Trụ sở Becamex tại Thành phố mới Bình Dương

Trụ sở Becamex tại Thành phố mới Bình Dương

Becamex: 94% lượng chào bán không người mua, vì sao?

(ĐTCK) Thông báo đăng ký đấu giá cổ phần lần đầu của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) cho thấy trước kết quả chào bán cổ phần (IPO) ngày 1/12 là… quá ế.

94% vốn chào bán không người mua

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố lượng cổ phần Becamex nhà đầu tư đăng ký mua chỉ vỏn vẹn 18,96 triệu đơn vị, bằng 6,1% so với tổng khối lượng đấu giá là hơn 311 triệu đơn vị (tương đương 23,63% vốn điều lệ dự kiến).

Với lượng đăng ký thấp như trên, đương nhiên nhà đầu tư sẽ chỉ trả giá bằng giá khởi điểm là mua được. Nếu tất cả 18,96 triệu cổ phần đã đăng ký được nhà đầu tư mua thật, Becamex sẽ thu về được 500 tỷ đồng trong cuộc IPO ngày 1/12 tới. Con số này quá nhỏ so với con số 9.647 tỷ đồng dự kiến thu được nếu bán thành công toàn bộ lượng cổ phần.

Dù đưa ra chào bán khối lượng cổ phần có giá trị lớn nhất năm 2017 và là cuộc IPO lớn thứ hai trong 10 năm qua kể từ đợt IPO của Vietcombank, nhưng cuộc chào bán của Becamex lại diễn ra quá âm thầm.

Trong khi thông tin về các đợt bán vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước quản lý vốn diễn ra rầm rộ hơn 1 tháng qua, thì đợt chào bán của Becamex lại không có bất cứ thông tin nào được tiết lộ thêm, ngoài bản công bố thông tin và phương án cổ phần hóa.

Các bản phân tích của khối công ty chứng khoán gửi đến nhà đầu tư cũng chỉ là phân tích nhanh, ngắn gọn, không có thông tin cập nhật về Becamex.

Một số công ty chứng khoán đánh giá cao tiềm năng của Becamex. Chẳng hạn, ACBS định giá Becamex theo phương pháp RNAV, đưa ra giá 34.400 đồng/CP nhưng cho rằng, mức giá này không hấp dẫn cho mục tiêu đầu tư 1 năm. SSI thì đánh giá quỹ đất của Becamex trị giá 90.000 tỷ đồng nhưng cho rằng, tiềm năng này phải chờ trong dài hạn.

“Đảo giấu vàng” chờ Becamex khai mở

Liên quan đến giá trị tài sản của doanh nghiệp, một lãnh đạo của tỉnh Bình Dương chia sẻ, Becamex đang sở hữu 700 ha đất ở trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Nếu tính giá 10 triệu đồng/m2 thì tổng giá trị là 70.000 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu thời điểm cuối quý II/2017 là 9.500 tỷ đồng). Đây mới chỉ là một phần trong hơn 3.000 ha đất dự án phát triển nhà ở của Becamex, chưa kể diện tích đất phát triển khu công nghiệp lớn nhất cả nước.

Bình Dương hiện có hơn 9.000 ha đất khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy hơn 70% và vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thêm 5.000 ha để đáp ứng nhu cầu đầu tư đang tăng trưởng rất nhanh ở địa phương này. Từ đầu năm 2017 đến nay, vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Bình Dương khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 160% so với năm trước và đã giải ngân được khoảng 66%.

Bình luận về kết quả đăng ký đấu giá, một lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói, doanh nghiệp đưa ra mức giá 31.000 đồng/cổ phiếu vì cho rằng mình có tiềm năng. Tuy nhiên, nhà đầu tư bên ngoài đã không đánh giá hết nên cho rằng giá đắt, không tham gia đấu giá.

Qua tìm hiểu, Đầu tư Chứng khoán được biết, cách nhìn của nội bộ tỉnh Bình Dương về giá trị của Trung tâm Thành phố mới rất khác với thị trường.

Trước thềm IPO, giới phân tích tài chính cho rằng, thành phố mới, một phần đáng kể tài sản của Becamex đang gặp khó khăn trong phát triển, thậm chí được gọi là thành phố "ma", thì cuối tháng 11 vừa qua, Bình Dương cùng nhà tư vấn quốc tế Hà Lan đã tổ chức Hội nghị Thành phố thông minh, thu hút hơn 1.000 người tham dự.

Tại đây, tỉnh đã công bố giai đoạn phát triển mới của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, trong đó hướng dẫn cụ thể là Chương trình chiến lược đột phá Bình Dương 2021, tầm nhìn đến 2030, đẩy nhanh tiến độ đưa Bình Dương tham gia vào cộng đồng thành phố thông minh trên thế giới. Đặc biệt, Becamex được giao làm đầu mối thực hiện chương trình này.

“Chúng tôi làm theo kinh nghiệm của các thành phố trên thế giới là phát triển đồng bộ ngay từ đầu. Vào trung tâm thành phố mới là phải xây nhà theo quy hoạch, doanh nghiệp ngành nào phải vào khu đó… Trước mắt, người dân chưa quen, nhưng các tổng công ty lớn như Điện lực, Viettel, các ngân hàng đã mua đất tại trung tâm Thành phố mới để đầu tư trụ sở ở đây.

Bình Dương sẽ khởi công trước 2 cầu vượt để giải tỏa ùn tắc giao thông về TP.HCM, sau đó thiết lập tuyến xe buýt nhanh từ TP.HCM về Trung tâm thành phố mới trong năm 2018….”, lãnh đạo tỉnh chia sẻ nhanh vài kế hoạch để thu hút doanh nghiệp, người dân về Thành phố mới.

Kế hoạch cổ phần hóa đưa ra là vậy, nhưng Becamex với vai trò là công cụ chủ lực của tỉnh Bình Dương trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Đề án Trung tâm thành phố mới, thì việc đa dạng hóa nhà đầu tư thông qua cổ phần hóa không hẳn là ưu tiên số 1 tại địa phương lúc này. Đây có lẽ là nguyên nhân cơ bản nhất khiến Becamex IPO ế ẩm vì thiếu thông tin?       

Tin bài liên quan