Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp hỗ trợ đã lên tới gần 8 tỷ USD

Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp hỗ trợ đã lên tới gần 8 tỷ USD

Doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ làm được... vỏ bao bì cho Samsung

Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung và đặt nền tảng cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Hàng loạt câu hỏi đã được các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đặt ra với lãnh đạo Samsung tại Hội thảo Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, diễn ra hôm qua (11/9) tại Hà Nội. Samsung có sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam? Nếu DN Việt đầu tư xây dựng một nhà máy mới, Samsung có sẵn sàng ký thỏa thuận mua sản phẩm cho họ?...

“Chúng tôi đang cung cấp linh kiện cho Samsung, nhưng thông qua một đơn vị khác. Chúng tôi có thể trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung hay không?”, ông Trần Anh Vương, Giám đốc Công ty Công nghệ Bắc Việt, một trong những DN Việt Nam hiếm hoi đang cung cấp linh phụ kiện cho Samsung, cũng đã đặt câu hỏi như vậy.

Và câu trả lời chung mà các DN Việt Nam nhận được, đó là rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam, miễn là phải đáp ứng được các tiêu chí mà Samsung đưa ra một cách rất minh bạch. “Năm ngoái, chúng tôi đã chi 19,8 tỷ USD để mua hàng. Quan điểm của chúng tôi luôn đưa ra các chính sách mở để tiếp cận khách hàng, không phân biệt quốc tịch, ngôn ngữ… của nhà cung cấp”, ông Jang Hoyoung, Tổng giám đốc Bộ phận Mua hàng (Công ty Samsung Electronics Việt Nam) nói và cho biết cụ thể các tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn nhà cung cấp của Samsung từ trước tới nay, như công nghệ, chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng…

Cơ hội là có thật và việc sau Hội thảo, các DN Việt Nam đã trực tiếp làm việc, trao đổi với Samsung về các thỏa thuận mua - bán hàng đã chứng minh điều đó. Song một cách thẳng thắn, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong số khoảng 100 DN tham gia Hội thảo, không nhiều DN đáp ứng được yêu cầu của Samsung. “Nhưng với các tiêu chí cụ thể được Samsung đưa ra, chúng tôi hy vọng, các DN Việt Nam sẽ nỗ lực hơn để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất này và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu của họ”, ông Hoàng nói.

Số liệu được Samsung Electronics Việt Nam công bố, trong số 93 nhà cung cấp linh phụ kiện cho Samsung, chỉ có 7 DN Việt Nam. Và như lời ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Khu tổ hợp Samsung đã nói, các DN Việt Nam cũng mới chỉ cung cấp các sản phẩm in ấn, bao bì.

Cũng theo ông Shim Won Hwan, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp hỗ trợ đã lên tới gần 8 tỷ USD. Kế hoạch đầu tư mở rộng cũng đang được tiếp tục. Tuy nhiên, dù Samsung có mở rộng quy mô đầu tư và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam đến đâu chăng nữa, thì vẫn cần có những điều kiện làm tiền đề. Và một trong những tiền đề đó là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực tương ứng. “Nếu không thể phát triển được công nghiệp hỗ trợ trong nước, chắc chắn, mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và hệ quả là sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài”, ông Shim Won Hwan nói.

Trong khi đó, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, người luôn đau đáu với việc làm sao để tăng dần giá trị gia tăng của các sản phẩm Samsung từ khoảng 30% hiện nay lên cao hơn, đã không ngần ngại bày tỏ mong muốn ngày càng nhiều hơn DN Việt Nam tham gia cung cấp linh kiện cho Samsung. Đó chính là lý do vì sao, GS-TSKH Nguyễn Mại là người đứng ra làm cầu nối để các bên, bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài và Samsung Electronics Việt Nam tổ chức Hội thảo.

“Tổ chức hội thảo và triển lãm để DN Việt Nam có thể tiếp cận nhu cầu và đòi hỏi của Samsung đối với công nghiệp hỗ trợ”, ông Mại cho biết. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm khởi đầu cho kế hoạch hợp tác giữa Hiệp hội và Samsung. Mục đích lớn hơn, ông Mại kỳ vọng, sẽ thiết lập được quan hệ hợp tác giữa Samsung và DN Việt Nam. “Chúng tôi muốn thông qua sự hợp tác với Samsung để tìm mô hình thích hợp cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”, ông Mại nói và cho biết, sau Hội thảo, sẽ có hàng loạt hoạt động khác được tổ chức, như lựa chọn một số DN có thể đầu tư công nghệ đáp ứng các điều kiện của Samsung để làm thí điểm, sau đó mở rộng thí điểm trên cơ sở các chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ…

“Cuối năm 2015, chúng tôi sẽ tổng kết quá trình hợp tác với Samsung để kiến nghị hệ thống giải pháp bao gồm chính sách, quỹ phát triển, mô hình…, nhằm mở rộng diện các DN tham gia công nghiệp hỗ trợ”, ông Mại nói.

Thực ra, không chỉ Hiệp hội hay Cục Đầu tư nước ngoài hào hứng với kế hoạch hợp tác này. Ông Shim Won Hwan cũng đã thẳng thắn chia sẻ mong muốn ngày càng nhiều hơn DN Việt Nam cung ứng được linh kiện cho Samsung. “Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, chỉ có cố gắng của các DN mua hàng như Samsung, hay sự hỗ trợ của Chính phủ là chưa đủ. Bản thân các DN phải tự lực, thì mới giành được lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty khác về chất lượng, giá thành và thời hạn giao hàng”, ông Shim nói và cũng nhấn mạnh một yếu tố quan trọng, đó là DN Việt Nam cũng phải thay đổi cách suy nghĩ về đối thủ cạnh tranh.

“Khi thị trường tiêu thụ của công ty thu mua được toàn cầu hóa, thì tất yếu việc gia công linh kiện cũng được toàn cầu hóa theo. Vì thế, đối thủ cạnh tranh không đơn thuần là giữa DN Việt Nam hay Hàn Quốc, mà còn là tất cả các DN khác trên phạm vi thị trường toàn cầu”, ông Shim nói.

Câu hỏi đặt ra là, liệu DN Việt Nam, dù hôm nay tham dự Hội thảo đầy hứng khởi như vậy, nhưng có sẵn sàng tham gia vào “cuộc chơi” này?

Không chỉ “chơi” với Samsung, DN Việt Nam đã đến lúc phải học cách chơi được với nhiều DN khác, với các tập đoàn đa quốc gia. Và điều quan trọng, thiết lập và phát triển được hệ thống công nghiệp hỗ trợ, vốn đang thiếu và yếu, cho Việt Nam.

Tin bài liên quan