Nhiều doanh nghiệp “ngấm đòn” Covid-19
Thống kê của Fiinpro cho biết, tới thời điểm 6/5, đã có 921 doanh nghiệp niêm yết (chiếm 94% vốn hóa thị trường) công bố con số chính thức hoặc ước tính kết quả kinh doanh quý I.
Trong đó, 746 doanh nghiệp có lãi, 193 doanh nghiệp thua lỗ. Nếu chỉ tính các doanh nghiệp phi tài chính, không tính các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán và quản lý quỹ thì doanh thu giảm 4,3%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 41,1%.
Các doanh nghiệp trong rổ VN30 đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 có tổng doanh thu tăng 2,4%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chỉ có 10 doanh nghiệp có doanh thu giảm so với cùng kỳ, nhưng có đến 21 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp báo lỗ lớn như PLX lỗ 1.813 tỷ đồng, VJC lỗ 989 tỷ đồng và MSN lỗ 216 tỷ đồng. Ðây cũng là quý đầu tiên PLX và VJC báo lỗ tính từ ngày niêm yết.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến bệnh dịch trong thời gian qua có thể thấy, tháng 4/2020 là thời điểm nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lệnh giãn cách xã hội cũng như một số ngành nghề phải tạm ngưng sản xuất theo quy định và điều này sẽ sớm thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2020.
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), doanh nghiệp đầu ngành thủy sản, đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với doanh thu thuần đạt 1.636 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, bà Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc VHC chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 khiến cho Công ty khó khăn hơn trong việc xuất khẩu sản phẩm ra các thị trường quốc tế, cộng thêm giá bán giảm đã làm giảm phần lợi nhuận thu về.
Cùng với thủy sản, dệt may cũng là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những hạn chế trong hoạt động xuất khẩu. Tính đến hết tháng 4/2020, giá trị xuất khẩu hàng may mặc và xơ sợi ước giảm lần lượt 6,0% và 6,6% so với cùng kỳ 2019.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), từ nửa cuối tháng 3, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và EU đã đề nghị các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giãn, hoãn giao hàng, thậm chí là hủy hợp đồng. Lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của ngành dệt may dự báo có thể giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Khác với các mặt hàng thiết yếu, hoạt động của ngành may mặc phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Biện pháp phong tỏa ở nhiều quốc gia sẽ có tác động nghiêm trọng hơn lên ngành dệt may Việt Nam trong quý II/2020.
Tại CTCP Dệt may Thành Công (TCM), doanh thu thuần trong quý I/2020 đạt 790,2 tỷ đồng, giảm 19,2% so với cùng kỳ; trong đó, chủ yếu là do doanh thu xuất khẩu sụt giảm 25%.
Theo TCM, lực đỡ doanh thu trong quý đầu năm đến từ hoạt động thu phí gia công đạt 66,5 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và thu về lợi nhuận ròng 34 tỷ đồng, giảm tương ứng 21% so với cùng kỳ 2019. Ðây cũng là quý ghi nhận lợi nhuận thấp nhất của TCM trong 2 năm trở lại đây.
Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, những khó khăn, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 là điều doanh nghiệp đã sớm lường được.
Với TCM, khó khăn có thể còn tiếp diễn trong quý II/2020 khi thị trường xuất khẩu của Công ty chủ yếu là Mỹ, mà đây là thị trường đang chịu ảnh hưởng mạnh nhất của dịch bệnh.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, TCM đưa ra dự báo mức sụt giảm kim ngạch vào thị trường Mỹ trong năm 2020 từ 7% đến 10%, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi đến nay, Mỹ chưa khống chế được dịch bệnh.
Các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ còn chịu thiệt hại ở mức khủng khiếp hơn. Ðơn cử như tại CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC), sự ngưng trệ trong hoạt động mua sắm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến doanh số ô tô quý I sụt giảm sâu.
Trong quý I, doanh thu thuần của SVC đạt 3.145,7 tỷ đồng, giảm 25,4%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 8,8 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ 2019.
Theo SVC, lãi gộp trong mảng phân phối ô tô tiếp tục suy giảm mạnh do áp lực giải phóng hàng tồn kho và cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Chưa kể, mảng kinh doanh trung tâm thương mại, nhà hàng cũng chịu thiệt hại, dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan.
