Becamex IJC, dấu hỏi sau kết quả kinh doanh đột biến

Becamex IJC, dấu hỏi sau kết quả kinh doanh đột biến

(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý II/2017 của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC - MCK: IJC), doanh thu và lợi nhuận của Công ty tăng đột biến 152% và 856% so với cùng kỳ. Kết quả này gây bất ngờ với các cổ đông và nhà đầu tư không chỉ bởi tăng "sốc", mà bởi đóng góp chính lại đến từ mảng kinh doanh bất động sản, vốn không được IJC kỳ vọng trước đó.

Doanh thu và lợi nhuận khủng vì đâu?

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017 của IJC, kết thúc quý II/2017, đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 333 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ năm trước.

Với giá vốn hàng bán chỉ tăng 111%, đạt 163 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp tăng 209%, đạt 170,5 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng tăng 31% so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính chỉ tăng 28,7%, giúp tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của IJC đạt 113,9 tỷ đồng trong quý II/2017, tăng 856% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng lưu ý nhất trong sự tăng trưởng nổi bật của IJC trong quý II/2017 chính là việc doanh thu kinh doanh bất động sản bất ngờ tăng vọt từ 16,3 tỷ đồng trong quý II/2016, lên hơn 176,1 tỷ đồng (tăng gần 10 lần), trong khi các khoản doanh thu khác như doanh thu bán vé cầu đường, doanh thu hợp đồng xây dựng, hay doanh thu dịch vụ khác chỉ tăng nhẹ.

Còn nhớ, tại Đại hồi đồng cổ đông diễn ra từ hồi đầu năm, IJC đã hạ mục tiêu doanh thu xuống còn mức 256 tỷ đồng, giảm tới 82% so với với năm 2016. Lý do là vì IJC không còn khoản doanh thu đột biến nhờ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất Khu đô thị IJC lại cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp nhằm mục đích giảm vốn điều lệ hoàn trả vốn góp cho cổ đông công ty như trước.

Trong năm 2017, hai dự án được IJC lưu tâm triển khai hoạt động khảo sát và tiếp thị là Khu đô thị IJC thành phố mới Bình Dương và Chung cư IJC Aroma. Ngoài ra, theo Ban lãnh đạo IJC, đơn vị cũng tập trung đẩy mạnh hoạt động xây dựng nhà ở công nhân gắn liền với các dự án trọng điểm và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; phát triển dịch vụ sau đầu tư nhằm thu hút người dân đến sinh sống và kinh doanh giải trí.

 Kế hoạch kinh doanh 2017

Do IJC vẫn chưa công bố giải trình chênh lệch kết quả hoạt động kinh doanh với HOSE, nên chưa thể xác định liệu các dự án này sẽ đóng góp như thế nào vào hơn 176 tỷ đồng doanh thu bất thường trong quý II/2017, hay nguồn thu nào giúp IJC tổng doanh thu đột biến đến như vậy?

Bởi lẽ, theo ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (chủ yếu của các công trình xây dựng nhà phố, khu thương mại, nhà biệt thự, nhà chung cư…) lên đến hơn 5.059 tỷ đồng. Trong đó, công trình Khu đô thị IJC có số dư tại ngày 30/6/2017 là hơn 2.314,5 tỷ đồng (gần như không thay đổi so với số dư đầu kỳ là 2.314,2 tỷ đồng). Công trình này hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, phần lớn phản ánh chi phí chuyển quyển sử dụng đất. Ngoài ra, còn phát sinh môt số chi phí khác, như phí khảo sát địa chất địa hình, xây dựng nhà thô công trình, thi công hệ thống đường giao thông, thoát nước, chi phí sử dụng vốn….

Còn đối với Chung cư IJC Aroma, tại mục chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn, tính đến ngày 30/6/2017, giá trị có thể thu hồi là hơn 109,99 tỷ đồng, cũng tương đương với số đầu kỳ ở mức 110,65 tỷ đồng. Trong phần lưu ý, IJC cũng ghi rõ, các dự án trên tạm dừng vì Tập đoàn chờ thời điểm thích hợp để triển khai tiếp.

