Bất thường ở Chè Hiệp Khánh

Bất thường ở Chè Hiệp Khánh

(ĐTCK) Lên niêm yết vào đầu năm 2017, cổ phiếu HKT của Công ty cổ phần Chè Hiệp Khánh chỉ có một con sóng tăng giá ngắn ngủi, còn lại là liên tục rơi sâu. Vì sao Chè Hiệp Khánh niêm yết có lẽ là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra khi nhìn lại diễn biến thị giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh của Công ty.

Cổ phiếu lên sàn là lao dốc

Trong phiên giao dịch đầu tiên, 12/1/2017, cổ phiếu HKT của Chè Hiệp Khánh có giá tham chiếu là 10.500 đồng/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu HKT có lúc tăng giá lên 13.600 đồng/cổ phiếu, nhưng chốt phiên đã giảm về mức 7.400 đồng/cổ phiếu - mức giảm kịch biên độ (29,52%). Có tổng cộng 112.300 cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên này, với giá trị giao dịch gần 878 triệu đồng, tương đương mức giá trung bình toàn phiên là hơn 7.817 đồng/cổ phiếu.

Trong vòng gần 2 tháng sau đó, giá cổ phiếu HKT đã giảm dần về mức 4.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/2/2017.

Dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX, nơi Chè Hiệp Khánh niêm yết cổ phiếu HKT) cho thấy, ngày 27/2/2017, Công ty công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 và đây cũng là thời điểm giá cổ phiếu này bắt đầu tăng trở lại, đạt đỉnh vào ngày 15/3/2017 ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu, trước khi… rơi hẳn.

Cổ phiếu HKT đã giảm về mức thấp nhất trong tháng 5 là 1.600 đồng/cổ phiếu (có chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%), với thanh khoản thời gian dài ở mức rất thấp, trước khi đột ngột tăng trở lại từ đầu tháng 6 tới nay với thanh khoản tăng đột biến.

Từ đầu tháng 6 đến nay, HKT có 8 phiên tăng trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu này tăng từ mức 1.700 đồng/cổ phiếu ngày 6/6/2018 lên 3.000 đồng/cổ phiếu (ngày 18/6/2018), với thanh khoản mỗi phiên lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí 1,63 triệu cổ phiếu/phiên ngày 18/6/2017; 1 triệu cổ phiếu/phiên ngày 19/6/2018, hai ngày cổ phiếu tạo đỉnh và rơi dốc ngắn hạn.

Nhìn vào diễn biến giá và khối lượng giao dịch của HKT kể từ khi niêm yết đến nay, nhà đầu tư cảm giác như cổ phiếu này lên sàn là để giảm giá. Và bất kể là nguyên nhân gì đứng sau mỗi đợt tăng giá, thanh khoản của HKT chỉ tăng mạnh khi cổ phiếu có chuỗi ngày tăng giá. Trong 4 phiên gần nhất, 3,514 triệu cổ phiếu HKT đã được giao dịch ở vùng đỉnh của con sóng ngắn hạn, tương đương 57,278% vốn điều lệ Công ty được trao tay.

Thực trạng kinh doanh èo uột

Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu HKT cho thấy, năm 2014, Công ty lãi sau thuế 1,049 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 31 tỷ đồng; năm 2015 lãi 4,799 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 59,867 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian này, Chè Hiệp Khánh đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ mức 9,1 tỷ đồng lên 31,85 tỷ đồng năm 2014 bằng phát hành cho cổ đông hiện hữu, lên mức 55,773 tỷ đồng năm 2015 thông qua phát hành riêng lẻ.

Với mức vốn điều lệ đó, kết quả kinh doanh của Chè Hiệp Khánh ở mức thấp, chỉ được coi là đạt điều kiện niêm yết. Ở thời điểm đưa cổ phiếu lên sàn, Công ty chưa có báo cáo tài chính quý IV/2016, nhưng 3 tháng đầu năm đã lãi 6,538 tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức 2016 tỷ lệ 5%.

Cả năm 2016, theo báo cáo tài chính kiểm toán, Công ty lãi sau thuế 7,715 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 1.314 đồng. Đây là mức lợi nhuận tương đối cao so với mặt bằng chung của thị trường. Vậy nhưng, giá cổ phiếu vẫn lao dốc.

Và đến thời điểm này, thị trường có lý khi định giá thấp cổ phiếu HKT.

