Doanh nghiệp xăng dầu cấp tập tìm hàng thay Dung Quất

Doanh nghiệp xăng dầu cấp tập tìm hàng thay Dung Quất

Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro mau chóng lên kế hoạch tìm nguồn hàng ở Singapore, Hàn Quốc, Trung Đông thay thế khi nguồn cung từ Dung Quất bất ngờ đứt đoạn. Doanh nghiệp khẳng định, "có khó khăn nhưng vẫn kiểm soát được".

> “Không có chuyện” nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng hoạt động

Sau nhiều lần phủ nhận, lãnh đạo nhà máy lọc dầu Dung Quất sáng nay đã xác nhận có sự cố ở phân xưởng công nghệ Cracking xúc tác (RFCC) và bắt đầu từ chiều 8/8, nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động. Phó tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho hay, theo kế hoạch, nhà máy lọc dầu Dung Quất cung cấp cho tập đoàn khoảng 2,2 triệu m3 xăng dầu thành phẩm mỗi năm, tương đương 183.000 m3 mỗi tháng.

"Sau khi nhận được thông báo cách đây hai hôm về khả năng nhà máy tạm ngừng hoạt động, Petrolimex đã lên kế hoạch nhập khẩu xăng dầu thành phẩm thay thế với lượng tương đương nguồn từ Dung Quất", ông Năm cho hay.

 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động từ chiều nay.

 

Cũng theo ông Năm, việc mua sản phẩm thay thế sẽ không chỉ ở thị trường Singapore mà Petrolimex sẽ tìm kiếm nguồn hàng ở cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Trung Đông. Lãnh đạo doanh nghiệp chiếm thị phần 60% xăng dầu cả nước này cho hay, khác những lần trước, việc dừng bán xăng dầu "đột xuất" này sẽ khiến doanh nghiệp không tránh khỏi bị động trong bối cảnh xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao.

Trên thị trường thế giới, giá dầu liên tục biến động. Dầu thô giao tháng 8 hôm nay mở cửa ở 93,41 USD mỗi thùng cao hơn 10 cent so với ngày hôm qua. Giá dầu Brent mở cửa ở ngưỡng 111,58 và có thời điểm lên tới 111,82 đôla, tăng nhẹ so với phiên chốt 111,63 đôla của ngày hôm qua.

Từ đầu tháng 8 đến nay, giá dầu thô liên tục biến động. Sau khi xuống 87,28 đôla mỗi thùng vào ngày 2/8, giá đã đổi chiều tăng liên tục lên hơn 93 đôla trong ngày hôm nay.

Theo thông lệ, các hợp đồng xăng dầu nhập khẩu được đàm phán từ trước và thường là hợp đồng kỳ hạn, giao sau. Theo ông Năm, hợp đồng giao ngay có thể không thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước khi đàm phán. "Để hạn chế tối đa khả năng bị ép giá, Petrolimex cũng sẽ tính toán kỹ tiến độ nhập bổ sung như thế nào cho hiệu quả nhất. Về cơ bản, các khó khăn vẫn trong tầm kiểm soát", ông Năm khẳng định.

Theo kế hoạch, năm nay Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất khoảng 6,9 triệu m3 hoặc tấn xăng dầu trong đó 3 đầu mối được phân bổ nhiều nhất là Petrolimex và hai đơn vị thuộc PetroVietnam là Petec và PVOil với tổng cộng gần 5 triệu tấn. Còn lại các đơn vị khác như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội nhập khoảng 140.000 m3 (hoặc tấn); Vinapco gần 300.000 m3 (hoặc tấn); Thanh Lễ khoảng 270.000 m3, tấn. SaiGon Petro và Đồng Tháp nhập khoảng 560.000 m3, tấn.

Trước đó, từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7, nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã dừng hoạt động để xử lý các lỗi kỹ thuật trước khi nghiệm thu. Một lãnh đạo của PVOil cho hay, việc xăng dầu Dung Quất ngừng để bảo dưỡng là "chuyện bình thường". Tuy nhiên trong bối cảnh giá dầu thế giới lên cao nên "mọi người có cảm giác căng thẳng".

Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 30%, trong đó PV Oil mua khoảng 1,6 triệu m3, tấn xăng dầu trong năm nay. Như vậy, nếu Nhà máy lọc dầu Dung Quất dừng khoảng 3-4 tuần, thì PVOil có thể phải tìm nguồn thay thế khoảng gần 100.000 - 135.000 tấn m3 xăng dầu.

Saigon Petro, đơn vị phải nhập khoảng 300.000 tấn m3 xăng dầu Dung Quất cũng khẳng định, doanh nghiệp đã sẵn sàng nhập khẩu nguồn thay thế gấp khi nguồn cung bị đứt đoạn. Để tránh bị ép giá, lãnh đạo này khẳng định ông đã lên kế hoạch tìm nguồn ở Hàn Quốc , Malaysia Indonesia . "Để đảm bảo cho khách hàng thì buộc phải nhập khẩu gấp. Lỗ cũng phải nhập, vì kinh doanh phải chấp nhận may rủi", ông nói.

Một số doanh nghiệp xăng dầu lo ngại, khi nhập khẩu tăng đột biến thì nhu cầu USD có khả năng sẽ biến động vì mỗi năm doanh nghiêp cần hàng tỷ đôla để thanh toán nhập khẩu. Đơn cử, sau khi đã trừ lượng hàng đã mua từ Dung Quất được thanh toán bằng VND, Petrolimex có nhu cầu khoảng 5 tỷ USD.

Khẳng định có khả năng tỷ giá sẽ biến động song lãnh đạo Petrolimex cho hay, mức độ ảnh hưởng sẽ nằm trong giới hạn vì nguồn ngoại tệ cung - cầu hiện nay tương đối tốt. "Ngoài ra, sản lượng dầu thô xuất khẩu có thể bổ sung thêm nguồn đôla để cân đối nên vấn đề ngoại tệ sẽ không quá lo ngại", ông Năm nói.