Doanh nghiệp vẫn đang co cụm

Doanh nghiệp vẫn đang co cụm

(ĐTCK) Dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi so với quý I/2012, nhưng nhiều đánh giá cho thấy, hiện sức phục hồi các chỉ số kinh tế vẫn còn rất yếu ớt.

Doanh nghiệp vẫn đang co cụm  ảnh 1Quý I/2013, tổng sản phẩm nội địa tại TP. HCM chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ. (Ảnh: Internet)

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của TP. HCM trong quý I/2013 cho thấy, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ. Mức tăng này cho thấy tình hình sản xuất - kinh doanh đã từng bước phục hồi nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân quý I các năm trước (quý I/2010 tăng 11%; năm 2011 tăng 10,29%; năm 2012 tăng 7,4%). Cụ thể trong từng lĩnh vực, dịch vụ tăng 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,8% (cùng kỳ tăng 6,6%), khu vực nông nghiệp tăng 4,8% (cùng kỳ tăng 4,5%). Theo nhiều chuyên gia kinh tế, từ những chỉ số này có thể thấy rằng, dù tình hình kinh tế Thành phố có khả quan hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước.

Trao đổi về những lo lắng của DN hiện nay tại buổi đối thoại với DN mới được tổ chức tại TP. HCM, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hiệp hội lương thực TP. HCM cho rằng, lãi suất ngân hàng cao hay thấp bây giờ không còn quá quan trọng đối với nhiều DN. Vấn đề  căng thẳng nhất hiện vẫn là sức tiêu thụ, là đầu ra của sản phẩm. Để kích thích tiêu dùng, kích cầu sản xuất, ông Mười đề nghị, các cơ quan chức năng xem xét không chỉ giảm thuế  thu nhập DN xuống 20% mà nên giảm cả thuế giá trị gia tăng.

“Muốn thực sự kích thích tiêu dùng thì nên tính đến cả phương án này”, ông Mười nói.

Trong khi đó, giám đốc một DN nhựa gia dụng và văn phòng phẩm cũng cho biết, sức tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm của DN rất chậm, dù DN cũng cố gắng đa dạng hóa các mặt hàng và tìm kiếm thêm nhiều đại lý để mở rộng thị trường.

“Những mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu hàng ngày như lương thực thực phẩm sức mua còn giảm thì những mặt hàng không thực sự cấp bách cho cuộc sống cũng khó mà tăng sức mua. Năm 2012, sức tiêu thụ rất chậm nên lượng hàng bán ra thị trường của công ty đã giảm mạnh, năm 2013 dự kiến còn giảm thêm 10% so với năm ngoái. Chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm thêm đại lý và bạn hàng nhưng cũng không hy vọng quá nhiều vào doanh thu năm nay”, vị giám đốc trên cho biết.

Ông Vương Quang Ngọc, Giám đốc Công ty may Sài Đồng cho biết, trong 2 tháng đầu năm, sức tiêu thụ hàng may mặc khá chậm vì trùng vào dịp lễ Tết. Bắt đầu từ tháng 3/2013, sức tiêu thụ có khá hơn, lượng hàng Công ty cung cấp ra thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc. Ông Ngọc dự đoán, đối với mặt hàng dệt may, sức mua năm nay vẫn còn yếu nhưng sẽ khá hơn năm 2012.

“Với tình hình thị trường như hiện nay, Công ty vẫn chưa có ý định mở rộng thị trường hay mở rộng sản xuất, mà chỉ tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng hàng hóa”, ông Ngọc nói và cho biết, cùng với khó khăn về sức mua, các DN dệt may còn đang phải đối mặt với biến động về nguồn lao động vì nhiều công nhân đã không còn muốn trụ lại với nghề.