Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật đang bị chậm so với kế hoạch, khiến Luật Hỗ trợ DNNVV rơi vào tình cảnh đã ban hành mà vẫn phải chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn.
“Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV, đang rất kỳ vọng Luật Hỗ trợ DNNVV được triển khai trên thực tế.
Đến nay, Luật đã ra đời được 8 tháng và kết quả tác động tới doanh nghiệp cần được đánh giá cụ thể, nhưng nhiều văn bản hướng dẫn đang bị chậm trễ, ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện của các doanh nghiệp”, ông Thạch nói.
Theo kiến nghị của đại diện VCCI, các bộ, ngành cần đẩy nhanh việc hoàn thiện ban hành các khung khổ hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt lưu ý trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nên quy định theo hướng tự động hóa việc thực hiện các thủ tục, tránh phát sinh thêm các khâu và giấy tờ làm mất thời gian và gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.
Không chỉ chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn, theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội DNNVV Việt Nam, việc hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn gặp nhiều vướng mắc do các hộ kinh doanh vẫn còn lo ngại về nhiều yếu tố, trong đó có các thủ tục về kế toán, thuế, nhất là việc phải tuân thủ hàng loạt các quy định pháp luật khi chuyển thành doanh nghiệp.
“Nếu không có những giải pháp và hành động cụ thể để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, sẽ rất khó đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 như kế hoạch khi ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo tính toán của ông Nam, chỉ cần 10% trong tổng số 2 triệu hộ kinh doanh hiện nay chuyển đổi lên doanh nghiệp thì đã đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, rất cần có giải pháp đột phá để khuyến khích và giúp các hộ kinh doanh cởi bỏ tâm lý e ngại, chứ không phải chuyển đổi một cách cơ học, cứng nhắc để đạt mục tiêu.
Liên quan đến trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện chính sách thuế, phí và lệ phí đối với DNNVV theo Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Tài chính cho biết, đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 215/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, quy định mới đã điều chỉnh giảm 1 khoản phí và 1 khoản lệ phí, đồng thời bổ sung đối tượng được miễn phí, lệ phí.
Cụ thể, giảm 50% lệ phí đăng ký doanh nghiệp đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 200.000 đồng/lần xuống 100.000 đồng/lần.
Đối với việc cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp, giảm từ 100.000 đồng/hồ sơ xuống 50.000 đồng/hồ sơ.
Bên cạnh đó, giảm mức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, trong đó cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên từ 5 triệu đồng/tháng giảm xuống 4,5 triệu đồng/tháng (giảm 10%), đồng thời bổ sung đối tượng được miễn phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu đối với các DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Đối với hỗ trợ về tiếp cận tín dụng của các DNNVV theo Luật Hỗ trợ DNNVV và Chỉ thị 15, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp gỡ khó cho DNNVV tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; chủ động nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp quy mô hoạt động của DNNVV; xây dựng các gói tín dụng với lãi suất phù hợp cho DNNVV ở các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ tham gia mục liên kết ngành, chuỗi giá trị và khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, sẵn sàng phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của DNNVV khởi nghiệp, tham gia cụm liên kết ngành giá trị, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV...
Nhằm đẩy nhanh việc hiện thực hóa Luật Hỗ trợ DNNVV, tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có chỉ thị đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thực hiện Luật, trong đó đưa ra khung đề án hỗ trợ DNNVV một cách cụ thể.
Theo đó, với tư cách là cơ quan chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị 15, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan, bộ, ngành cần nhanh chóng xây dựng các kế hoạch cụ thể đối với từng nhiệm vụ được giao, trong đó đặc biệt lưu ý tới thời hạn hoàn thành và đầu mối chịu trách nhiệm của từng nhiệm vụ và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 15, đồng thời cần có báo cáo định kỳ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng.