SASCO đang nắm giữ thị phần lớn nhất về cung cấp sản phẩm dịch vụ tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

SASCO đang nắm giữ thị phần lớn nhất về cung cấp sản phẩm dịch vụ tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

ACV thoái vốn tại SASCO, cơ hội nào cho nhà đầu tư?

(ĐTCK) Tổng công ty Cảng hàng không - CTCP (ACV) vừa thông báo sẽ chuyển nhượng 3.945.000 cổ phiếu tại CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO - mã chứng khoán SAS) để giảm tỷ lệ nắm giữ từ 51% xuống 48% nhằm tái cơ cấu các khoản đầu tư. Phương thức thoái vốn là khớp lệnh qua sàn từ ngày 6/12/2016 đến ngày 4/1/2017.

Đây không phải là lần đầu tiên ACV thực hiện thoái các khoản đầu tư dưới dạng lô lớn trên thị trường chứng khoán. Đầu tháng 11/2016, ACV đã bán 1.319.700 cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn, tương đương 3% vốn điều lệ, bằng phương thức khớp lệnh, với mức giá từ 106.000 - 112.000 đồng/CP

Sau khi ACV thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SGN đã tăng từ 106.000 đồng/CP lên 130.000 đồng/CP, tương đương tỷ suất lợi nhuận hơn 22% trong 1 tháng, trong bối cảnh chỉ số VN-Index đi ngang quanh mốc 660 điểm. Thực tế cho thấy, yếu tố Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp niêm yết có tác động không nhỏ tới diễn biến giá cổ phiếu, phần lớn theo chiều hướng tích cực. Ngoài cổ phiếu SGN, có thể kể đến những trường hợp khác như SIC, VIS…, giá các cổ phiếu này có mức tăng trên 50% sau khi Nhà nước thực hiện thoái vốn.

Nếu mua cổ phiếu SAS do cổ đông Nhà nước thoái vốn, ngoài cơ hội đầu cơ ngắn hạn, nhà đầu tư có nhu cầu nắm giữ dài hạn có thể tận dụng được cơ hội này hay không? Theo một số chuyên gia, ngoài xem xét các yếu tố thị trường thì nhất thiết phải tìm hiểu các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, đánh giá được triển vọng của doanh nghiệp.

Ở khía cạnh này, SASCO hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng không, một ngành đang khá “hot” trong con mắt các nhà đầu tư và nắm giữ thị phần lớn nhất về cung cấp sản phẩm dịch vụ tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - sân bay lớn nhất Việt Nam về sản lượng khách qua cảng. Năm 2015, sản lượng hành khách qua sân bay này đạt hơn 26 triệu lượt người, vượt công suất phục vụ của nhà ga. 9 tháng đầu năm 2016, con số này vào khoảng 24 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính của SASCO, lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty bao gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, kinh doanh phòng khách, kinh doanh hàng hóa và kinh doanh chế biến. Trong năm 2015, riêng mảng kinh doanh hàng miễn thuế và phòng khách, mỗi mảng mang lại gần 120 tỷ đồng lợi nhuận cho Công ty.

Lợi thế lớn của SASCO trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ hàng miễn thuế là có sự hậu thuẫn của đối tác chiến lược IPP Group, đơn vị kiểm soát 80% thị phần hàng hóa thời trang cao cấp tại Việt Nam. SASCO đang vận hành hầu hết số lượng phòng khách thương gia tại Nhà ga Sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi đó, lượng hành khách có mức tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm. Theo đó, SASCO có yếu tố thuận lợi để đón đầu cơ hội tăng trưởng nhanh của thị trường hàng không.

9 tháng đầu năm nay, SASCO đạt 1.540 tỷ đồng doanh thu, tăng 4%; lợi nhuận đạt 169 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành gần 94% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016.

Trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, SASCO đã cải thiện khả năng sinh lời bằng cách điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, diện tích mặt bằng kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của Công ty trong 9 tháng đầu năm tăng từ 35% lên 41%.

Lợi nhuận mỗi cổ phần (EPS) 4 quý gần nhất của SASCO đạt 5.300 đồng/CP, nếu loại trừ khoản bất thường do quá trình cổ phần hóa, thì EPS 4 quý gần nhất của Công ty ước đạt 2.425 đồng. Với giá giao dịch bình quân hiện nay là 26.000 đồng/CP, SAS có hệ số P/E 10,7 lần - mức trung bình của thị trường, chưa thể hiện tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không.

Trong trung hạn, việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến hoàn tất vào năm 2018, sẽ giúp công suất nhà ga tăng 60%, đạt 40 triệu hành khách/năm. Điều này trực tiếp kích thích tăng trưởng ở các lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ thực phẩm và đồ uống, cũng như phòng khách của SASCO.

Về dài hạn, khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, dự kiến từ năm 2025, với công suất 50 triệu hành khách mỗi năm, SASCO sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường, trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu tại đây.

Tin bài liên quan