Ảnh Internet

Ảnh Internet

Ba điểm cổ đông nên chất vấn Năm Bảy Bảy (NBB)

(ĐTCK) Có nhiều vấn đề cổ đông nên chất vấn CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) để hiểu rõ sức khỏe tài chính khi dự Đại hội vào 12/5 tới.

Theo tài liệu Ðại hội đồng cổ đông được NBB công bố, Công ty sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 với tổng doanh thu 3.200 tỷ đồng, tăng 339% so với năm 2019, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 4,9%, với 330 tỷ đồng; chia cổ tức 15%.

Tỷ lệ phân phối lợi nhuận năm 2019 được đề xuất là 25%, doanh nghiệp đã chốt danh sách tạm ứng cổ tức với đúng tỷ lệ này và thực hiện chuyển tiền cho nhà đầu tư vào ngày 8/4/2020. 

Ðáng chú ý, NBB trình cổ đông phương án mua cổ phiếu quỹ với tỷ lệ 15% khối lượng cổ phiếu đã phát hành, giá mua không vượt quá 22.500 đồng/cổ phiếu. Với khối lượng cổ phiếu đã phát hành 100,5 triệu đơn vị, doanh nghiệp sẽ mua vào trên 15 triệu cổ phiếu quỹ nếu được thông qua.

Trước đó, Ðại hội đồng cổ đông NBB đã thông qua kế hoạch mua 20% cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, nhưng không thực hiện được do “không xác định được giá theo phương án”. Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 7/5, Công ty sẽ phải chi ra 278,25 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch mua cổ phiếu quỹ này.

Kế hoạch trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ của NBB khá ấn tượng, với dự kiến khoảng 511,25 tỷ đồng cần chi (gồm 233 tỷ đồng trả cổ tức và 278,25 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ), nhưng nếu xem xét kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ khó tránh khỏi thắc mắc.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của NBB cho biết, tại thời điểm 31/3/2020, Công ty chỉ có 143,9 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 2,4% tổng tài sản.

Trong cơ cấu tổng tài sản của Công ty, khoản phải thu là 1.099,9 tỷ đồng, chiếm 18,6%; tồn kho lên tới 4.145,3 tỷ đồng, chiếm 70%. Với tổng nhu cầu tiền mặt lên tới trên 511 tỷ đồng cho việc trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ, Công ty thiếu hụt tới 367,35 tỷ đồng.

Trong quý I, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 154 tỷ đồng, Công ty phải bổ sung bằng nguồn đi vay 160 tỷ đồng.

Trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp, các doanh nghiệp có xu hướng giữ tiền, nhưng NBB lại quyết định “bạo chi”.   

 Vì sao khi dòng tiền eo hẹp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, hoạt động bán hàng gặp khó, các doanh nghiệp có xu hướng giữ dòng tiền mặt thì NBB lại quyết định “bạo chi” như vậy?

Chưa kể, NBB  có nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư, nhu cầu vốn rất lớn. Ðây là câu hỏi mà nhà đầu tư đang rất quan tâm.

Năm nay, NBB lên kế hoạch doanh thu tăng 3,4 lần so với năm 2019, dựa trên kế hoạch bàn giao dự án Diamond Riverside.

Dự án có quy mô 1.652 căn hộ (4 block nhà, chiều cao 29 tầng) và 17 căn biệt thự trên tổng diện tích đất 41.496,8 m2, với tổng vốn đầu tư 2.308 tỷ đồng, doanh thu dự kiến 2.676 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý I/2020 của NBB có trình bày giá trị khoản mục người mua trả trước 1.555,3 tỷ đồng, nhưng không thuyết minh cụ thể là dự án nào.

Trong báo cáo tài chính năm 2019, NBB ghi nhận 1.360,8 tỷ đồng người mua trả trước thì có tới 1.324,2 tỷ đồng là của dự án Diamond Riverside. Như vậy, nhiều khả năng, phần người mua trả tiền trước trong quý I/2020 là của dự án này.

Ðây chính là dự án góp vốn thực hiện giữa NBB và CTCP Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) theo tỷ lệ 20:80, sau khi dự án hoàn thành sẽ chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn.

Ðược biết, dự án đã chào bán cho khách hàng từ năm 2015 tới 80%, mặc dù chưa thực hiện xây dựng. Mãi tới năm 2018, doanh nghiệp mới đẩy mạnh xây dựng và dự kiến bàn giao cho nhà đầu tư trong quý III/2020.

Câu hỏi đặt ra là dự án đã thu được bao nhiêu tiền trên tổng doanh thu dự án? Nếu như việc thu tiền gần hết thì doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu, còn dòng tiền mới rất nhỏ. Như vậy, việc mạnh tay trả cổ tức và mua cổ phiếu quỹ sẽ càng nguy hiểm cho tài chính của Công ty.

Câu hỏi tiếp theo là ngày 23/3/2018, tòa nhà Chung cư Carina Plaza xảy ra vụ cháy, NBB tới 31/12/2019 đã trích lập 103,9 tỷ đồng và ghi vào tài khoản phải thu ngắn hạn khác. Tuy nhiên, trong báo cáo quý I/2020 không thấy thuyết minh khoản mục này.

Vậy NBB đã ghi nhận như thế nào với khoản mục này và liệu có điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý I hoặc các quý sắp tới của năm tài chính 2020? Ðược biết, đầu năm nay, khoản mục này nằm trong khoản phải thu ngắn hạn khác là 266,3 tỷ đồng, cuối kỳ là 274,8 tỷ đồng. Như vậy, khoản mục ghi nhận cho sự cố cháy chung cư trên biến động như thế nào?

Việc doanh nghiệp trả cổ tức cao cũng như có chính sách mua cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá chứng khoán mang lại lợi ích trong ngắn hạn cho cổ đông Công ty, nhưng về dài hạn, doanh nghiệp lấy đâu nguồn lực để tiếp tục phát triển? Những câu hỏi này rất cần được lãnh đạo NBB giải đáp thấu đáo tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông ngày mai.                  

Tin bài liên quan