BMP: gặp “hạn” nhưng vẫn khoẻ

BMP: gặp “hạn” nhưng vẫn khoẻ

(ĐTCK) Năm 2013, nhiều sự cố cả khách quan lẫn chủ quan xảy ra với CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), tưởng rằng có thể làm doanh nghiệp nhựa hàng đầu này quỵ ngã, nhưng BMP đã bước qua “năm hạn” này một cách vững vàng.

Sự cố lớn nhất xảy ra vào ngày 11/10/2013 khi Cục Thuế TP. HCM ra quyết định truy thu 75 tỷ đồng tiền thuế, đồng thời phạt hơn 34,6 tỷ đồng do chậm nộp tiền thuế và phạt gần 7,5 tỷ đồng do kê khai sai dẫn đến thiếu thuế. Tổng số tiền là hơn 117 tỷ đồng.

Đây là vấn đề rủi ro chính sách do cách xác định thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và niêm yết lần đầu trong giai đoạn 2004 - 2008. BMP cho rằng, Công ty không gian lận và cũng không vi phạm các quy định về thuế.

Hiện nay, BMP vẫn đang trong quá trình khiếu nại quyết định của cơ quan thuế. Cổ đông lớn đại diện phần vốn Nhà nước tại BMP là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đề nghị xem xét và xác định lại nghĩa vụ thuế của BMP.

Sự cố lớn thứ hai đó là Nhựa Đức Thành, một trong năm đại lý lớn của BMP, thiếu nợ và không có khả năng thanh toán số tiền lên đến 35,5 tỷ đồng. BMP đã khởi kiện đại lý này, đồng thời dốc toàn lực để rà soát lại chính sách cấp hạn mức cho khách hàng, kiểm tra tính pháp lý và định giá lại tài sản thế chấp, tư vấn luật sư soạn lại các hợp đồng đại lý…, nhằm ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.

Thứ ba, việc đầu tư vào CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) của BMP không suôn sẻ. BMP đã quyết định dừng mua thêm cổ phiếu của công ty này, vì sau khi tham quan và đánh giá lại, BMP nhận thấy nhà xưởng, danh mục sản phẩm, hệ thống phân phối… của DPC không được như kỳ vọng. Trước đây, BMP từng nuôi ý định đầu tư vào DPC, muốn DPC trở thành một cứ điểm sản xuất tại khu vực miền Trung nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển, đồng thời qua đó chiếm thị phần các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…

Bên cạnh đó, ngành vật liệu xây dựng nói chung trong năm qua vẫn còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, BMP còn chịu sự cạnh tranh gay gắt với CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). NTP đã nâng mức hoa hồng chi cho các đại lý nhằm “tấn công” thị trường phía Nam và cản bước tiến của BMP ra miền Bắc.

Trước một chuỗi sự cố nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc BMP thừa nhận, năm 2013 là “năm hạn” của BMP. Tuy nhiên, BMP vẫn vững vàng, tiếp tục thực thi những mục tiêu phát triển bền vững.

Thị phần của BMP tại khu vực phía Bắc vẫn tăng, dù gặp nhiều khó khăn do có sự cạnh tranh gay gắt. Công ty còn tăng được thị phần ở những khu vực như Côn Đảo, Quảng Nam, Miền Tây… Doanh thu và sản lượng của BMP đến hết tháng 10/2013 đều tăng trên 10%. Về lợi nhuận, BMP cho biết, đảm bảo tương đương cùng kỳ năm trước. Đây là những kết quả đáng khích lệ mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được khi rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Năm 2014, ngay từ đầu năm BMP đã đạt được thoả thuận với Nhựa Đức Thành về việc giải quyết số nợ 35,5 tỷ đồng nêu trên. Theo đó, Nhựa Đức Thành sẽ trả khoản tiền này cho BMP trong vòng 5 năm vào thời điểm cuối năm, mỗi năm 7 tỷ đồng cộng với lãi suất 9%/năm, riêng kỳ cuối cùng là 7,5 tỷ đồng cộng với tiền lãi trên số tiền này. Như vậy, tổng cộng sau 5 năm, số tiền Nhựa Đức Thành phải trả cho BMP là hơn 45 tỷ đồng.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2014 do Ban điều hành trình HĐQT BMP, năm nay, Công ty sẽ không phát triển khách hàng ồ ạt về số lượng, mà tập trung ở những địa bàn còn yếu như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tom, Pleiku, Buôn Mê Thuột. Công ty cũng dự định dành thêm chi phí để chăm sóc các khách hàng hiện tại. Lãnh đạo BMP chia sẻ, Công ty sẽ cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng theo kỳ vọng của các cổ đông.   

Tin bài liên quan