Khách đông, nhưng doanh nghiệp thất thu
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel đã nhiều lần đề cập câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam đang không được hưởng lợi gì, mặc dù khách Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn, luôn nằm trong top đầu, như năm 2018 vừa qua có gần 5 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam.
Một phần của vấn đề này, theo ông Kỳ là do doanh nghiệp du lịch của Việt Nam quá nhỏ, làm ăn manh mún, không có tính hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Thậm chí một số doanh nghiệp cấu kết, tiếp tay với doanh nghiệp Trung Quốc để hưởng một chút lợi nhỏ, nhưng làm hỏng thị trường du lịch.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cho biết, các doanh nghiệp Việt khai thác được rất ít lợi nhuận từ khách Trung Quốc, bởi những doanh nghiệp Trung Quốc đang thao túng luôn cả thị trường dịch vụ ngay khi khách đã vào Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam khi đưa khách sang Trung Quốc thì chỉ hưởng dịch vụ đến hết địa phận Việt Nam, phần dịch vụ còn lại sẽ do đối tác tại Trung Quốc đảm nhiệm.
“Bài” của một số doanh nghiệp Trung Quốc khi đưa khách vào Việt Nam là họ quảng cáo bán những tour du lịch 0 đồng, nhưng sẽ đưa khách vào ăn uống, mua sắm tại những cửa hàng chỉ mở riêng cho khách Trung Quốc (nhờ cá nhân và công ty Việt đứng tên).
Những cửa hàng này bán giá sản phẩm cao gấp nhiều lần cho khách để thu về hàng trăm triệu đồng. Như vậy, khách bị thiệt, trong khi lợi nhuận về tay các công ty du lịch Trung Quốc. Những doanh nghiệp Việt Nam được nhờ đứng tên cửa hàng chỉ được trả chút tiền hoa hồng không đáng kể. Điều này dẫn đến thất thu thuế, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch Việt Nam.
Là người làm lâu năm với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc Công ty Du lịch APT Travel cho rằng, để chấm dứt sự tiếp tay kiểu này phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt cần liên kết để chặn tour 0 đồng.
Ông Đài khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết nói không với tour 0 đồng, tour shopping”. APT Travel lựa chọn hợp tác với 10 đối tác uy tín của Trung Quốc trên tinh thần 2 bên cùng có lợi. Thực ra, không phải doanh nghiệp nào của Trung Quốc cũng làm ăn chụp giật. Các đối tác của APT Travel đã giúp đỡ Công ty rất nhiều trong việc kết nối đưa khách sang Trung Quốc.
Quản lý chặt hướng dẫn viên ngoại
Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 tới sẽ phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng với hành vi sử dụng hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho khách các nội dung thông tin xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia.
Tuy nhiên, để phạt được không dễ. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Du lịch Transviet nêu thực tế, một số doanh nghiệp du lịch cấu kết, tiếp tay để hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan quản lý rất khó kiểm soát nội dung mà hướng dẫn viên nước ngoài giới thiệu với khách du lịch. Các đoàn thanh tra cũng không thể đi theo để nghe họ nói gì.
“Theo tôi nên có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Chẳng hạn ở những điểm tập trung nhiều khách du lịch như sân bay, hoặc ở những điểm du lịch nổi tiếng nhiều khách du lịch, người hướng dẫn khi kiểm tra không có thẻ hành nghề hoặc người nước ngoài là người cầm cờ và hướng dẫn có thể xử lý phạt thật nặng ngay tại chỗ. Ngoài ra, chúng ta có thể ngăn chặn được hành vi của hướng dẫn ngoại qua hệ thống camera gắn trên ô tô”, ông Đạt đề xuất.
Trong khi đó, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Viet Media Travel đề nghị cần có nghị định riêng xử phạt những đối tượng hướng dẫn viên ngoại hành nghề tại Việt Nam.
Khẳng định mặt tốt của nghị định là có thể chấn chỉnh được một bộ phận hướng dẫn viên đang làm hỗn loạn thị trường, đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch tự do, nhưng bà Phan Thị Thu Minh, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Anh cho rằng, có xử phạt được hay không lại phụ thuộc cơ quan quản lý và cần phải có chế tài rõ ràng về việc xử phạt hướng dẫn viên Việt tiếp tay cho hướng dẫn viên ngoại hoạt động tại thị trường Việt Nam.