Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là một trong những lý do khiến lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn trong năm 2017

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là một trong những lý do khiến lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn trong năm 2017

AGF: Chênh vênh niềm tin trước thềm đại hội 2018

(ĐTCK) Tiếp tục lỗ trong quý 1 niên độ 2017-2018, bức tranh tài chính-kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu cá tra - AGF đang cho thấy nhiều vấn đề. Bối cảnh kinh doanh còn không ít khó khăn cùng tình trạng chậm thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin càng khiến niềm tin của nhà đầu tư vào AGF thêm bấp bênh trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2018.

Quý I, lỗ tiếp gần trăm tỷ đồng

Sau 2 lần bị Sở GDCK TP.HCM (HOSE) nhắc nhở, ngày 29/2/2018, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish - mã AGF) đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý I niên độ 2017-2018 (từ 1/10/2017-30/9/2017). Trái với kỳ vọng sẽ có sự cải thiện sau khi đã lỗ 187 tỷ đồng trong niên độ tài chính trước đó, kết quả kinh doanh quý I của AGF vẫn gây thất vọng cho nhà đầu tư khi tiếp tục báo lỗ gần 100 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý đầu niên độ, mặc dù xuất khẩu cá vẫn là mảng chủ đạo khi đạt giá trị 348,4 tỷ đồng, chiếm 69% tổng doanh thu và tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận gộp của AGF vẫn chưa thể cải thiện vì tốc độ giảm của giá vốn (9,9%) chậm hơn doanh thu (24,6%).

Cùng với đó, doanh thu tại các mảng tiêu thụ nội địa như bán cá, phụ phẩm, thức ăn chăn nuôi, cá nguyên liệu… đều giảm, khiến tổng doanh thu nội địa chỉ còn 157,2 tỷ đồng, giảm 52,8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận tại các mảng này cũng không đáng kể khi giá vốn hầu hết đều bằng doanh thu.

Kết quả, do giá vốn cao hơn doanh thu, đạt tương ứng 661,1 tỷ đồng và 505,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp trong kỳ của AGF bị âm 55,6 tỷ đồng, dẫn tới khoản lỗ 96,5 tỷ đồng, tương đương 34,3% vốn điều lệ, bất chấp các khoản chi phí như chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ.

Không chỉ ghi nhận lỗ, BCTC của AGF còn cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong cơ cấu tài sản và nguồn vốn, mà nổi cộm là các khoản phải thu và tồn kho.

Cụ thể, tính đến 31/12/2017, khoản phải thu là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của AGF với tỷ trọng 51,5%, song chất lượng các khoản này đang bị đặt dấu hỏi khi tại thời điểm cuối quý I, AGF đã phải trích lập dự phòng 159,6 tỷ đồng, tương đương 16,5% giá trị. Trong niên độ 2016-2017, việc phải trích lập các khoản phải thu thêm 82,6 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,8 lần, đẩy lỗ sau thuế lên đến 187 tỷ đồng.

Trong khi đó, với đặc thù các mặt hàng thủy sản có thời gian tồn kho ngắn, dễ hư hỏng, việc tồn kho lớn (chiếm tỷ trọng 21,4% tổng tài sản) còn khiến AGF đối mặt với rủi ro chi phí lưu kho tăng cao. Trong niên độ 2016-2017, chi phí lưu kho của AGF là 42,9 tỷ đồng, tăng 48,4% so với 2016 và chiếm 34,5% chi phí bán hàng.

Về cơ cấu tài chính, việc thua lỗ tổng cộng 284 tỷ đồng trong niên độ 2016-2017 và quý đầu năm niên độ mới đã khiến vốn chủ sở hữu của AGF sụt giảm nghiêm trọng, cơ cấu vốn nghiêng hẳn về phía nợ. Tính đến 31/12/2017, nợ phải trả của AGF chiếm 69,3% nguồn vốn, với 65,4% tổng nợ là các khoản vay ngắn hạn. Trong đó, vay ngoại tệ chiếm phần lớn với 18,79 triệu USD (tương đương 427,4 tỷ đồng), vay nội tệ 313,8 tỷ đồng.

Với doanh thu xuất khẩu là chủ yếu, các khoản vay ngoại tệ với lãi suất bình quân từ 3,5-5% đã và đang giúp AGF tiết giảm đáng kể chi phí lãi vay so với vay nội tệ. Tuy nhiên, việc vay ngoại tệ lớn sẽ tạo áp lực lên hoạt động sản xuất-kinh doanh nếu tỷ giá biến động. Cơ cấu nợ lớn cũng khiến AGF đối mặt với rủi ro thanh toán khi các khoản nợ đến hạn do phần lớn tài sản nằm ở mục tồn kho và phải thu, nhất là khi AGF đang duy trì lượng tiền mặt khá nhỏ so với quy mô doanh nghiệp.

Cụ thể, tại thời điểm cuối quý I niên độ 2017-2018, cho dù đã tăng gấp đôi so với đầu kỳ, nhưng số dư tiền và tương đương tiền của AGF chỉ là 35,9 tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng tài sản, tương đương tỷ suất thanh toán chỉ là 3,1%. Điều này có thể gây khó khăn nhất định cho AGF khi cần thanh toán tiền mua hàng hóa, cũng như trả các khoản vay tới hạn, nhất là khi vay ngắn hạn chiếm tới 98% nợ phải trả. 

