Doanh nghiệp thủy sản trên đà hồi phục

Doanh nghiệp thủy sản trên đà hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tín hiệu khả quan của thị trường xuất khẩu thủy sản, nhất là Mỹ và EU, đang mang lại triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành này.

Nhu cầu tôm, cá tra tăng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi, 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản phẩm tôm trong tháng 5/2021 mang về 375 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14%. Tương tự, mặt hàng cá tra mang về 134 triệu USD trong tháng 5, tăng 26%, lũy kế 5 tháng đạt 623 triệu USD, tăng 12%. Các mặt hàng hải sản khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá biển, hải sản… cũng tăng trưởng cao.

Thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp Trung Quốc giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như quy định kiểm soát dịch bệnh của nước này.

Tôm Việt Nam hiện nằm trong Top tiêu thụ tại thị trường Mỹ và chiếm 21% tỷ trọng xuất khẩu. Mỹ mở cửa hoàn toàn 50 bang từ ngày 20/5/2021 sau một thời gian dài nhằm phòng chống dịch Covid-19 là yếu tố thúc đẩy nhập khẩu.

Cá tra xuất sang Mỹ cũng đang trên đà tăng mạnh, 5 tháng đầu năm 2021 tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 135 triệu USD. Với cá ngừ, Mỹ đang dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam, chiếm 42% tỷ trọng.

Bên cạnh thị trường Mỹ, các doanh nghiệp kỳ vọng EU là động lực tăng trưởng trong năm nay khi nhu cầu tiêu thụ tôm và các mặt hàng hải sản gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được khống chế.

Thực tế, các nhà nhập khẩu EU quan tâm nhiều hơn đến các nhà cung cấp thủy sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và nguồn nguyên liệu ổn định.

Tính đến hết tháng 5/2021, Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào EU đạt 380 triệu USD, tăng 15%; trong đó, tôm chiếm gần 199 triệu USD và tăng 22% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng

Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu 15.774 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.092 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 62% so với năm ngoái.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 của MPC tăng 62%, ANV tăng 80%, VHC giảm 3% so với năm 2020.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị MPC cho biết, trong năm 2021, doanh nghiệp sẽ giữ vững thị trường xuất khẩu (Mỹ, EU, Nhật Bản) và mở rộng thị trường mới, phát triển chuỗi giá trị tôm theo 5 mô hình chính: con giống (quyết định hơn 60% thành công của nuôi tôm); khu phức hợp nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; khu phức hợp nuôi tôm sú quảng canh; khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ; khu phức hợp nuôi tôm sú - lúa hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2045 của MPC là chiếm lĩnh 25% thị phần tôm thế giới.

Tại Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt (ANV), kế hoạch kinh doanh năm 2021 là đạt 4.500 tỷ đồng doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 30,8% và 80% so với năm 2020. Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, EU, quay trở lại thị trường Mỹ và Nga.

Đối với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), kế hoạch kinh doanh năm 2021 là đạt doanh thu 8.600 tỷ đồng, tăng 22%, nhưng mục tiêu lợi nhuận là 700 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2020. Được biết, tổng doanh thu 4 tháng đầu năm 2021 của Công ty tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sản phẩm cá tra tăng 54%, sản phẩm phụ tăng 107%, sản phẩm sức khỏe tăng 78%, sản phẩm giá trị gia tăng tăng 111%. Giá trị xuất khẩu của Công ty có sự tăng trưởng ở hầu hết các thị trường: Trung Quốc tăng 246%, Mỹ tăng 130%, châu Âu tăng 3%, các khu vực khác tăng 12%.

Trong năm nay, VHC dự kiến đầu tư 1.300 tỷ đồng, trong đó 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và một vùng nuôi mới; 200 tỷ đồng cải tạo nhà máy tại Thanh Bình và Thực phẩm Vĩnh Phước; 400 tỷ đồng là các khoản đầu tư khác.

Kỳ vọng vượt qua thách thức

Theo MPC, trong quý đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá một số nguyên liệu, vật tư đầu vào và các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất - kinh doanh đều tăng, đặc biệt là phí tàu tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2020 đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty (26 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, quý I chưa vào vụ thu hoạch tôm, nguồn cung khan hiếm khiến giá tôm nguyên liệu tăng cao, vừa làm tăng giá thành, vừa làm tăng chi phí cố định do nhà máy hoạt động dưới công suất thiết kế.

Tại VHC, chi phí tăng khiến lợi nhuận hợp nhất quý I/2021giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 131 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng chủ yếu do chi phí cước tàu tăng.

Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, lượng hàng tồn kho cá tra nguyên liệu tại Việt Nam đang giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ cá trên thế giới hồi phục, giá cá tra nguyên liệu có thể tăng. Tuy nhiên, kho lạnh mới tại Vĩnh Phước sẽ giúp VHC dự trữ đủ lượng nguyên liệu cần thiết, qua đó giảm thiểu tác động từ giá nguyên liệu dự kiến tăng.

Đối với ANV, doanh nghiệp có sự chủ động về nguồn nguyên liệu khi cho hay, kể từ đầu năm 2021, cá tra nguyên liệu và cá giống có xu hướng tăng giá.

Nhờ tự chủ nguồn cá nguyên liệu đầu vào cùng cá giống, ANV không những không bị ảnh hưởng bởi giá tăng, mà còn có thể tăng được doanh thu từ bán các mặt hàng này. Trong cơ cấu chi phí của ANV, chi phí giá vốn giảm xuống mức 88% tổng chi phí nhờ tự chủ 100% nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và tiết giảm chi phí điện.

Công ty Chứng khoán CSI nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn đang đối mặt với thách thức từ chi phí vận chuyển đường biển ở mức cao do tình trạng thiếu container, gây cản trở việc xuất khẩu sang Mỹ và EU. Trong khi đó, một số thị trường dựng lên các hàng rào phi thuế quan để hạn chế và thắt chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, giá bán có thể giảm.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, đồng thời cước container giảm dần, qua đó thúc đẩy xuất khẩu.

Tin bài liên quan