Từ đầu năm đến nay, trong số hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, doanh nghiệp đại chúng, mới có khoảng 230 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM

Từ đầu năm đến nay, trong số hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, doanh nghiệp đại chúng, mới có khoảng 230 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM

Doanh nghiệp vẫn chây ì lên sàn, do đâu?

(ĐTCK) Từ đầu năm đến nay, có khoảng 230 doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp đã là công ty đại chúng đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM. Dẫu vậy, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tổng số hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn, vì nhiều lý do…

Nhà quản lý thúc giục…

Sau khi công khai danh sách hơn 700 doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn, được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cùng các Sở Giao dịch chứng khoán rà soát để có biện pháp xử lý nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn sau khi đã bán cổ phần ra đại chúng.

Cụ thể, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán, trong đó quy định các công ty đã là công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung, UBCK đã tiến hành nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình này.

Theo đó, UBCK đã gửi công văn nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp chủ động nắm bắt các quy định pháp lý để tuân thủ việc đưa cổ phiếu lên sàn.

Đối với các doanh nghiệp chưa nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết lên Sở Giao dịch chứng khoán, UBCK đã tổ chức làm việc với lãnh đạo các doanh nghiệp để nắm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch, làm rõ nguyên nhân chậm trễ và yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp xử lý vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan về phía doanh nghiệp để sớm đưa cổ phiếu vào giao dịch.

Sau khi triển khai các giải pháp, đại diện UBCK cho biết, bước đầu mang lại hiệu quả, khi khá nhiều doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn. Điều này thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký giao dịch tăng mạnh trong thời gian qua.

Cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, từ đầu năm đến nay, có khoảng 230 doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp đã là công ty đại chúng đã đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM…

… doanh nghiệp vòng vo

Kết quả bước đầu dù được ghi nhân, song vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Điều này giải thích tại sao trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hàng tháng, một nội dung được Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thường xuyên đề cập là tình trạng doanh nghiệp đã cổ phần hóa vẫn chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ đưa cổ phiếu lên sàn.

Liên quan đến nguyên nhân các doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết, đại diện UBCK cho biết, qua thực tế làm việc, tiếp nhận văn bản giải trình của các doanh nghiệp, việc chậm đăng ký giao dịch có nhiều lý do.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp giải thích việc chậm đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch, niêm yết là do chưa nắm được các quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, phải tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính...

Cùng với đó, quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết mất khá nhiều thời gian, nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng sâu, vùng xa không nắm được các quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết. Ngoài ra, việc đăng ký lưu ký cổ phiếu, như phản ánh của nhiều doanh nghiệp, cũng gặp khó khăn và tốn thời gian, do nhiều cổ đông thay đổi địa chỉ liên hệ…

Một số doanh nghiệp chưa hoàn thiện được hồ sơ theo quy định do vướng mắc liên quan đến việc thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thay đổi vốn điều lệ. Một số doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ lại không đáp ứng điều kiện niêm yết, không còn là công ty đại chúng do số lượng cổ đông giảm xuống dưới 100 cổ đông…

Cùng với việc đôn đốc, giải thích, hướng dẫn việc thực hiện quy định pháp luật về đăng ký giao dịch, niêm yết, đại diện UBCK cho biết, sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với các trường hợp không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định.

“Các trường hợp không đăng ký giao dịch hoặc đăng ký giao dịch chậm trên 12 tháng sẽ đối mặt với khung phạt tiền cao nhất là từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng như quy định tại Nghị định 145/2016 sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán”, vị đại diện trên nói.

Tin bài liên quan