Camimex Group (CMX): Bất thường bức tranh tài chính

Camimex Group (CMX): Bất thường bức tranh tài chính

(ĐTCK) Công ty cổ phần Camimex Group (CMX) có nhiều điểm bất thường trong bức tranh tài chính, nhất là sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán. 

Nghi vấn “thổi phồng” lợi nhuận trước tăng vốn

Theo báo cáo tài chính 2019 tự lập, lợi nhuận của CMX tăng cao, giúp giá cổ phiếu tăng vọt và Công ty huy động vốn thành công, nhưng báo cáo kiểm toán lại công bố, lợi nhuận giảm chỉ còn một nửa.

Cụ thể, doanh thu của CMX tăng 2,2 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, nhưng giá vốn bị điều chỉnh tăng 15,8 tỷ đồng do tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho, khiến lợi nhuận gộp giảm từ 214,3 tỷ đồng về 200,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, khoản mục chi phí quản lý bị điều chỉnh tăng từ 45,7 tỷ đồng lên 49,3 tỷ đồng. Ðáng kể nhất là khoản doanh thu tài chính giảm từ 54,7 tỷ đồng về 6 tỷ đồng, khi toàn bộ phần cổ tức, lợi nhuận được chia giá trị 49,9 tỷ đồng trên báo cáo tự lập không còn được ghi nhận.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế giảm từ 140,4 tỷ đồng trước kiểm toán xuống 77,8 tỷ đồng sau kiểm toán; chuyển từ tăng 73,8% so với năm 2018 sang giảm 3,8%. Ðặc biệt, phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 71% so với báo cáo tự lập, chỉ còn 41,1 tỷ đồng và giảm 49% so với năm 2018.

Lợi nhuận trong báo cáo tự lập ở mức cao so với báo cáo kiểm toán, đặc biệt là phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ - tức phần lợi ích thực sự mà cổ đông CMX nhận được, trong bối cảnh công ty này triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu huy động vốn cổ phần, khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ con số lãi lớn trong báo cáo tự lập được “thổi phồng” có chủ đích.

Trước đó, tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên tháng 3/2019, CMX đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 132 lên 264 tỷ đồng, bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ quyền mua là 1:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Kế hoạch tăng vốn được đưa ra trong bối cảnh sau gần 7 năm cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí thường xuyên dưới mức 5.000 đồng/cổ phiếu, nhưng từ tháng 9/2018, thị giá CMX bất ngờ tăng vọt và đến thời điểm Ðại hội đồng cổ đông 2019 đạt trên 20.000 đồng/cổ phiếu.

Ðến tháng 9/2019, khi Hội đồng quản trị CMX thông qua nghị quyết triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thị giá cổ phiếu chạm mức 34.000 đồng/cổ phiếu, trước khi bước vào đợt điều chỉnh mạnh và mất đi gần 60% giá trị chỉ trong quý IV/2019.

Hiện tượng tăng giá quay trở lại khi CMX công bố báo cáo tài chính 2019 tự lập với lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2018. Cổ phiếu lập tức tăng trần 7 phiên liên tiếp, với tổng mức tăng 58,6%. Sau nhịp tăng này, đến ngày 12/2/2020, CMX chốt danh sách cổ đông để tăng vốn.

Sau khi Công ty phát hành thành công mới công bố báo cáo kiểm toán 2019.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm mạnh

Năm 2019, CMX đạt 951,1 tỷ đồng doanh thu, giảm 10,5% so với năm 2018. Nguyên nhân là do giá bán bình quân giảm khiến giá trị xuất khẩu giảm từ 43,8 triệu USD về 39,5 triệu USD, dù sản lượng xuất khẩu tăng nhẹ.

Doanh thu giảm nhưng giá vốn giảm mạnh hơn, chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu giảm, giúp lợi nhuận gộp của CMX gia tăng.

Tuy vậy, việc hàng loạt chi phí như chi bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận năm 2019 giảm so với năm 2018, dù ghi nhận một khoản thu nhập khác lên đến 23 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh, CMX thực hiện vượt 1,12% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành 92,4% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế. Thực tế, đây là kế hoạch kinh doanh điều chỉnh, được HÐQT CMX thông qua vào cuối tháng 11/2019, khi chỉ còn hơn 1 tháng là kết thúc năm tài chính.