Năm 2017, sau chuỗi thời gian tăng trưởng kết quả kinh doanh ấn tượng, khi đã niêm yết thành công và các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ thực hiện bán ra cổ phiếu, kết quả kinh doanh của Chè Hiệp Khánh cũng trượt dài như giá cổ phiếu. Cả năm 2017, Công ty ghi nhận mức lãi sau thuế 855 triệu đồng, tương đương mức thu nhập 132 đồng/cổ phiếu, bằng hơn 1/10 năm trước.

Nguyên nhân của việc sụt giảm mạnh lợi nhuận này được Công ty giải thích là do doanh thu thuần giảm 40,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 67% so với cùng kỳ năm trước. Còn vì sao hoạt động kinh doanh đang bình thường lại bị sụt giảm mạnh, thì không được Công ty giải thích.

Đến quý I/2018, tình trạng hoạt động của Công ty còn tệ hơn nữa, khi doanh thu chỉ còn 137,3 triệu đồng, lãi sau thuế… 21 triệu đồng. Chè Hiệp Khánh dường như đã buông xuôi hoạt động, khi chi phí quản lý của Công ty chỉ còn 51 triệu đồng, so sánh với mức 733 triệu đồng cùng kỳ năm trước. 51 triệu đồng cho 1 quý, tương đương 17 triệu đồng/tháng, chưa rõ, Công ty sẽ đủ chi những gì, nếu các mảng hoạt động vẫn muốn duy trì.

Bóc tách chi tiết hơn, Công ty không có chi phí bán hàng, không chi phí văn phòng phẩm, không chi phí khấu hao trong chi phí quản lý! Chè Hiệp Khánh chỉ có 30 triệu đồng/quý là chi phí nhân viên, tương đương 10 triệu đồng/tháng chi cho nhân viên quản lý. Không rõ nhân sự trong bộ máy quản lý của Công ty còn những ai?

Chất lượng tài sản và nghi vấn dựng doanh nghiệp niêm yết để thoái vốn

Hoạt động kinh doanh đóng băng bất ngờ, giá cổ phiếu buông trôi, cổ đông lớn thoái vốn…, nhìn lại tất cả câu chuyện này, thị trường có quyền nghi ngờ về chất lượng hoạt động thực sự của Chè Hiệp Khánh.

Năm 2016, Công ty làm hồ sơ niêm yết. Năm đó, cùng 2 năm liền trước, kết quả kinh doanh của Công ty khởi sắc đột ngột, khác biệt so với giai đoạn trước và cả sau đó (xem bảng). Vậy, phải chăng những thay đổi tích cực từ kinh doanh chỉ đơn thuần phục vụ cho mục tiêu thoái vốn trên sàn?

Ngay sau khi HKT niêm yết, các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ lần lượt bán ra. Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng số 3 đã thoái toàn bộ 10,56% vốn điều lệ vào ngày 13/1/2017, 1 ngày sau khi HKT niêm yết; Công ty cổ phần Quản lý đầu tư chuyên nghiệp Việt Nam (Pro Invest), nắm 23,57% vốn điều lệ khi mới niêm yết, cũng giảm sở hữu về mức 11,78% vốn điều lệ vào đầu tháng 8/2017. Hai cổ đông khác là Nguyễn Kim Anh (cổ đông lớn) và Nguyễn Hoài Anh (cổ đông nội bộ) cũng thực hiện bán ra cổ phiếu từ năm 2017.

Ở thời điểm cuối quý I/2018, Chè Hiệp Khánh có 596 triệu đồng tiền, 37,358 tỷ đồng nằm ở dạng các khoản phải thu, trả trước; trong đó 19,115 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn khách hàng, 9,82 tỷ đồng trả trước ngắn hạn người bán, 1,5 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, 8,891 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác. Dự phòng các khoản phải thu này của Công ty đang ghi nhận ở mức 1,966 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm này, Chè Hiệp Khánh có 19,438 tỷ đồng hàng tồn kho, gần như không thay đổi so với cuối năm 2017.

Không có doanh thu, chi phí bán hàng không có, không có chi phí văn phòng phẩm và khấu hao; tổng chi phí nhân viên của Chè Hiệp Khánh (bao gồm tất cả các mảng hoạt động) trong một quý là 55,454 triệu đồng, cho thấy Công ty dường như đang đóng băng hoạt động. Chưa rõ tương lai hoạt động của Chè Hiệp Khánh rồi sẽ đi về đâu?

Tin bài liên quan