đảm bảo tuân thủ pháp luật mà còn có ý nghĩa phân tích đánh giá những vấn đề hạn chế để có sửa đổi phù hợp thực tiễn.

Tương tự nhiều đại biểu khác như đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)... đều nhấn mạnh yêu cầu hậu kiểm, làm rõ các biện pháp hậu kiểm.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị bổ sung ngay trong luật này quy định về hậu kiểm và cần một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm hậu kiểm, hạn chế doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong kinh doanh.

Mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. 
Tin bài liên quan