Áp lực cải cách DNNN đã đủ lớn để hành động?

Áp lực cải cách DNNN đã đủ lớn để hành động?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về kinh tế Việt Nam năm 2014, ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang đặt kỳ vọng vào chuyển biến quyết liệt trong cải cách doanh nghiệp nhà nước ngay từ đầu năm tới trước những áp lực từ cấp cao nhất của Chính phủ.

Thưa ông, những dự báo về triển vọng kinh tế năm 2014 đang được đưa ra với nhiều điểm thuận, như đầu tư công tăng, nợ xấu tiếp tục được xử lý, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh…

Mọi việc đều đang trong dự báo, hy vọng. Mặc dù một số chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2013 đã có cải thiện, nhưng ở tầng vi mô, thị trường, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Do vậy, để hiện thực hoá các kỳ vọng này, cần phải có hành động ngay.

Tôi kỳ vọng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ có cải thiện quyết liệt, bởi Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng, nếu doanh nghiệp nhà nước không chịu cổ phần hóa thì thay thế lãnh đạo. Đây là áp lực hành chính buộc lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước phải hành động, đưa ra các giải pháp để hành động.

Áp lực này có đủ để tạo những thay đổi lớn không, thưa ông?

Để thực hiện được điều này, ngay từ đầu năm, các bộ, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty phải công bố danh sách doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 và cả năm 2015, các khoản thoái vốn với lộ trình cụ thể. Như vậy, áp lực không chung chung, mà đẩy vào từng con người cụ thể, cá nhân cụ thể.

Có như vậy, xã hội, người dân, thị trường sẽ tham gia giám sát việc thực hiện cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước, tạo áp lực thị trường cho chính các vị lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như lãnh đạo các bộ, địa phương được giao trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây cũng là cách đã làm với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi công bố danh sách doanh nghiệp thoái vốn...

Điều kiện hiện tại liệu có đủ để các công việc triển khai được ngay không?

Các quy định về cổ phần hóa đã có, nếu danh sách cổ phần hóa, thoái vốn được công bố ngay trong quý I/2014 và nguyên tắc là theo giá thị trường, thì hoạt động cổ phần hóa sẽ trở nên sôi động, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Với cách này, thị trường nội địa sẽ được kích thích bằng thay đổi thể chế, động lực, chính sách để tạo ra sự thay đổi phân bổ nguồn lực theo thị trường, chứ không cần tăng cầu. Với việc bán - mua theo thị trường, nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả và tài năng, sáng kiến sẽ được khuyến khích.

Khi đó, nền tảng cho tăng trưởng được tạo lập vững chắc, không chỉ phục vụ năm 2014, mà cho cả các năm 2015 - 2016. Chúng ta có thể nói về các con số tăng trưởng 7 - 7,5%, vì ổn định kinh tế vĩ mô sẽ vững chắc khi dựa trên nền tảng vi mô sôi động, tạo ra giá trị vật chất, tạo ra giá trị gia tăng, chứ không nhờ một lực kéo nào đó từ bên ngoài.

Điều quan trọng, làm được như thế thì xã hội, thị trường, người dân thực sự tin tưởng rằng, tiến trình tái cơ cấu, phân bổ lại nguồn lực theo cơ chế thị trường theo Đề án Tổng thể tái cơ cầu nền kinh tế thực sự đang được tiến hành quyết liệt.

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập, CIEM sẽ tiếp tục đóng góp những đề xuất chính sách gì để đẩy nhanh tiến trình này, thưa ông?

Trong 35 năm qua, hàng năm, CIEM được phân công chủ trì, thực hiện nhiều đề án nghiên cứu tham mưu, tư vấn chính sách đổi mới kinh tế, thông qua đó, chúng tôi đã có những đóng góp trực tiếp vào quá trình đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, từng bước hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Viện được giao nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005 để tiến hành xây dựng Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung (dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2014); xây dựng các dự thảo nghị định liên quan đến quản lý doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước…

Cũng phải nói thêm, chúng ta đang trong quá trình nâng cấp nền kinh tế thị trường với mục tiêu là tương xứng với các nguyên tắc thị trường phổ biến. Để làm được điều này, cải cách thể chế được xác định là khâu đột phá. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cần phải làm rõ: cải cách thế nào, theo hướng nào, thể chế cụ thể gì?

Với cách nhìn nhận này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký thực hiện Đề án Nghiên cứu cải cách kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2015, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban. Tôi được phân công làm Tổ trưởng Tổ Thư ký.

Mục đích là phải tạo sự thay đổi, đột phá, bắt đầu từ tư duy đến hành động, để cơ chế thị trường vận hành và chi phối quyết định phân bố nguồn lực. Theo tôi, đó là cốt lõi của cải cách thể chế.

>>Doanh nghiệp nhà nước dễ tìm vốn dù làm ăn kém

>>“Sẽ cho phá sản doanh nghiệp nhà nước không có triển vọng”