Bến xe miền Tây dành gần 130 tỷ đồng chia cổ tức

Bến xe miền Tây dành gần 130 tỷ đồng chia cổ tức

Tổng số tiền dành để chia cổ tức năm 2019 của Công ty cổ phần bến xe miền Tây (mã: WCS) gấp gần 2 lần mức lãi của Công ty.

Hiện, cổ đông Nhà nước sở hữu 51% vốn tại Công ty cổ phần bến xe miền Tây (mã: WCS) và phần còn lại thuộc về cán bộ nhân viên, nhà đầu tư khác. 

Năm 2019, bến xe miền Tây ghi nhận tổng doanh thu đạt 156,6 tỷ đồng (tăng gần 2% so với kế hoạch năm 2019).

Từ lợi nhuận sau thuế đạt 68,6 tỷ đồng, bến xe miền Tây trích 20% cho quỹ đầu tư phát triển (hơn 13,7 tỷ đồng), quỹ khen thưởng cho người quản lý công ty là 321 triệu đồng và gần 11 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động.

Ngoài ra, doanh nghiệp này chi 129 tỷ đồng tiền cổ tức cho cổ đông (tương đương 516%, mỗi cổ phiếu nhận 51.600 đồng), theo 2 đợt vào 31/07 và 01/10/2020.

Tính đến cuối năm 2019, bến xe miền Tây có 183 lao động, với tiền lương bình quân mỗi tháng là 20,4 triệu đồng/ người và ban lãnh đạo Công ty kỳ vọng sẽ tăng 2,1% trong năm nay (khoảng 22,6 triệu đồng).

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT công ty là cá nhân được ủy quyền từ cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Cơ khí giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) với gần 1,3 triệu cổ phần cho biết, Công ty đã cho SAMCO vay 30 tỷ đồng từ tháng 01 đến tháng 03/2019 và thu về khoản lãi 3 tháng là 471,5 triệu đồng. 

Trong năm 2019, doanh nghiệp này còn gửi tiền tiết kiệm tại một số ngân hàng và thu về số lãi hơn 18,6 tỷ đồng.  

Bến xe miền Tây dành gần 130 tỷ đồng chia cổ tức ảnh 1

Một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 của bến xe miền Tây.

Do ảnh hưởng chung từ đại dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của bến xe miền Tây suy giảm mạnh như trong tháng 05/2020, lượng khách bình quân qua bến là 19.000 khách/ngày, chỉ bằng 60% so với ngày thường trong năm 2019. 

Cùng với đó, bình quân số xe xuất bến chỉ bằng 70% năm ngoái, với 960 xe/ngày. 

Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Tổng giám đốc Công ty đưa ra một số thách thức cạnh tranh trên thị trường như các loại hình vận tải cạnh tranh không lành mạnh, xe dù, bến cóc; các phương tiện vận tải hoạt động như tuyến cố định nhưng lách luật dưới hình thức xe hợp đồng.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại hình vận tải ứng dụng công nghệ cũng như các cơ quan quản lý cho xe khách hoạt động từ địa phương vào sân bay Tân Sơn Nhất (xem sân bay như bến xe) đã và đang ra không ít thách thức cho hoạt động của các đơn vị vận tải hoạt động tại bến xe miền Tây. 

Năm nay, doanh nghiệp này sẽ dành khoảng gần 24 tỷ đồng đầu tư vào các dự án, cải tạo mặt bằng khu vực đậu xe qua đêm, lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời, mua thêm xe ô tô,…

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của bến xe miền Tây được tổ chức sáng nay tại TP.HCM đã thông qua tất cả các tờ trình như tài liệu đã công bố.

Tin bài liên quan