“Không còn đưa ra nhiều kịch bản như thời gian đầu, hiện nay, chúng tôi tập trung vào việc làm thế nào để vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục đưa Công ty trở về guồng quay cũ”, lãnh đạo SVC chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán.
Theo thống kê của Fiinpro, tính đến ngày 7/5/2020, đã có 290 doanh nghiệp công bố Nghị quyết Ðại hội đồng cổ đông với mức vốn hóa chiếm 13,6%. Tổng doanh thu kế hoạch của những doanh nghiệp này giảm nhẹ (0,05%) so với số thực hiện năm 2019, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 10,4%.
Dữ liệu này cho thấy, có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh.
Ðối với doanh nghiệp ngành tiện ích nói chung như điện, nước, xăng dầu, khí đốt ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 12,1% và 45% so với số thực hiện năm 2019, một phần chủ yếu từ kế hoạch sụt giảm mạnh của Tổng công ty Khí (GAS) do doanh nghiệp này chiếm 45% vốn hóa toàn ngành.
Ðiều này ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận chung của ngành trong năm 2020.
Các doanh nghiệp ngành hàng cá nhân và gia dụng được Fiinpro cập nhật chủ yếu là nhóm doanh nghiệp may mặc, vốn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự suy giảm về cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm do đại dịch Covid-19.
Ðáng chú ý, VGG đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt là 30,3% và 70,2%.
Thay đổi để thích ứng
Ở thời điểm đầu năm, TCM rất tự tin vào khả năng tăng trưởng hai con số trong năm 2020, nhưng nay mức lợi nhuận đã điều chỉnh và con số dự kiến là 188 tỷ đồng, tương ứng giảm 12,9% so với năm 2019.
Theo TCM, để đạt được kế hoạch này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía Công ty và phụ thuộc vào sự kiểm soát bệnh dịch của các thị trường quốc tế, mà trọng điểm vẫn là thị trường Mỹ.
Còn với VHC, theo chia sẻ của bà Ngô Vi Tâm, hoạt động của Công ty phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, nên khó tránh khỏi sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng sự bù đắp của các thị trường trong từng giai đoạn cũng giúp Công ty giảm bớt khó khăn.
Bởi dù trong đại dịch, thủy hải sản vẫn là mặt hàng thiết yếu. Hoạt động xuất khẩu của VHC sang thị trường Trung Quốc bắt đầu tăng dần trong tháng 5 và gần như sẽ phục hồi hoàn toàn vào tháng 6/2020. Ðiều này có thể bù đắp được sự sụt giảm đối với hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Hiện nhu cầu cá tra tại Trung Quốc đã phục hồi 60 - 70% so với mức thông thường, bắt đầu từ giữa tháng 4 khi các cửa hàng dịch vụ ăn uống tại đây dần mở cửa trở lại. Ngoài ra, do sự giãn cách xã hội nên hàng hóa tiêu thụ trong siêu thị tại thị trường Tây Ban Nha hay các nước trong EU nói chung cũng giúp Công ty tăng doanh số. Ở giai đoạn này, ngoài các thị trường chủ lực truyền thống, chúng tôi đang mở rộng thêm thị trường Nhật Bản, Trung Ðông…” bà Tâm chia sẻ.
Trong khó khăn cũng là lúc mà từng ngành hàng, từng doanh nghiệp phải nhìn lại mình để thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, cơ cấu lại thị trường, đối tác… để hạn chế rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm.
Theo SVC, hoạt động kinh doanh của Công ty đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là mảng dịch vụ thương mại.
Trong thời gian này, SVC sẽ tập trung thực hiện tái cấu trúc bộ máy nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa, thậm chí đã phải tính đến việc huy động cán bộ công nhân viên chung sức cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn như cắt giảm lương, làm việc luân phiên…
Lãnh đạo của một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cũng chia sẻ, hiện Công ty đang rà soát lại kế hoạch nguồn thu, qua đó, nhìn nhận các khoản thu khả quan nhất để tối ưu hóa dòng tiền; đồng thời, xem xét lại các khoản chi tiêu cần thiết.
Thậm chí, Công ty có thể xem xét điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 để phù hợp hơn với tình hình thực tế.