Ảnh Internet

Ảnh Internet

Bê tông ly tâm Thủ Ðức (BTD) gian nan đòi nợ

(ĐTCK) Sau 10 năm bán hàng và theo kiện, rốt cuộc BTD cũng đạt được bản án chấp nhận yêu cầu đòi nợ gốc và lãi. Dù vậy, khả năng thu hồi được khoản nợ này vẫn mờ mịt khi khách hàng đang trong tình trạng khó khăn.

Năm 2008, CTCP Bê tông ly tâm Thủ Ðức (BTD) và CTCP Xây dựng Vinashin ký kết hợp đồng mua bán cọc bê tông ly tâm PHC phục vụ công trình kè bảo vệ bờ ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Thực hiện hợp đồng, BTD đã cung cấp và bàn giao đầy đủ số lượng cọc cho Xây dựng Vinashin và xuất hóa đơn với tổng giá trị hợp đồng gần 1,9 tỷ đồng.

Trong vòng 6 năm, Xây dựng Vinashin đã trả dần cho BTD số tiền 980 triệu đồng và còn nợ 985 triệu đồng. Ðòi nợ mãi không thấy khách hàng trả nốt, BTD đã khởi kiện đòi nợ gốc và lãi phạt chậm trả 9%/năm kể từ năm 2009.

Tại tòa án, Xây dựng Vinashin thừa nhận nghĩa vụ trả nợ và than khó: "Công ty đang nợ nhiều đối tác với số nợ lớn, việc thu xếp trả nợ chỉ trông chờ vào hoạt động thu hồi công nợ của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cũng khó khăn, không trả cho Công ty. Chúng tôi sẽ cố gắng thu hồi công nợ và ưu tiên trả trước cho BTD".

Bản án sơ  thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của BTD, tuyên buộc Xây dựng Vinashin phải thanh toán cho BTD hơn 1,7 tỷ đồng gồm cả gốc và lãi. Sau đó, Xây dựng Vinashin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng tòa án giải quyết vụ việc không khách quan, không đúng quy định pháp luật.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện Xây dựng Vinashin cho biết, hợp đồng có thời hạn kết thúc ngày 6/2/2009 (không quá 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng), bên mua phải tạm ứng và thanh toán 100% tiền hàng trước mỗi lần nhận hàng, hai bên phải ký biên bản giao nhận hàng hóa. Xây dựng Vinashin không tìm thấy biên bản giao nhận hàng hóa lần 1, lần 2, chỉ tìm được một biên bản giao nhận hàng hóa ngày 26/10/2009 là bản photo đóng dấu treo của BTD và còn ghi cả ngày 5/11/2009. Theo Xây dựng Vinashin, rất khó xác định giá trị pháp lý của biên bản này. Ngoài ra, lần giao hàng thứ nhất, chỉ còn thông tin trên phiếu xuất kho của BTD ghi ngày 16/2/2009.

Xây dựng Vinashin cho rằng, việc giao nhận hàng hóa được thực hiện sau khi hết thời hạn hợp đồng. Ðiều kiện thanh toán trước khi nhận hàng cũng không được thực hiện theo hợp đồng, số lượng hàng cung cấp chỉ là 3.120 md, không nằm trong giới hạn được thỏa thuận trong hợp đồng là từ 4.750-5250 md. Mặt khác, 2 bên không ký phụ lục để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, thay đổi điều kiện giao hàng, số lượng hàng, nên không thể khẳng định 2 công ty đã thực hiện hợp đồng mua bán nêu trên. Bị đơn cũng nêu lý do thời hiệu khởi kiện đã hết do hợp đồng ký năm 2008, nhưng đến năm 2017 BTD mới khởi kiện.

Mặc dù Xây dựng Vinashin đưa ra nhiều lý do để bác bỏ hợp đồng mua bán nói trên, nhưng tòa án cho hay, trong 4 năm từ 2008-2012, Công ty đã 5 lần trả  tiền cho bên bán hàng. Ðến tháng 1/2015, 2 bên còn đối chiếu, chốt công nợ, ghi nhận bằng biên bản và Xây dựng Vinashin đã ký xác nhận còn nợ BTD hơn 980 triệu đồng. Ðiều này chứng minh Xây dựng Vinashin có thực hiện hợp đồng mua bán bê tông và Công ty đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán một phần giá trị hợp đồng.

Hai bên đã có văn bản trao đổi và ký biên bản đối chiếu công nợ cuối cùng vào ngày 25/1/2015. Theo quy định tại Ðiểm a, Khoản 1, Ðiều 162 về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Do đó, tòa án xác định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ sau ngày 2 bên ký biên bản xác nhận công nợ cuối cùng, BTD nộp đơn khởi kiện khi thời hiệu vẫn còn. Tòa án quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của BTD, buộc Xây dựng Vinashin phải trả cho BTD tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng.

Ðược biết, tiền thân của BTD là Xí nghiệp Bê tông ly tâm Thủ Ðức, được cổ phần hóa từ năm 2003, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các sản phẩm bê tông công nghiệp như trụ điện, cọc cừ, ống cống, cấu kiện bê tông, bê tông thương phẩm...

Năm 2018, BTD đạt doanh thu 245 tỷ đồng, lãi ròng 26 tỷ đồng, chia cổ tức 20%. Dự án trọng điểm của BTD là Nhà máy Bến Cát (Bình Dương) mới hoàn thành trong năm 2018. Trong cơ cấu doanh thu 2018, doanh thu từ sản phẩm trụ điện là khá cao. Năm 2019, ông Nguyễn Hữu Ý, Tổng giám đốc BTD đánh giá, việc tiêu thụ sẽ khó khăn hơn do chủ trương hạ ngầm đường dây diện.

BTD có vốn điều lệ 64 tỷ đồng. Hết năm 2018, Công ty có 55 tỷ đồng các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi. Bảng trích lập và hoàn nhập dự phòng cho thấy, BTD hiện có hơn 27 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi và phải trích lập dự phòng.

Công nợ này bao gồm 24 khách hàng nợ trên 3 năm và phải trích lập 100%; 2 khách hàng nợ từ 1-3 năm, mức trích lập từ 50-70%, trong đó có Xây dựng Vinashin. Trong năm 2018, BTD chỉ thu hồi được 26 triệu đồng nợ khó đòi, cho dù đã áp dụng nhiều biện pháp như làm việc trực tiếp với khách hàng để đòi nợ, khởi kiện ra tòa, thuê các công ty đòi nợ chuyên nghiệp để thực hiện thu nợ...

Trên thị trường chứng khoán, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu BTD có xu hướng tăng khi chốt phiên 21/6 ở mức 16.100 đồng/CP (tăng khoảng 15%), nhưng thanh khoản thấp, trung bình chỉ vài nghìn cổ phiếu/phiên.

Tin bài liên quan