Trong lần điều chỉnh này, CMX giảm 64,35% mục tiêu doanh thu so với kế hoạch được Ðại hội đồng cổ đông thông qua, từ 2.637,3 tỷ đồng xuống 940 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 53,3%, từ 214,16 tỷ đồng xuống 100 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 54,71%, từ 198,74 tỷ đồng xuống 90 tỷ đồng.

Ðáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm mạnh, trong khi phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát tăng từ 47 triệu đồng năm 2018 lên 36,6 tỷ đồng năm 2019.

Nội dung này chỉ xuất hiện trong báo cáo kiểm toán và nguyên nhân được đánh giá là do tỷ lệ sở hữu của CMX tại các công ty con giảm.

Cụ thể, tại Công ty cổ phần Camimex (tên cũ là Công ty TNHH Camimex), tỷ lệ sở hữu của CMX giảm từ 99,99% xuống 75,09% khi công ty này chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần và phát hành tăng vốn từ 416,8 tỷ đồng lên 555 tỷ đồng nhưng công ty mẹ không tham gia.

Tại Công ty cổ phần Camimex Organic (tên cũ là Công ty TNHH MTV Sản xuất tôm giống sinh thái - Camimex), tỷ lệ sở hữu của CMX giảm từ 100% xuống 81,1%, với nguyên nhân tương tự.

Trong khi đó, Camimex là đơn vị kinh doanh hiệu quả, đạt 918,3 tỷ đồng doanh thu là 77,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2019.

Tồn kho và khoản phải thu cao

Tính đến cuối năm 2019, hàng tồn kho của CMX có giá trị 610,8 tỷ đồng, tăng 45,4% so với đầu năm, trong đó 98% là tồn kho thành phẩm (tôm) và đã phải trích lập dự phòng giảm giá 30 tỷ đồng.

Khoản phải thu tăng gần gấp đôi, từ 163,9 tỷ đồng lên 323,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng khoản trả trước cho người bán ngắn hạn. Tổng 2 khoản mục này chiếm 63,5% tổng tài sản của CMX.

Phải thu và tồn kho tăng mạnh có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, như doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền. Mặc dù khoản phải trả người bán của CMX tăng từ 286,5 tỷ đồng lên 339,6 tỷ đồng, nhưng chưa đủ bù đắp phần vốn lưu động bị hút vào hàng tồn kho và phải thu.

Trong bối cảnh CMX phải dành thêm 161 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư vào tài sản cố định trong năm qua, vay nợ của Công ty tăng 291 tỷ đồng, khiến chi phí lãi vay tăng 36%.

Hệ quả tiếp theo là nguy cơ trích lập các khoản dự phòng. Ðối với hàng tồn kho còn là tốn kém chi phí tồn trữ, bởi thành phẩm thủy sản là mặt hàng dễ hư hỏng, phải bảo quản trong kho lạnh và thời gian tồn trữ có hạn.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 cho thấy, hàng tồn kho của CMX tăng từ 610,8 tỷ đồng lên 657,7 tỷ đồng; giá trị các khoản phải thu tăng 47,4%, lên 476,7 tỷ đồng. Hai khoản mục này chiếm 68,5% tổng tài sản.

Theo lãnh đạo CMX, tồn kho cao mà có hợp đồng đầu ra đã ký lớn, sẵn sàng giao hàng như cam kết với khách hàng thì đây là "mỏ vàng" của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với khoảng 95% doanh thu đến từ xuất khẩu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường châu Âu (chiếm 58,7% doanh thu xuất khẩu năm 2019), sức mua của khách hàng giảm sút, dòng tiền của đối tác gặp khó khăn và thị trường đã qua mùa cao điểm Giáng sinh và năm mới, CMX khó tránh khỏi áp lực phải giải tỏa hàng tồn kho cũng như thu hồi các khoản phải thu.

Nhìn lại quá khứ, một số doanh nghiệp thủy sản đầu ngành bất ngờ tụt dốc, báo lỗ lớn, thậm chí âm vốn điều lệ, hủy niêm yết khi chịu tổn thất về tồn kho và phải thu như Công ty cổ phần Việt An (AVF), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF).

Về dòng tiền, CMX vừa hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu thu về hơn 132 tỷ đồng trước thời điểm lập báo cáo tài chính quý I/2020 và công ty con Camimex phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với lãi suất 11,5%/năm, nhưng số dư tiền và tiền gửi các loại trên báo cáo hợp nhất đến cuối quý lại giảm 61% so với đầu năm, chỉ còn 15,4 tỷ đồng, trong khi vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 651,7 tỷ đồng.

Tin bài liên quan