Dù sở hữu mạng lưới hơn 100.000 điểm bán trên cả nước, nhưng Sabeco đang phải tính toán lại chiến lược phân phối.

Dù sở hữu mạng lưới hơn 100.000 điểm bán trên cả nước, nhưng Sabeco đang phải tính toán lại chiến lược phân phối.

Câu hỏi với Sabeco (SAB) khi thành quả bị “thổi bay”

Từ chỗ doanh thu cao, lợi nhuận “khủng”, cổ phiếu được săn đón, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang phải đối mặt với các kịch bản giảm tăng trưởng, vốn hóa bốc hơi gần một nửa và nỗ lực vực dậy doanh số từ kênh cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Thành quả bị “thổi bay”

Chỉ tay vào chiếc tủ lạnh màu đỏ sậm, có in thương hiệu Sabeco, chị Dung, chủ tiệm tạp hóa trên đường Bùi Văn Thêm (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, đó là “quà” hỗ trợ của Công ty Sabeco từ khi Covid-19 bùng phát.

Ngoài việc cho mượn tủ lạnh, như cách mà đối thủ Heneiken đã triển khai, Sabeco còn hỗ trợ 400.000 đồng tiền điện/tháng cho các cửa hàng tạp hóa như của chị Dung. Sabeco áp dụng chính sách này và thưởng doanh số đối với điểm tạp hóa đạt 100 thùng/tháng, thấp hơn khoảng 3 lần so với các đối thủ cùng ngành.

Đây là động thái nằm trong nỗ lực của Sabeco nhằm vực dậy doanh số trước tác động nặng nề của Covid-19. Trước đó, mức tiêu thụ của Công ty cũng bị suy giảm đáng kể bởi chế tài xử phạt nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Trong một nghiên cứu công bố tháng 2/2020, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, 2020 là năm đầy thử thách của Sabeco. Dù đánh giá cao chiến lược cải tổ của Sabeco trong năm 2019, nhưng trong 5 kịch bản tăng trưởng mà BVSC đưa ra, có đến 3 kịch bản khiến các nhà đầu tư khó có thể yên lòng.

Theo đó, kịch bản tốt nhất là sản lượng bia tiêu thụ tăng 5%, tương đương doanh thu và lợi nhuận đạt hơn 40.000 tỷ đồng và hơn 5.700 tỷ đồng.

Bốn kịch bản còn lại là không tăng trưởng cho đến giảm. Trong đó, kịch bản xấu nhất là sản lượng tiêu thụ giảm 20%, doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt hơn 31.000 tỷ đồng và hơn 4.000 tỷ đổng, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Điều đáng nói là, chỉ 2 tháng trước, vào cuối năm 2019, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu Sabeco (SAB, sàn HoSE) do dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Sabeco năm 2020 đạt hơn 42.600 tỷ đồng (tăng 9,4%) và 6.200 tỷ đồng (tăng 18%).

Câu hỏi với Sabeco (SAB) khi thành quả bị “thổi bay” ảnh 1

Khuyến nghị này cũng không phải là không có cơ sở.

Sau hai năm về tay người Thái, năm 2019, Sabeco tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Theo báo cáo của BVSC, tổng doanh thu thuần năm 2019 của Sabeco đạt 37.899 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (cổ đông công ty mẹ) đạt 5.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,4% và 21% so với  năm 2018.

Kết quả kinh doanh này có được nhờ việc tăng giá bán vào tháng 9/2019 từ 5 - 15% tùy dòng và tăng sản lượng 5% so với năm 2018. Trong khi đó, chi phí hoạt động của Công ty được cắt giảm nhờ vào các chiến lược cải tổ mạnh mẽ như tổ chức đấu thầu chọn 5 công ty vận chuyển (trước đây chỉ có 1 công ty) từ tháng 4/2019 và áp dụng chế độ lương, thưởng mới  để nâng cao năng suất làm việc.

Cũng nhờ chiến lược cải tổ hiệu quả, cùng với giá nguyên liệu chính như lúa mạch thời điểm cuối năm 2019 có dấu hiệu giảm, mà cổ phiếu Sabeco được các công ty chứng khoán đánh giá cao.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình đã thay đổi. Theo BVSC, kết quả kinh doanh của Sabeco đang chịu tác động kép từ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và đại dịch Covid-19, khiến khách hàng không đến quán bia, quán ăn, trong khi đây là kênh chiếm đến 70% sản lượng bia tiêu thụ ở thị trường Việt Nam (nghiên cứu của Euro Monitor).

Một vấn đề khác cũng đang được đưa lên bàn thảo luận là khả năng thiếu nguyên liệu. Lúa mạch và hoa bia là hai nguyên liệu không thể thay thế trong quá trình sản xuất bia và đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Sabeco. Song, cả hai nguyên liệu này đều không thể sản xuất tại Việt Nam, mà phải nhập khẩu chủ yếu từ châu Âu. Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19 ở châu Âu, khả năng đảm bảo nguyên liệu nhập khẩu của Sabeco vẫn đang bỏ ngỏ.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, dù các nước trong Liên minh châu Âu (EU) không ngăn chặn hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng chính sách kiểm soát chặt xuất nhập cảnh, di chuyển của các cá nhân có thể làm chậm trễ dòng chảy thương mại và dịch vụ, lưu thông hàng hóa trong thời gian tới.

Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin gì về việc nhập nguyên liệu của Sabeco. Đại diện Công ty cũng từ chối bình luận về các kịch bản tăng trưởng năm 2020 cũng như khả năng thiếu nguyên liệu sản xuất bia.

Trước đó, giá đóng cửa vào ngày 26/12/2019 của cổ phiếu SAB là 233.200 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm này, SAB chỉ còn giao dịch ở mức 123.000 đồng/cổ phiếu.

Cuối năm 2017, ThaiBev mua 53,59% cổ phần Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị gần 5 tỷ USD. Sau hơn 2 năm, gần một nửa giá trị thương vụ đầu tư vào Sabeco của ThaiBev đã bị “thổi bay”.

Hết dịch vẫn chưa yên tâm

Công bằng mà nói, không chỉ với Sabeco, mà Covid-19 đang tác động tiêu cực lên hầu hết lĩnh vực kinh doanh.

Đến nay, dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, lan tới 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch trên toàn quốc.

Các kịch bản lạc quan nhất cũng dự đoán rằng, phải mất ít nhất 2 - 3 tháng nữa, dịch bệnh mới có thể kiểm soát hoàn toàn.

Vì vậy, dù muốn hay không, các nhà đầu tư của Sabeco cũng phải lưu tâm tới các kịch bản tăng trưởng âm mà BVSC đưa ra hồi đầu tháng 2. Nhưng, kể cả khi dịch bệnh đi qua, Sabeco vẫn phải đối mặt với rào cản lớn nhất của mình: lá gan của người tiêu dùng.

Đây cũng chính là lý do, từ năm 2016, Công ty Chứng khoán FPT đã đưa ra cảnh báo: cổ phiếu Sabeco không thực sự hấp dẫn trong thời gian dài.

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2014, số lượng bệnh nhân mắc ung thư gan ở Việt Nam lên tới hơn 700.000 người, cao nhất trong số 17 nhóm bệnh ung thư. Mỗi năm, có 65.000 người tử vong, hơn 80.000 người mắc bệnh mới, chủ yếu do tiêu thụ rượu, bia thiếu kiểm soát.

WHO dự báo, đến năm 2030, sẽ có hơn 850.000 người ở Việt Nam bị ung thư gan và con số còn tăng lên nếu không có các động thái kiểm soát.

Về phía người dùng, ảnh hưởng của truyền thông về tác hại của rượu, bia tới ung thư gan sẽ khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sang các đồ uống có lợi cho sức khỏe.

Sabeco đang đầu tư nâng công suất 3 công ty là Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Bia Sài Gòn - Củ Chi và Bia Sài Gòn - Sóc Trăng. Dù không công bố năng lực sản xuất cụ thể, nhưng dự đoán, năng suất của Sabeco ít nhất đạt 2 tỷ lít bia/năm.

Năng lực sản xuất bia hàng đầu, cùng việc sở hữu hơn 60% thị phần bia phổ thông từng là điểm mạnh của Sabeco, nhưng có thể, điểm mạnh này sẽ phần nào suy yếu trước những chế tài nghiêm khắc (như Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) và xu hướng tiêu dùng mới.

Ý thức được điều đó, Sabeco phát triển cùng lúc các dòng sản phẩm ở phân khúc trung cấp và tìm kiếm kênh phân phối thay thế cho kênh chủ lực là quán ăn, nhà hàng đang bị tê liệt vì dịch bệnh.

Từ quý IV/2018, Sabeco đã đẩy mạnh các chương trình tăng cường độ phủ tại các thành phố lớn từ Nam ra Bắc thông qua Dự án “Project Street Light” (đầu tư các biển đèn kèm thương hiệu của Công ty). Song song đó, Sabeco khởi động lại thương hiệu Bia Sài Gòn với mẫu mã mới cho Lager, Export và Special.

Bia cao cấp vốn chỉ chiếm 9% trong cơ cấu doanh thu của Sabeco. Từ năm 2014, Công ty đã tìm cách gia nhập thị trường này với sự ra mắt của thương hiệu Sài Gòn Gold, nhưng không mấy thành công.

Sabeco kỳ vọng, kinh nghiệm vận hành của ThaiBev sẽ mang đến những bước ngoặt mới. Tuy nhiên, trong khi đối thủ trực tiếp là Heneiken đã ra mắt dòng bia không độ, thì Sabeco vẫn chưa có động thái nào rõ rệt.

Đối với việc phát triển điểm bán, tính đến nay, Sabeco đang nắm trong tay mạng lưới phân phối hơn 100.000 điểm bán trải dài khắp cả nước. Trước sự tê liệt của hệ thống quán ăn, nhà hàng, mạng lưới này đang chuyển sự ảnh hưởng sang hai kênh còn lại là cửa hàng tiện lợi và tạp hóa truyền thống.

Khảo sát thực tế cho thấy, sự xuất hiện của Sabeco tại các cửa hàng tiện lợi vẫn còn khá khiêm tốn, các dòng sản phẩm của Công ty mờ nhạt so với các sản phẩm đa dạng của đối thủ.

Như vậy, tạp hóa truyền thống hiện vẫn là kênh phân phối trọng tâm của Sabeco với khoảng 1,4 triệu cửa hàng trên toàn quốc, đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân (theo Nielsen và Kantar World Panel, năm 2019).

Tin bài liên quan