Doanh nghiệp trông chờ gói hỗ trợ lần thứ hai

0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc gói hỗ trợ thứ nhất theo chỉ đạo tại Chỉ thị 11/CT-TTg, Chính phủ sẽ nghiên cứu để thực hiện gói hỗ trợ thứ hai.
Chính phủ sẽ nghiên cứu để thực hiện gói hỗ trợ thứ hai.

Chính phủ sẽ nghiên cứu để thực hiện gói hỗ trợ thứ hai.

Gói hỗ trợ lần một tăng mức đề kháng cho doanh nghiệp

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19, hệ thống các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ cho vay trên 3 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá tiền điện 9.200 tỷ đồng. Bộ Tài chính gia hạn nộp trên 66.000 tỷ đồng thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ 12.400 tỷ đồng cho gần 12,5 triệu người dân và 23.000 hộ kinh doanh.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất với doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ngoài ra, hàng loạt giải pháp cấp bách khác nhằm giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã được thực hiện, như giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến hết năm 2020; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm hàng loạt loại phí, lệ phí…

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có thể còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng các gói hỗ trợ đã góp phần rất lớn cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Gói hỗ trợ lần một rất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nguồn tài chính hạn hẹp của ngân sách nhà nước. Đây là cơ sở rất quan trọng để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thiết kế các biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn sau”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, nếu nhìn sang quốc gia khác đang thực hiện chính sách hỗ trợ tài khóa một cách ồ ạt cho doanh nghiệp hoặc người dân hoặc cả hai, nhiều người băn khoăn về mức độ hỗ trợ, tính bằng tiền và so với quy mô GDP của Việt Nam là quá ít.

Tuy nhiên, thực tế từ bài học khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 cho thấy, hỗ trợ nhiều, hỗ trợ ồ ạt có thể phản tác dụng, vì ngân sách nhà nước sẽ bị lạm chi, gây áp lực nên nợ công và quan trọng hơn là giảm dư địa trong điều hành kinh tế vĩ mô cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ.

Hỗ trợ ngay, tránh tranh luận

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, gói hỗ trợ lần một bước đầu đã đạt kết quả và hiệu quả trong việc thực hiện “mục tiêu kép” mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Nếu không có gói hỗ trợ kịp thời, đúng liều lượng, đúng đối tượng, thì tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay khó có thể đạt 2,12%.

Đặc biệt trong quý III, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả rất ấn tượng so với quý II, khi tăng 2,62%, thay vì chỉ tăng 0,39% trong quý II.

“Tuy nhiên, các chính sách này sắp kết thúc trong khi chưa dự báo được thời điểm dịch bệnh kết thúc. Vì vậy, các bộ, ngành phải sớm có nghiên cứu và đánh giá tác động của các chính sách một cách sâu rộng hơn, đồng thời cần xây dựng chính sách mang tính dài hạn hơn trong giai đoạn hậu Covid-19”, ông Hùng đề xuất.

Đến thời điểm này, về gói hỗ trợ lần hai, hiện mới có thông tin sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP theo hướng giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động. Các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng khác đang được các bộ, ngành nghiên cứu.

Theo ông Dương, các cơ quan quản lý nhà nước đã có cân nhắc, tính toán cụ thể các kịch bản kinh tế vĩ mô khoa học hơn, kinh nghiệm hơn trước khi trình Chính phủ “tung ra” gói hỗ trợ thứ hai.

Trong lúc này, gói hỗ trợ tài khóa cần phải mạnh dạn giảm các loại thuế, phí với liều lượng mạnh hơn, thời gian kéo dài hơn.

“Mỗi lần giảm thuế, phí thường nảy sinh tranh luận về tình công bằng, vì có doanh nghiệp được giảm, có doanh nghiệp không, doanh nghiệp bị thiệt hại ít lại được giảm nhiều và doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều được giảm ít. Có lẽ lúc này, cần sớm đưa ra chính sách và tránh việc tranh luận quá mức cần thiết về tính công bằng của giải pháp giảm thuế”, ông Dương đề xuất.

Được biết, Tổng cục Thống kê sắp kết thúc điều tra doanh nghiệp trước tác động của Covid-19 lần thứ hai. Kết quả điều tra sẽ chỉ ra doanh nghiệp ở những ngành nghề, lĩnh vực nào bị tác động tiêu cực nhiều nhất, bị tác động bởi những yếu tố nào.

Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng liều lượng trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa không có nhiều.

Tin bài liên quan