FIR đang dần chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản.

FIR đang dần chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản.

Bài toán vốn tại Địa ốc First Real (FIR)

(ĐTCK) Hướng đến bất động sản nghỉ dưỡng khu vực có đường bờ biển ở miền Trung, phát triển thêm thị trường TP.HCM, nhưng vốn điều lệ hiện tại của Công ty cổ phần Địa ốc First Real (FIR) chỉ là 130 tỷ đồng, nên Công ty dự tính sẽ có các đợt phát hành tăng vốn để bổ sung nguồn vốn đầu tư các dự án. 

Niêm yết trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, nhưng cổ phiếu FIR có 3 phiên tăng giá trần liên tiếp kể từ ngày chào sàn 18/10/2018.

So với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng/cổ phiếu, FIR đang ghi nhận mức tăng 37%, đạt 16.450 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên giao dịch 22/10.

FIR không chỉ là gương mặt mới trên sàn niêm yết mà lịch sử hình thành cũng khá non trẻ khi được thành lập tháng 9/2014.

Xuất thân là công ty thuần môi giới, tập trung ở thị trường bất động sản Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, FIR đang dần chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản.

Nếu như năm 2016, doanh thu của FIR hoàn toàn là doanh thu cung cấp dịch vụ, thì từ năm 2017, Công ty triển khai và phát triển thêm hoạt động kinh doanh bất động sản, đầu tư vào các dự án đất nền và bán lại với giá cao hơn, hưởng chênh lệch.

FIR đã ký được nhiều hợp đồng phân phối mới với chủ đầu tư dự án, trong đó có các dự án phân phối độc quyền. Nhằm đẩy mạnh đầu tư các dự án quy mô lớn như dự án Điện Ngọc - Điện Dương, dự án Khu phố chợ Điện Nam Bắc…, Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 130 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hào Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FIR, định hướng của Công ty là phát triển thêm thị trường miền Nam, trong đó tập trung môi giới các sản phẩm mà Công ty trực tiếp góp vốn đầu tư.

Còn ở thị trường miền Trung, ưu tiên các thị trường có tiềm năng phát triển du lịch. Phân khúc FIR hướng đến là bất động sản nghỉ dưỡng, vừa cho thuê vừa bán, cụ thể là các dự án biệt thự nghỉ dưỡng ở khu vực có bờ biển còn tiềm năng nhưng chưa bùng nổ.

Đối với phân khúc khách sạn - căn hộ (condotel), phân khúc này phát triển mạnh tại các thị trường như Đà Nẵng, Nha Trang. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, các quỹ đất ven biển như Đà Nẵng đã gần phủ kín, nên để phát triển các dự án hoặc quỹ đất, FIR phải tính đến các vùng lân cận.

Đó là lý do FIR đã phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở Quảng Bình - là thị trường nghỉ dưỡng tốt nhưng chưa có nhiều nhà đầu tư khai thác. Hiện Công ty đang nghiên cứu đầu tư thị trường Phú Yên, với sản phẩm condotel ở khu vực trung tâm.

Để giảm áp lực nguồn vốn và tiết kiệm thời gian, ông Hiệp cho biết, phương thức chính của FIR là ưu tiên chiến lược hợp tác với các nhà đầu tư đang có thế mạnh ở các tỉnh, thành phố trên, chứ không trực tiếp làm từ đầu, giúp đi nhanh hơn.

Trước mắt, Công ty đã hợp tác với Tập đoàn Trường Thịnh, một doanh nghiệp quy mô lớn với nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện FIR đã hợp tác 2 khu khu dưỡng và theo mô hình này, Công ty sẽ tiếp tục hợp tác vài khu nữa với Trường Thịnh tại Quảng Bình.

Theo bản cáo bạch niêm yết, FIR đang thực hiện hợp tác đầu tư, góp vốn với nhiều đơn vị là chủ đầu tư các dự án tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình…

Tính đến 30/6/2018, tổng giá trị vốn góp các dự án hợp tác đầu tư là 277,8 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với thời điểm 1/10/2017 (130 tỷ đồng).

Cụ thể, Công ty đã góp 10 tỷ đồng (trong tổng giá trị vốn góp 66 tỷ đồng) dự án Khu đô thị Ngọc Dương Coco, dự kiến hoàn thành và cấp sổ đỏ vào cuối năm 2018; góp 114 tỷ đồng (trong tổng giá trị vốn góp 222 tỷ đồng) vào dự án Khu tái định cư phường Điện Ngọc - Điện Dương; góp 90 tỷ đồng (trong tổng 330 tỷ đồng giá trị hợp đồng góp vốn) vào dự án Khu nhà ở thương mại Trường Thịnh…

Vốn điều lệ của FIR hiện là 130 tỷ đồng, khá nhỏ để triển khai tiếp việc góp vốn vào các dự án trên cũng như các dự án mới. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hiệp cho biết, mục tiêu niêm yết của FIR để tăng vốn lên 300 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu.

Ngoài ra, FIR tiến hành hợp tác với các sàn giao dịch, các đơn vị phân phối bất động sản khác trên cả nước để đẩy mạnh hoạt động môi giới có điều kiện.

Theo đó, các dự án FIR phân phối độc quyền, thì liên kết các sàn giao dịch khác để thành lập các đại lý - các đại lý này sẽ tiến hành đặt cọc, ký quỹ để phân phối các sản phẩm mà FIR được độc quyền. Điều này giúp dòng tiền của FIR tốt hơn.

Về kế hoạch các năm tới, ông Hiệp chia sẻ, cơ cấu doanh thu sẽ tập trung chính ở mảng đầu tư, khoảng 80%, môi giới khoảng 20%. Riêng năm 2019, Công ty dự kiến ghi nhận chính ở dự án Quảng Bình, quy mô doanh thu khoảng 350 - 400 tỷ đồng.   

Tin bài liên quan