“Cầm cái”
ACV thể hiện sự tự tin về khả năng được giao làm chủ đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành có tổng mức đầu tư giai đoạn I lên tới 111.922 tỷ đồng, tương đương 4,7891 tỷ USD.
Trong tờ trình đề nghị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) Dự án CHKQT Long Thành gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tháng 7/2019, ngoại trừ Dự án thành phần 2 - xây dựng các công trình quản lý bay có chi phí khoảng 3.225 tỷ đồng, tương đương 138 triệu USD dự kiến do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm nhận, ACV đề xuất được “cầm cái” toàn bộ các hạng mục còn lại thuộc Dự án thành phần 1.
Cụ thể, đối với các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước trong CHKQT Long Thành như hải quan, công an địa phương, công an cửa khẩu, cảng vụ hàng không, kiểm dịch y tế sẽ do ACV thực hiện đầu tư, sau đó sẽ cho các cơ quan nhà nước thuê lại để hoạt động.
Đối với các hạng mục thiết yếu của một sân bay thuộc khu bay như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, hệ thống đèn hiệu hàng không, hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay, hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác (ILS) và khu hàng không dân dụng như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá số 1, nhà để xe, ACV sẽ trực tiếp đầu tư, khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn vay ODA.
Hạng mục duy nhất mà ACV dự kiến nới cho các nhà đầu tư khác tham gia dưới hình thức hợp tác đầu tư hoặc nhượng quyền đầu tư, khai thác là các công trình dịch vụ như các hệ thống tra nạp nhiên liệu ngầm, nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (Express Cargo), kho giao nhận hàng hóa (Forwarder) số 1, khu xử lý vệ sinh tàu bay số 1, khu bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất số 1, khu cung cấp suất ăn trên tàu bay…
Tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn lập F/S cho thấy, tổng mức đầu tư cho các công trình dịch vụ tại CHKQT Tân Sơn Nhất chỉ khoảng 503 triệu USD, nên ACV sẽ tự đầu tư.
Ngoài kinh nghiệm đầu tư, khai thác 21/22 cảng hàng không trong nước, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, nếu giao công ty cổ phần hiện do Nhà nước nắm 95,4% vốn điều lệ này làm chủ đầu tư CHKQT Long Thành thì sẽ đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với tài sản chiến lược của quốc gia, đảm bảo lợi ích cộng đồng, không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA.
“Tuy nhiên, do đây là dự án đầu tư cảng hàng không mới, nên theo quy định của Luật Đấu thầu (khoản 3, Điều 1) phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định không đấu thầu, mà giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác Cảng”, đại diện ACV thừa nhận.
Ẩn số
“Chúng tôi hoàn toàn có đủ năng lực tài chính để tự triển khai Dự án CHKQT Long Thành, kể cả khi đã tham gia đầu tư Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất và các dự án nâng cấp, mở rộng 21 cảng hàng không khác trong giai đoạn 2019 - 2025”, ông Thanh cho biết.
Do dự án này có nhu cầu vốn rất lớn, nên theo tính toán của tư vấn, dự kiến nhà đầu tư sẽ phải huy vốn vay trên thị trường vốn quốc tế với yêu cầu tiên quyết là tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư bằng 33,4% tổng vốn đầu tư của ACV (4,225 tỷ USD), tương đương với 1,411 tỷ USD.
Về khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong trường hợp được giao đầu tư Dự án CHKQT Long Thành như đề xuất, ACV cho biết, đến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được hơn 24.268 tỷ đồng và tiếp tục tích lũy nguồn từ kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2019 – 2025. Theo đó, ACV sẽ cân đối được tổng cộng 1,522 tỷ USD để thực hiện dự án này.
Đại diện ACV khẳng định, với năng lực tài chính lành mạnh, đơn vị có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường. Cụ thể, trong trường hợp vay USD, các khoản vay của ACV sẽ có thời gian vay 20 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất 5 %/năm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, rất khó để xác thực dòng tiền và khả năng cân đối nguồn cho tham vọng “một mình một ngựa” đầu tư 22/23 cảng hàng không của ACV, do bản kế hoạch này gồm nhiều yếu tố đầu vào đều mang tính giả định.
Cụ thể, trong khi doanh thu bình quân cho cả giai đoạn 2018 - 2021 được ACV xây dựng quanh mốc 8 - 10%/năm; lợi nhuận sau thuế và trước thuế ở mức 10 - 12%/năm. ACV không nói rõ sẽ tối đa lợi nhuận bằng cách nào, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đơn vị này đã thoái vốn tại hầu hết các đầu mối có khả năng sinh lời cao, giá dịch vụ hàng không do Nhà nước định đoạt, nên đây là con số mang tính “đếm cua trong lỗ”.
Được biết, trong kế hoạch năm 2019, ACV chỉ đề ra kế hoạch tổng doanh thu đạt hơn 19.127 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8.190 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này tăng lần lượt 7% và 9% so với năm 2018.
Một mối quan ngại khác được nhiều chuyên gia nêu ra là, nếu tiếp tục giao ACV làm nhà đầu tư các dự án đầu tư tại các cảng hàng không sẽ dẫn tới nguy cơ khép kín trong đầu tư, khi đơn vị này vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác.
“Sự độc quyền của ACV trong hạ tầng hàng không thời gian qua có thể do lịch sử để lại. Hiện là thời điểm thích hợp để đánh giá lại vai trò của ACV trong việc quản lý, đầu tư, khai thác công trình kết cấu hạ tầng hàng không trước và sau khi cổ phần hóa”, TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhận định.