Tính đến 31/12/2017, lỗ lũy kế của AGF đạt 188,8 tỷ đồng, chiếm 67,2% vốn điều lệ. Dù Công ty vẫn còn một khoản dự trữ thặng dư vốn cổ phần 411,3 tỷ đồng có thể sử dụng bổ sung vốn điều lệ, nhưng việc kinh doanh thua lỗ, bên cạnh sự mất cân đối về tài sản và nguồn vốn, nhà đầu tư không khỏi lo ngại cho AGF.

Chênh vênh tương lai AGF

Từng là một trong những "tên tuổi" của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra, cá basa Việt Nam, ngoài hệ thống tiêu thụ nội địa, AGF còn có thị trường xuất khẩu rộng khắp từ Mỹ, EU đến Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Nhật Bản…

Năm 2010, AGF trở thành công ty con của CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG). Sự liên kết này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để cả 2 doanh nghiệp phát triển, nâng cao vị thế trong ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành xuất khẩu cá tra sau đó gặp nhiều khó khăn, Công ty mẹ HVG lâm vào thua lỗ, tình hình kinh doanh của AGF cũng xấu đi. Hiện nay, mặc dù vẫn là một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra đầu ngành, song triển vọng kinh doanh của AGF, trước mắt là trong năm 2018, đang bị đặt nhiều dấu hỏi.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là tình trạng giá nguyên liệu tăng cao. Từ mức giá trung bình 20.500-24.500 đồng/kg, thậm chí có lúc đã giảm về 18.000-19.000 đồng/kg trong năm 2016, giá cá tra nguyên liệu đã tăng vọt lên 28.000-29.000 đồng/kg trong năm 2017. Trong bản tin nhà đầu tư ngày 1/3/2018, CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) cho biết, giá cá tra tại đồng bằng Sông Cửu Long hiện đã vượt 30.000 đồng/kg, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Giá cá nguyên liệu tăng mạnh đem lại lợi nhuận lớn cho người nuôi và các doanh nghiệp cung cấp cá nguyên liệu. Nhưng với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, việc giá bán đầu ra không tăng tương ứng khiến lợi biên nhuận giảm mạnh, thậm chí thua lỗ, mà trường hợp của AGF là một ví dụ.

Về thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2017, ước tính xuất khẩu cá tra đạt giá trị 1,782 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2016, nhưng giá trị xuất khẩu vào EU - thị trường truyền thống của AGF - lại giảm gần 23%.

Bên cạnh áp dụng hàng loạt rào cản kỹ thuật như thuế chống phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn…, việc nhiều thị trường nhập khẩu đưa thông tin bất lợi, thiếu khách quan về sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như sức tiêu thụ của sản phẩm thủy sản xuất xứ từ Việt Nam. Trong khi đó, tại các thị trường mới ở châu Á như Trung Quốc, dù nhiều tiềm năng, nhưng giá bán lại khá thấp, nên doanh thu không cao.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sản lượng xuất khẩu sụt giảm và khó khăn trong đàm phán về giá…, rõ ràng AGF đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm 2018.

Từ cuối 2017, khi mà Công ty mẹ HVG còn loay hoay với bài toán tái cơ cấu và phải thoái vốn tại nhiều công ty con như Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), Thực phẩm Sao Ta (FMC)…, thị trường cũng đã có những đồn đoán HVG (hiện là cổ đông chi phối tại AGF, với tỷ lệ sở hữu 79,58%) có thể sẽ rút vốn khỏi AGF, qua đó kỳ vọng tạo nên “làn gió mới” hỗ trợ AGF cải thiện tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị, sản xuất vượt qua khó khăn.

Trong khi những thay đổi tích cực chưa đến và hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ, cổ đông AGF lại phải nhạn thêm tin buồn khi ngày 1/3/2018, AGF bị HOSE đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và hạn chế giao dịch do vi phạm các nghĩa vụ về công bố thông tin báo cáo tài chính và báo cáo thường niên. Nếu không sớm khắc phục và tiếp tục vi phạm, rủi ro khiến AGF phải rời sàn là hiện hữu. Hiện tại, AGF mới công bố BCTC quý I niên độ 2017-2018.

Ngày 13/3 tới, AGF dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018. Trong tờ trình vừa công bố, trong niên độ 2017-2018, AGF đặt kế hoạch xuất khẩu 30.000 tấn cá tra filet, tiêu thụ nội địa 2.600 tấn, kim ngạch xuất khẩu 60 triệu USD, doanh thu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hiện tại, kế hoạch kinh doanh này được nhìn nhận là thách thức không nhỏ đối với AGF, nhưng nhà đầu tư kỳ vọng, Ban lãnh đạo AGF sẽ có những định hướng, kế hoạch đột phá giúp doanh nghiệp sớm thoát lỗ và tăng trưởng trở lại, nhất là khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác đã và đang chủ động tìm giải pháp, hướng đi mới để đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, tiết giảm chi phí…

Để cải thiện tình hình kinh doanh, AGF cần thêm sự trợ giúp từ nhiều nguồn lực. Trước hết, tại ĐHCĐ ngày 13/3 tới, cổ đông cần nhìn thấy một AGF có điểm sáng và đáng đặt niềm tin.

Tin bài liên quan