Doanh nghiệp Trung Quốc bắt doanh nghiệp Việt Nam phải "cho không" thương hiệu

Doanh nghiệp Trung Quốc bắt doanh nghiệp Việt Nam phải "cho không" thương hiệu

(ĐTCK) Một doanh nghiệp Trung Quốc đã khởi kiện yêu cầu một công ty Việt Nam phải chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp với giá 0 đồng.
Sáng 6/8, TADN TP. Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.

Một DN Việt Nam, Công ty TNHH Ánh sáng Thành Long bị đối tác Trung  Quốc là Công ty NVC China khởi kiện ra TAND TP. Hà Nội vì không thực hiện hợp đồng chuyển nhường quyền sở hữu công nghiệp.

Hai bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu NVC, vốn đã được Công ty Thành Long đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ vào ngày 7/3/2012.

Hợp đồng phát sinh hiệu lực kể từ ngày 1/4/2014, tất cả quyền, giấy chứng nhận quyền sở hữu, lợi ích phát sinh từ và liên quan tới nhãn hiệu sẽ được chuyên nhượng cho Công ty NVC China.

Tuy nhiên, Công ty Thành Long không thực hiện hợp đồng, không bàn giao văn bằng gốc dẫn đến Công ty NVC China không thể thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Do đó, Công ty NVC China đệ đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Thành Long thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, bàn giao bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu NVC. Trong vòng 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực, nếu Công ty Thành Long không bàn giao văn bằng gốc thì Công ty China có quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu NVC tại Việt Nam.

Lời khai của bị đơn tại phiên tòa cho thấy, có nhiều vấn đề xung quanh tranh chấp này.

Chẳng hạn, hợp đồng chuyển nhượng một nhãn hiệu thương mại nhưng lại có giá là 0 đồng. Theo đó, Điều 1 hợp đồng ghi:  Giá chuyển nhượng nhãn hiệu cố định là không.

Điều này khiến ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công ty Thành Long bức xúc và khẳng định: không có chuyện bán thương hiệu với giá bằng không, việc này chẳng khác nào cho không thị trường Việt Nam cho Công ty NVC China.

Ông Thành cũng không thừa nhận, trang 1 của hợp đồng vì không có chữ ký nháy của ông và dấu giáp lai của Công ty Thành Long. Về phần chữ ký và dấu tại trang 2, ông Thành thừa nhận đó là dấu và chữ ký thật nhưng đó chỉ là nội dung trao đổi, là hợp đồng nháp chứ không phải là hợp đồng có hiệu lực.

Chính vì đó không phải là hợp đồng có hiệu lực, nên suốt 2 năm, kể từ ngày 1/4/2012 khi hợp đồng phát sinh hiệu lực đến nay, phía Công ty NVC China không hề có văn bản, công văn nào yêu cầu Công ty Thành Long phải bàn giao văn bằng gốc.

Không chỉ thế, ông Thành còn nêu sự việc Công ty NVC China xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty Thành Long. Chẳng hạn như vào tháng 4/2013, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 đã phát hiện một lô hàng có dấu hiệu nghi ngờ về quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, Công ty NVC China đã xuất khẩu vào Việt Nam một lô hàng đèn âm trần mang nhãn hiệu NVC với số lượng 4.000 bộ đèn và 1.200 bóng.

Trao đổi với phóng viên bên lề phiên tòa, ông Thành cho rằng, ông có căn cứ để nghi ngờ Công ty NVC China đã khởi kiện để cố giành giật thị trường Việt Nam của Công ty Thành Long, bởi việc bị bắt là vào tháng 4/2013 và sau đó tháng 11/2013, Công ty NVC khởi kiện.

Ông Thành còn cho biết thêm, ông xây dựng thương hiệu này ở Việt Nam gần 10 năm nay, khi sản phẩm gắn nhãn NVC có chỗ đứng trên thị trường thì đối tác Trung Quốc tính chuyện cướp không bằng hợp đồng chuyển nhượng giá 0 đồng.

Theo Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ thìĐiều 148 thì đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc công nhận đăng ký quốc tế… thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.  

Trong trường hợp này, Công ty NVC China chưa thực hiện đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước nên chưa thể coi là hợp đồng đã có hiệu lực.