Ngoài 2 dự án trên, phần chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn cũng còn 38,7 tỷ đồng của Dự án F13 khu phố Phú An và 1,5 tỷ đồng của Dự án Trung tâm thương mại The Green River.

Oằn mình với những khoản vay nợ tài chính và nợ xấu?

Cũng theo Báo cáo tài chính quý II/2017, tính đến hết ngày 30/6/2017, tổng tài sản của IJC ghi nhận ở mức 7.854 tỷ đồng, trong đó riêng hàng tổn kho chiếm đến 63,66% (5.085,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các khoản phải thu dài hạn của khách hàng và các khoản phải thu dài hạn khác chiếm 12,1% (khoảng 953 tỷ đồng).

Trong số đó, khoản phải thu dài hạn khác chủ yếu là từ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp, là tiền đầu tư góp vốn xây dựng Dự án Becamex City Center. Dự án có diện tích hơn 61.000 m2 với tổng vốn đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng.

Song song với tồn kho và phải thu dài hạn lớn, nợ phải trả của IJC cũng khá lớn, lên đến 6.261,5 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2017, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, riêng nợ phải trả Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (bao gồm ngắn hạn và dài hạn) lên đến hơn 3.307 tỷ đồng.

Ngoài ra, IJC cũng đang vay và nợ thuê tài chính lên đến 1.769 tỷ đồng, gồm các khoản vay ngân hàng thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại một số dự án tại Hòa Phú, Thới Hòa và các khoản trái phiếu phát hành cho Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Đông Nam Á với tài sản đảm bảo là quyền quản lý và thu phí giao thông các dự án BOT tại tỉnh Bình Dương.

Hiện tại, ngoài các khoản nợ phải trả, không nêu ra trong Bản cân đối kế toán hợp nhất, nhưng tại Bản thuyết minh báo cáo tài chính, IJC tồn tại một khoản nợ xấu rất lớn, lên tới 428,65 tỷ đồng (tính đến 30/06/2017).

Các khoản nợ xấu chủ yếu là các khoản phải thu tiền bán bất động sản. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp khoảng 711,3 triệu đồng, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và Xây dựng địa ốc Kim Oanh (phải thu tiền bán bất động sản) khoảng 4,2 tỷ đồng. Lớn nhất là khoảng phải thu từ các tổ chức và cá nhân khác (không nêu rõ tên) là trên 423,7 tỷ đồng.

Vào cuối quý IV/2016, IJC đã thực hiện hoàn trả 50% vốn góp của cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tại ngày chốt danh sách thực hiện quyền hoàn trả vốn góp với giá hoàn trả 10.000 đồng/CP, tỷ lệ thực hiện 2:1, tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được Công ty hoàn trả vốn góp 1 cổ phiếu. Sau khi hoàn trả, vốn góp dự kiến gần 1.371 tỷ đồng.

Thời điểm đưa ra kế hoạch giảm vốn góp, Becamex IJC đã nhận được rất nhiều câu hỏi của cổ đông, nhà đầu tư, cũng như các thành viên trên thị trường vì sao phải giảm quy mô doanh nghiệp, trong khi khá nhiều đối thủ trong ngành rất muốn tăng quy mô để thuận tiện hơn trong việc huy động vốn và thắng thầu các dự án?

Trên thế giới, đã từng xảy ra trường hợp doanh nghiệp làm ăn không tốt, nhất là các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao, tìm cách hoàn trả vốn cho cổ đông rồi tuyên bố phá sản. Hệ quả là bản thân các ngân hàng cho vay phải chịu thiệt hại, nếu trong các hợp đồng tín dụng trước đó thiếu những điều kiện ràng buộc về quy mô vốn và tài sản công ty.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan