Để hưởng ưu đãi về thuế xuất, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước trong CPTPP, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa.

Để hưởng ưu đãi về thuế xuất, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đi các nước trong CPTPP, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa.

Doanh nghiệp xuất khẩu sang CPTPP cần lưu ý tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa từ 8/3/2019

Việc tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy định liên quan đến khai quy tắc xuất xứ (C/O) là phương thức giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định CPTPP.

Lưu ý  khai xuất xứ hàng xuất khẩu

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và Trung tâm Hội nhập quốc tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh vừa  tổ chức Hội thảo Hướng dẫn tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O) trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ 14/1/2019, liền sau đó, ngày 22/1/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP, Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/3/2019.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) cho biết, Thông tư số 03/2019/TT-BCT  gồm 5 Chương, 33 Điều và 9 Phụ lục kèm theo sẽ có hiệu lực từ 8/3/2019.

So với các FTA Việt Nam đã ký và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC; danh mục PSR được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể.

Có 3 danh mục PSR: danh mục PSR đối với mặt hàng dệt may, danh mục PSR đối với xe và các bộ phận, phụ kiện và danh mục PSR đối với các mặt hàng còn lại.

Trong nội dung De Minimis, CPTPP quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc “Chuyển đổi mã số hàng hóa” ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa. Riêng đối với hàng dệt may, tỷ lệ “linh hoạt” này ở mức tối đa 10% trọng lượng của hàng hóa hoặc 10% trọng lượng của loại sợi hoặc vải quyết định phân loại mã số hàng hóa. 

Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo bà Hiền, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dựng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

Ðối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu.

Bà Hiền khuyến cáo, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc xác minh xuất xứ hàng hóa đang được áp dụng hàng ngày, hàng giờ, nhằm không xảy ra hiện tượng hàng hóa từ Mỹ đi qua một số nước, trong đó có Việt Nam rồi xuất sang Trung Quốc và ngược lại, hàng từ Trung Quốc qua một số nước rồi mới đến Mỹ.

Được đánh giá là ngành có nhiều lợi thế xuất khẩu khi CPTPP thực thi, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) khẳng định, việc tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ là phương thức giúp doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định CPTPP.

Bởi vậy, ngay trong tuần qua, Vitas đã phói hợp với Bộ Công Thương mở lớp đào tạo cho doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ trong CPTPP,  nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP.

Khai thác thị trường CPTPP

Theo Bộ Công Thương, kết thúc năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP  đạt 74,478 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên trong Hiệp định đạt 37,6 tỷ USD.

Đáng nói, Việt Nam xuất siêu sang 5 thị trường gồm: Canada, Chile, Mexico, Australia và Peru, đồng thời nước ta cũng nhập siêu từ 5 thành viên còn lại gồm: Brunei, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản và Singapore. Riêng Canada là thị trường Việt Nam đạt con số xuất siêu lớn nhất với trị giá đạt 2,155 tỷ USD.

Hiện, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP với kết quả giao thương đạt 37,862 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt hơn 18,851 tỷ USD, nhập khẩu đạt 19,011 tỷ USD.

Việt Nam đang có ưu thế khi xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản sang các bạn hàng trong CPTPP. Trong khi đó, Việt Nam chi nhiều ngoại tệ để nhập khẩu máy móc, thiết bị; các sản phẩm điện tử; xăng dầu… .

Với một thị trường xuất khẩu lớn và có nhiều tiềm năng để tăng giá trị xuất khẩu khi CPTPP đã đi vào hiệu lực từ đầu năm, việc cập nhật và thực thi hiệu quả các quy định về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình xuất khẩu, và mục tiêu lớn hơn là nhận được các ưu đãi thuế.

Theo kế hoach, Hội nghị “Hướng dẫn tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được Bộ Công Thương phổ biến tới các doanh nghiệp tại Hải Dương vào 5/3/2019.

Tin bài liên quan